Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 30/07/2013 09:19
5 gương mặt Nobel tại “Gặp gỡ Việt Nam” IX
“Gặp gỡ Việt Nam”(GGVN) lần thứ IX diễn ra tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) từ 28.7 đến 17.8 là sinh hoạt học thuật quy mô lớn của vật lý học toàn cầu.
5 gương mặt Nobel tại “Gặp gỡ Việt Nam” IX
Hơn 100 nhà khoa học trong, ngoài nước tham dự hội nghị khoa học quốc tế ngày 29.7.

Trong khuôn khổ 4 hội nghị chuyên sâu, GGVN lần này vinh dự đón 5 nhà bác học đoạt giải Nobel đến làm việc. Cho dù xuất phát từ đâu, ở lĩnh vực nghiên cứu nào, thì cả 5 vị đều có chung một mối dây bền chặt với Hội Khoa học GGVN và đều dành cho dải đất hình chữ S rất nhiều thiện cảm.

GS Jack Steinberger
1. Sâu nặng nhất với Việt Nam qua các kỳ “gặp gỡ” không ai khác hơn là GS người Mỹ gốc Do Thái Jack Steinberger. Ông sinh năm 1921 tại Bad Kissingen (Đức) trong một gia đình có 3 anh em. Năm 1934, ông đến New York, theo học trường trung cao Trier Township rồi học 2 năm ngành hóa ở Viện Công nghệ Armuour (nay là Viện Công nghệ Illinois). Năm 1942, tốt nghiệp Đại học Chicago ngành hóa, Jack Steinberger nhập ngũ, được gửi đến phòng thí nghiệm phóng xạ của MIT sau một khóa đào tạo đặc biệt về lý thuyết sóng điện từ do quân đội Mỹ tổ chức.

Phòng thí nghiệm có nhiệm vụ phát triển kỹ thuật rađa mà ông là thành viên thuộc nhóm ăngten. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, trở về Đại học Chicago, được làm việc bên cạnh các nhà khoa học bậc thầy như Enrrico Fermi, W. Zachariasen, Edward Teller, Gregor Wentzel, ông lần hồi khám phá muon (một dạng hạt sơ cấp) của tia vũ trụ. Kết quả nghiên cứu của ông tạo cơ sở thực nghiệm cho khái niệm tương tác yếu. Về sau, con đường thực nghiệm của Jack Steinberger còn gặt hái được nhiều thành tựu ở Viện Cao học Princeton. Ông được trao giải Nobel Vật lý năm 1988 do “phương pháp chùm neutrino và chứng minh về cấu trúc bộ đôi (doublet) của các lepton thông qua phát minh neutrino muon” tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN).

Nếu các công trình của GS Jack Steinberger là một “khu vườn bí hiểm” đối với đại chúng thì mối thâm giao với GS Trần Thanh Vân và tình yêu dành cho Việt Nam trong ông lại hết sức rõ ràng. Nhiều người còn nhớ, ông đã xuất hiện một cách ấn tượng như thế nào tại GGVN lần I tổ chức ở Hà Nội năm 1993, sau khi phải trải qua những khúc nôi lắt léo để lách lệnh cấm vận còn hiệu lực của Mỹ.

Trở về nước, Jack Steinberger viết thư ngay cho Tổng thống Bill Clinton, dứt khoát đòi Mỹ phải xóa bỏ lệnh bao vây cấm vận đối với Việt Nam. Mới đây, trong email gửi GS Trần Thanh Vân, ông viết: “Tôi đánh giá rất cao những gì anh đã làm cho lĩnh vực vật lý của chúng ta và những gì anh đang làm để xây dựng ngành vật lý ở nước anh - đất nước đã chịu nhiều đau thương, mất mát do sự can dự của nước chúng tôi, nước Mỹ”. 92 tuổi, nhà bác học có mái tóc phảng phất chút “bụi bặm”, ngang tàng vẫn tràn trề một trái tim chứa chan, nồng nhiệt.

GS David J.Gross
2. Lá thư khác cũng đến từ Mỹ và cũng được GS Trần Thanh Vân giới thiệu như là minh chứng cho sự ủng hộ từ những bộ óc vĩ đại của thế giới vật lý dành cho GGVN IX: “Rất cảm ơn anh về lời mời. Tôi rất vui lòng tham gia ban cố vấn quốc tế của hội nghị. Tôi chưa lần nào đến Việt Nam. Đàm Thanh Sơn (GS Đàm Thanh Sơn) đã kể với tôi về trung tâm của anh. Tôi cảm phục anh đã đứng ra đảm đương công việc khó khăn, quan trọng ấy. Tôi nóng lòng chờ chuyến thăm Việt Nam”.

Tác giả những dòng thư rạo rực, sôi nổi ấy là GS David J.Gross, Nobel vật lý năm 2004 cho “khám phá hiện tượng tiệm cận tự do trong lý thuyết tương tác mạnh”. Gross sinh năm 1941 ở Israel, nhận bằng cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Hebrew Jerusalem năm 1962. 4 năm sau, ở Đại học California (Mỹ), ông lấy bằng tiến sĩ vật lý dưới sự hướng dẫn của GS Geoffrey Chew. Năm 1973, cùng các sinh viên đầu tiên của mình ở Đại học Princeton, Gross phát hiện ra hiện tượng tiệm cận tự do: Các quark (một hạt cơ bản sơ cấp và là một thành phần cơ bản của vật chất) gần nhau hơn thì tương tác mạnh giữa chúng sẽ nhỏ hơn. Khi các quark ở rất gần nhau, lực tương tác hạt nhân giữa chúng trở nên quá nhỏ khiến chúng hành xử như những hạt tự do.

Có điều trùng hợp thú vị là, trong một nghiên cứu độc lập, hiện tượng tiệm cận tự do cũng được tìm thấy bởi nhà khoa học H.David Politzer, mở ra khả năng hiểu biết lớn lao của vật lý học đối với sự phát triển của sắc động lực học lượng tử. Đây là lý do để Nobel vật lý 2004 được chia sẻ cho 3 cái tên. Ngoài Gross và Politzer còn có một GS Mỹ khác là Frank Wilczek.

GS Georges Smoot
3. Không giống hai đồng hương trên, cách bày tỏ của chủ nhân Nobel 2006 - GS Georges Smoot - có phần nhẹ nhàng, khiêm tốn hơn. Ông viết cho GS Vân: “Tôi rất vinh dự được tham gia ban cố vấn quốc tế của hội nghị và sẽ cố gắng đóng góp hết sức mình”. Smoot sinh ra tại Yukon, Florida; tốt nghiệp phổ thông trung học ở Upper Arlington, Ohio năm 1962. Ông nhập môn ngành toán trước khi chuyển sang Viện Công nghệ Massachusetts - nơi ông nhận bằng cử nhân kép cả toán lẫn lý năm 1966 và nhận bằng tiến sĩ vật lý năm 1970.

Lĩnh vực Georges Smoot theo đuổi là vật lý thiên văn và vũ trụ học. Giải Nobel cho ông cùng với GS John C.Mather là sự tưởng thưởng xứng đáng đối với những khám phá làm cho việc đo lường lỗ đen và bức xạ vũ trụ trở nên khả thi, chính xác hơn. Nghiên cứu này đưa ra bằng chứng mới cho lý thuyết Big Bang, rằng vũ trụ sinh ra từ một vụ nổ lớn. Công trình hoàn thành nhờ sử dụng vệ tinh Cosmic Background Explorer (COBE) mà theo đánh giá của Ủy ban Giải thưởng Nobel là “điểm khởi đầu của vũ trụ học như một khoa học chính xác”. GS Smoot hiện làm việc ở khoa Vật lý, Đại học California, Berkeley. Năm 2003, ông được trao tặng Huân chương Einstein.

GS Sheldon Lee Glashow
4. Nobel mang quốc tịch Mỹ còn lại là GS Sheldon Lee Glashow. Ông được Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển vinh danh năm 1979 “vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu. Sheldon Lee Glashow sinh năm 1936 tại New York trong một gia đình Do Thái nhập cư từ Nga. Ông tốt nghiệp Trường Trung học Khoa học Bronx năm 1950, nhận bằng cử nhân của Đại học Cornell năm 1954 và bằng tiến sĩ vật lý Đại học Harvard năm 1959. Giai đoạn 1962 – 1966, ông là phó giáo sư Đại học California, Berkeley. Ông gia nhập bộ môn vật lý, Đại học Harvard và trở thành giáo sư năm 1966. Glashow còn tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trung trung tâm khoa học, giáo dục tên tuổi như CERN, Đại học Marseiles, MIT, Phòng thí nghiệm Brookhaven, Texas A & M, Đại học Houston, Đại học Boston.

5. Bên cạnh các vì “tinh tú” đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương, Klaus von Klitzing hiển nhiên trở thành thiểu số. Ông là nhà bác học “phi Mỹ” duy nhất trong số 5 gương mặt Nobel lấp lánh trên bầu trời Quy Nhơn. GS Klaus von Klitzing là người Đức, sinh năm 1943 ở Schroda, Reichsgau (nay thuộc Ba Lan), nổi tiếng về công trình phát hiện hiệu ứng Hall mà vì nó ông đã được trao Nobel vật lý 1985.

GS Klaus von Klitzing
Rời trường trung học năm 19 tuổi, Klitzing theo học vật lý ở Đại học Công nghệ Braunschweig và nhận bằng tốt nghiệp năm 1969. Tiếp tục học tập, nghiên cứu ở Đại học Wurzburg, năm 1972, ông hoàn thành luận án tiến sĩ. Klaus von Klitzing làm việc ở phòng thí nghiệm từ trường Grenoble cho tới khi trở thành giáo sư Đại học Kỹ thuật Muchen năm 1980. Từ 1985, ông là Giám đốc Viện Nghiên cứu chất rắn Max Planck (Stuttgart). Trong khoa học vật lý, hằng số von Klitzing được đặt theo tên ông nhằm vinh danh công trình phát hiện hiệu ứng Hall.

Theo diễn giải do GGVN đưa ra, thì “nghịch đảo của hằng số von Klitzing bằng một nửa giá trị của lượng tử dẫn”. Ngày nay, nghiên của Klitzing tập trung vào đặc tính hệ thống điện tử kích thước thấp, điển hình trong các nhiệt độ thấp và trong các từ trường cao. Ở GGVN IX, cùng Seldon Glashow, Klaus von Klitzing là diễn giả chính phiên khai mạc hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” sau lễ khánh thành Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE). Chủ đề cuộc nói chuyện là vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong việc tạo ra những bước tiến đột phá trong công nghệ, mang lại lợi ích khổng lồ cho loài người.

Giới thiệu tiểu sử khoa học tóm tắt của những nhà bác học có mặt ở GGVN IX, GS Trần Thanh Vân cho biết, ông lấy làm tiếc việc thiếu vắng hai cây đại thụ vật lý hiện đại là Carlo Rubbia (Italia, Nobel 1984) và Jerome I.Friedman (người Mỹ gốc Nga, Nobel 1990). Vị Chủ tịch Hội Khoa học GGVN xuýt xoa: “GS Friedman mới đây còn nói ông rất vinh dự được mời tham gia phiên khai mạc và rằng ông lấy làm mừng về việc tôi được tặng Huy chương Tate và việc khám phá ra hạt Higgs.

Vậy mà đến giờ cuối, ông ấy đã không có mặt vì lý do sức khỏe”. Không hề gì, chỉ với 5 giải Nobel, GGVN IX đã là cuộc tao ngộ khoa học quy mô chưa từng có ở Châu Á từ trước đến nay, cho thấy uy tín và sức hấp dẫn của GGVN nói chung, cá nhân ông bà Trần Thanh Vân nói riêng. Rộng ra, đấy cũng là sức hấp dẫn của một Việt Nam còn chồng chất khó khăn song luôn khát khao hội nhập, gồm thâu tri thức.


(Theo laodong.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)