Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc: Tạm gác bất đồng, thắt chặt hợp tác
Ngày 2-8, Diễn đàn cấp cao kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc (Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc) diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Bên cạnh chủ đề thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên, một trong những nội dung chính của hội nghị đang thu hút sự quan tâm của giới truyền thông là liệu các bên có tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết bất đồng ở biển Đông.
Kiên trì giải quyết bất đồng
Trong bài phát biểu khai mạc hội
nghị, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul khẳng định mối quan
hệ gần gũi giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa
trong tương lai. Về tranh chấp lãnh hải ở biển Đông giữa Trung Quốc và
một số nước thành viên ASEAN, ông Surapong kêu gọi các bên giải quyết
những bất đồng một cách ôn hòa trên tinh thần hướng tới hòa bình và ổn
định khu vực.
Ông Surapong để ngỏ khả năng sẽ có
một tiến bộ cụ thể trong việc tạo ra một bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông
trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei vào tháng10, sau khi các
quan chức cấp cao giải quyết vấn đề này trong tháng 9.
|
Quan hệ giữa ASEAN - Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển. |
Trong tham luận tại diễn
đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh chia sẻ, đánh giá tích cực
về quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Ông khẳng định mối quan hệ đối tác này
là một trong những trụ cột quan trọng ở khu vực. Thứ trưởng cho rằng
việc tăng cường quan hệ và hợp tác ASEAN - Trung Quốc không chỉ đem lại
lợi ích cho cả hai bên, mà còn đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định
và phát triển chung ở khu vực. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh
việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ, giải
quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện toàn diện và hiệu
quả, cũng như sớm đạt được COC, đóng góp tích cực vào sự phát triển
chung của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc, vì hòa bình, ổn
định và phát triển.
Hiện nay, vẫn còn tồn tại tranh cãi trên
biển Đông của Trung Quốc với một số thành viên của ASEAN nên xuất hiện
nhiều lo ngại rằng vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng đến các kế hoạch tương
lai của ASEAN. Sau khi thành lập Khu vực thương mại tự do Trung Quốc -
ASEAN trong năm 2010, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 40 tỷ
USD trong năm 2001 lên 400 tỷ USD trong năm ngoái.
Ưu tiên hợp tác với ASEAN
Các đại biểu cũng chia sẻ ý kiến
và đề xuất các biện pháp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ và hợp tác
trong thời gian tới giữa ASEAN và Trung Quốc. Các ý kiến đều nhấn mạnh
cần tiếp tục tăng cường đối thoại, tham vấn và hợp tác về chính trị, an
ninh, vì hòa bình, ổn định và phát triển; đẩy mạnh hợp tác kinh tế,
thương mại và đầu tư thông qua triển khai hiệu quả hơn nữa các hiệp định
và cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN -
Trung Quốc, tăng cường nỗ lực sớm hoàn tất các đàm phán về Hiệp định Đối
tác Kinh tế toàn diện (RCEP), hướng tới mục tiêu đưa thương mại hai
chiều đạt 500 tỷ USD vào năm 2015; phát huy tối đa hiệu quả của các cơ
chế hiện có như Trung tâm ASEAN - Trung Quốc và Hội chợ ASEAN - Trung
Quốc để thúc đẩy hợp tác về kết nối, giao lưu văn hóa và nhân dân, liên
kết doanh nghiệp, giáo dục…
Theo tờ Nation, để tiếp tục thực hiện
“giấc mơ” giữa Trung Quốc - ASEAN, hai bên cần duy trì tăng trưởng kinh
tế liên tục cũng như duy trì một môi trường bên ngoài ổn định và hòa
bình. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN đã mang lại sự thịnh vượng toàn khu
vực và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của
Trung Quốc. Sức mạnh trong hợp tác thương mại giữa hai bên một động lực
cho sự phát triển kinh tế tổng thể và hội nhập của khu vực Đông Á. Cùng
với sự phát triển của quan hệ kinh tế thương mại song phương, quan hệ
ngoại giao Trung Quốc - ASEAN sẽ ngày càng trở nên phức tạp nếu tranh
chấp biển Đông không được xử lý ổn thỏa, trong khi tình trạng mất cân
bằng thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể song
phương.
ASEAN và Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách
thức mới buộc các nhà lãnh đạo phải khéo léo điều chỉnh các mối quan hệ
song phương để tránh thiệt hại cho quốc gia. Hiện Trung Quốc đang thúc
đẩy một thỏa thuận thương mại tự do ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc
nhưng ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc vẫn là khu vực quan hệ đối tác
kinh tế toàn diện với ASEAN.
(Theo sggp.org.vn)