Tăng giá điện: “Không giải thích thêm nữa!”
Thay vì trả lời các câu hỏi của báo giới liên quan đến vấn đề tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã giải thích nhiều rồi, nên không nói lại nữa.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chủ trì buổi họp báo chiều 5/8, nhưng mọi câu hỏi về điện đều bị khước từ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ
của Bộ Công Thương chiều 5/8, như mọi khi, cung cấp điện và giá điện là
lĩnh vực được hầu hết các báo quan tâm, và Bộ cũng sẵn sàng cử đại diện
trả lời đầy đủ mọi thắc mắc của báo giới.
Tuy nhiên, cuộc họp báo
chiều 5/8 là một ngoại lệ. Không có sự tham dự của đại diện Cục Điều
tiết điện lực, không có đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thế
nên, sau khi để cho không dưới 20 đại diện các cơ quan báo chí đặt câu
hỏi tới chủ trì họp báo, các lĩnh vực khác như xăng dầu, giá sữa, cá tầm
nhập lậu… đều được đại diện Bộ Công Thương trả lời đầy đủ, chi tiết.
Riêng
nhóm các câu hỏi về điện, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã kết thúc buổi
họp báo trong sự thất vọng của báo giới khi khẳng định rằng “chúng tôi
không giải thích thêm nữa, vì trong thời gian qua đã nói quá nhiều rồi.
Buổi họp kết thức ở đây”.
Trước đó, dẫn ra hàng loạt các trả lời
về điện, Thứ trưởng Thoa cho biết, sau khi có điều chỉnh tăng giá điện,
đại diện EVN cũng đã trả lời trên Đài Tiếng nói, Cục Điều tiết điện lực
cũng đã giải thích và thậm chí Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã trả lời
trên… truyền hình. Vậy nên, Bộ "không giải thích thêm nữa".
Câu
trả lời của Thứ trưởng Thoa khiến cả khán phòng rộ lên vì bất ngờ. Một
số phóng viên cảm thấy hụt hẫng, cố hỏi thêm một vài vấn đề chưa rõ về
quyết định tăng giá điện cũng bị Thứ trưởng từ chối.
Hàng loạt
băn khoăn của người dân sau khi giá điện tăng vẫn chưa được cơ quan quản
lý trả lời thoả đáng. Đặc biệt là vấn đề giá thành sản xuất điện của
EVN sau nhiều năm vẫn chưa được công khai, minh bạch. Trong khi, với lý
do giá điện phải tiệm cận giá thị trường, đều đặn mỗi năm, Bộ và EVN cho
tăng giá từ 1 - 2 lần.
Một bức xúc nữa của người dân cũng được
báo giới gửi đến lãnh đạo Bộ Công Thương nhưng cũng không được trả lời,
đó là về nguyên tắc của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một
phóng viên đã chất vấn Bộ rằng, theo quy định, một quyết định, thông tư
khi ban hành thì thời hạn có hiệu lực phải tối thiểu 15 ngày, trong khi
Thông tư 19 về điều chỉnh giá điện của Bộ ban hành ngày 31/7, thì ngay
ngày hôm sau 1/8 đã có hiệu lực liệu có đúng quy định và tại sao lại có
sự vội vã như thế?
Nhưng chất vấn này cùng hàng loạt câu hỏi khác của báo giới đã bị đại diện Bộ Công Thương từ chối trả lời.
Theo
các chuyên gia kinh tế, người dân hoàn toàn không phản đối ngành điện
tăng giá để đảm bảo nguồn vốn tái đầu tư. Tuy nhiên, mọi cái đều phải
minh bạch. Và khi ngành điện viện dẫn khái niệm “cơ chế thị trường”
trước mỗi lần tăng giá điện thì giá thành sản xuất cùng chi phí, cơ cấu
nguồn điện, tỷ trọng điện giá rẻ như thế nào đều không được ngành điện
công khai.
Mới đây, trong chỉ đạo của mình, Phó thủ tướng Hoàng
Trung Hải đã yêu cầu EVN phải tăng cường hơn nữa công tác quan hệ với
công chúng, báo chí, giải thích rõ ràng mọi thắc mắc của người dân. Năm
2013 cũng là năm EVN quyết tâm xây dựng “văn hoá EVN” với mục tiêu là
nâng cao phục vụ khách hàng, đặc biệt là vấn đề cung cấp thông tin thái
độ phục vụ.
Nhưng căn cứ trên thực tế thì có vẻ mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở chỉ đạo và "quyết tâm".
(Theo vneconomy.vn)
|