Ngày 21/12/2012, Công ty sách Phương Nam
(PNB) ký hợp đồng độc quyền sử dụng tác phẩm của Nguyễn Quang Lập
trong vòng sáu năm tính từ ngày ký. PNB khẳng định NXB TN vi phạm bản
quyền. NXB TN và đối tác liên kết là Công ty Minh Thành phản hồi,
đưa ra bản hợp đồng liên kết xuất bản ấn phẩm kể trên, ký ngày
28/8/2012, tuyên bố mình làm sách hợp pháp.

Theo đó, PNB độc quyền khai thác toàn bộ tác phẩm của nhà văn
Nguyễn Quang Lập kể từ ngày 21/12/2012 trở đi, còn NXB TN có quyền
thực hiện cuốn sách lẻ của ông Lập trước cột mốc này. Điều này
đúng luật. Rắc rối là ở chỗ, NXB TN và đối tác đã ghi “in xong và
nộp lưu chiểu năm 2013” trên cuốn sách. Đây là chi tiết vô tình
“tố” NXB TN vi phạm bản quyền, vì trên giấy trắng mực đen, rõ ràng
thời điểm họ ra sách lọt vào khung thời gian mà PNB đang sở hữu độc
quyền tác phẩm của Nguyễn Quang Lập. Câu chuyện quanh cuốn Đuốc
lá dừa của cố nhà văn Hoài Anh cũng thuộc dạng này: NXB Kim Đồng có
hợp đồng 10 năm kể từ ngày 1/3/2013, khai thác độc quyền bảy tác
phẩm của ông, trong đó có Đuốc lá dừa, còn NXB Trẻ có hợp đồng riêng
với cuốn truyện này trước, từ 14/12/2012. Đuốc lá dừa do NXB Trẻ thực
hiện vẫn được phát hành bình thường dù có hay không ấn phẩm cùng
tên của NXB Kim Đồng.
Tình huống từ thực tiễn xuất bản kiểu này, giữa đúng với sai chỉ
là lằn ranh mỏng tùy theo động thái của người trong cuộc. “Kịch bản”
khai thác kẽ hở từ chỗ giáp ranh đó có thể sẽ bị lạm dụng: đơn vị A sẽ
in nối bản với quyền từ hợp đồng tựa lẻ mà mình đã có trước, bất
kể thời điểm ra sách là trước hay sau khi hợp đồng độc quyền gói
tác phẩm thuộc về đơn vị B có hiệu lực. Xem ra, độc quyền chưa chắc
đã... có quyền!
(Theo phunuonline.com.vn)