Tới dự, có các đồng chí trong Ðảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an,
các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Công an, cán bộ công an lão thành, các
tướng lĩnh đã về hưu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các
tổng cục, bộ tư lệnh, các vụ, cục trực thuộc bộ và hơn 400 đoàn viên,
thanh niên ưu tú tiêu biểu trong CAND.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Trần Ðại Quang đã ôn lại truyền thống vẻ
vang và hào hùng của lực lượng CAND; ghi nhận, tri ân những thành tích,
chiến công và sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND
trong 68 năm qua. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ công an đã không quản ngại khó
khăn, gian khổ đi theo tiếng gọi của Ðảng, của Bác Hồ, hiến dâng cả tuổi
thanh xuân của mình cho cách mạng. Ðã có hàng chục nghìn cán bộ, chiến
sĩ anh dũng hy sinh hoặc cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc. Tấm
gương chiến đấu hy sinh và những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ,
chiến sĩ CAND đã trở thành bức tượng đài bất tử cùng núi sông đất nước,
viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của dân tộc trong hai cuộc kháng
chiến và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền
thống anh hùng vẻ vang của CAND, củng cố niềm tin yêu và sự gắn bó của
nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và lực lượng CAND.
Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, lực
lượng CAND cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, luôn rèn luyện,
hun đúc bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức;
đồng thời phải nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục những việc làm chưa
tốt, thậm chí sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến
hình ảnh, uy tín và hiệu quả công tác, chiến đấu của lực lượng CAND.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm -
Trung", mỗi cán bộ, chiến sĩ công an trên từng cương vị công tác của
mình, cần có nhiều việc làm thiết thực, đậm tính nhân văn hơn nữa để
phục vụ nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ công an, nhất là lãnh đạo chỉ huy
công an các cấp phải là người làm tốt công tác dân vận, thường xuyên
lắng nghe ý kiến của nhân dân; cải tiến, đổi mới lề lối làm việc, dựa
vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đề cao ý thức chấp hành
pháp luật; chủ động và tích cực khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm,
yếu kém làm tổn hại đến mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với công an.
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở, ấm tình đồng chí, đồng đội.
Ngày 16-8, tại TP Hải Dương, Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp Bảo tàng
Hải quân khai mạc trưng bày chuyên đề "Biển, đảo và người chiến sĩ hải
quân; Hải Dương với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".
Về chủ đề "Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân", với 40 pa-nô, 175 ảnh
tư liệu, hai bản đồ, 14 bản thống kê thành tích và vi-đê-ô trình chiếu
về truyền thống Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nội dung của chủ đề gồm ba
phần: Giới thiệu về "vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển Việt Nam
với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh đất
nước"; Giới thiệu về "truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt
Nam"; "Xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam: cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, hiện đại bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc".
Về chủ đề "Hải Dương với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ
quốc", trưng bày 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản trích, các kỷ vật
phản ánh quá trình chỉ đạo, hoạt động của Ðảng bộ, chính quyền và nhân
dân Hải Dương trong quá trình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nội dung chủ đề gồm hai phần: làm rõ "sự quan tâm, chỉ đạo của Ðảng bộ,
chính quyền và nhân dân Hải Dương về việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền
biển, đảo của Tổ quốc"; giới thiệu về "Quân và dân Hải Dương tham gia
gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".
Chuyên đề mở cửa đến hết ngày 3-9-2013.
Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Ðịnh phát động phong trào thi đua "Công
nhân, viên chức - lao động Nam Ðịnh chung sức xây dựng nông thôn mới
(NTM)". Theo đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã huy động được hơn 560
triệu đồng, xây dựng 10 mô hình bảo vệ môi trường ở mười xã xây dựng NTM
(trong đó có chín mô hình xử lý rác thải, một mô hình trồng cây xanh
tại cộng đồng). Ðồng thời tổ chức tuyên truyền về chương trình xây dựng
NTM, kiến thức bảo vệ pháp luật cho hơn 1.300 lượt cán bộ công đoàn cơ
sở ở khu vực nông thôn.
Ngày 16-8, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập
(12-8-1978 - 12-8-2013). Qua 35 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng
thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc của khách
tham quan trong và ngoài nước. Ðến nay, bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ hơn
345 nghìn tài liệu, hiện vật, trong đó có hơn 45.600 hiện vật gốc với
nhiều hiện vật sưu tầm quý hiếm. Bảo tàng đã đón tiếp hơn bảy triệu lượt
khách, trung bình từ 350 đến 400 nghìn lượt/năm.
Dịp này, bảo tàng tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Hiện vật từ
những sưu tập của Bảo tàng TP Hồ Chí Minh" với hơn 300 hiện vật được
chọn lọc từ 133 bộ sưu tập hiện vật trong hơn 45.600 hiện vật bảo tàng
đang lưu giữ, bảo quản. Hoạt động diễn ra từ nay đến tháng 7-2014. Ngoài
ra, dịp này, bảo tàng cũng tiếp nhận 500 hiện vật, tư liệu của bảy cán
bộ lão thành cách mạng và 18 nhà sưu tập.
Chương trình nghệ thuật chủ đề "Hướng về biển, đảo Tổ quốc" được Ủy ban
MTTQ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ðài Truyền hình thành phố tổ chức
tối 16-8.
Qua các tiết mục văn nghệ; giao lưu với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ
tại quần đảo Trường Sa... chương trình ca ngợi sự cống hiến, hy sinh của
các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc, góp phần
tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các tầng
lớp nhân dân, đồng thời kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân đóng góp
vào quỹ "Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc". Năm 2013, Ủy ban
MTTQ thành phố phấn đấu huy động ít nhất 25 tỷ đồng vào Quỹ "Vì Trường
Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc".
Kết thúc chương trình nghệ thuật, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng
của hàng chục đơn vị, cá nhân với số tiền đóng góp hơn 20 tỷ đồng.
Tối 16-8, tại TP Hồ Chí Minh, Thành Ðoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức chương
trình gặp gỡ, giao lưu "20 năm - Hành trình tình nguyện".
Từ chiến dịch tình nguyện hè đầu tiên, trải qua 20 năm, phong trào tình
nguyện của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác đã không ngừng phát triển về
số lượng và chất lượng. Các đại biểu tham dự chương trình đã cùng nhau
ôn lại những kỷ niệm, nghĩa tình, dấu ấn sâu đậm trong quá trình tuổi
trẻ thành phố phát huy sức trẻ, sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết xây dựng
TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại.
Ngày 16-8, tại Hà Nội, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) thuộc Tổng công
ty Truyền tải điện quốc gia - EVNNPT gắn biển thi đua chào mừng Ðại hội
Công đoàn Ðiện lực Việt Nam lần thứ IV và kỷ niệm 5 năm thành lập
EVNNPT cho công trình lắp máy biến áp (MBA) 220 kV - 250 MVA AT3 tại
Trạm biến áp (TBA) 500 kV Thường Tín. Công trình phục vụ chống quá tải
cho TBA 500 kV Thường Tín và đồng bộ tiến độ phát triển các nguồn điện
khu vực phía nam Hà Nội. Dự án do PTC1 làm chủ đầu tư và quản lý điều
hành, tổng mức đầu tư hơn 251 tỷ đồng gồm: giai đoạn 1: Lắp mới 1 MBA
220/110/22 kV 250 MVA, giai đoạn 2: mở rộng TBA 500 kV Thường Tín.
Công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tăng cường cho Hà Nội thêm
100 MW công suất, trong khi việc mở rộng các TBA 220 kV trong khu vực Hà
Nội đang gặp khó khăn. Ðồng thời đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất
của các nhà máy nhiệt điện khu vực Ðông Bắc Bộ đang ở mức cao; nâng cao
độ tin cậy, linh hoạt, an toàn cung cấp điện và nâng cao chất lượng
điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Ðây còn là lần đầu, EVNNPT đưa lưới
điện cao thế 220 kV vào sâu Hà Nội, góp phần cung ứng điện cho phụ tải
ngày một phát triển khu vực phía nam Hà Nội. Giai đoạn 2 của dự án mở
rộng TBA 500 kV Thường Tín, dự kiến sẽ được thi công và hoàn thành đóng
điện vào quý II - 2014.
Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, sáng 16-8, Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình tổ chức chương trình Liên hoan
văn nghệ, thể thao các xã xây dựng nông thôn mới. Tham dự liên hoan có
300 diễn viên, nhạc công nghiệp dư đại diện cho tám xã nông thôn mới
tiêu biểu thuộc tám huyện, thành phố. Các đội thi đã tham gia tranh tài ở
các nội dung văn nghệ, cầu lông, kéo co. Ban tổ chức đã trao giải nhất
văn nghệ cho huyện Hưng Hà và Kiến Xương; giải nhất cầu lông nam cho
huyện Quỳnh Phụ, giải nhất cầu lông nữ cho huyện Vũ Thư và giải nhất môn
kéo co cho huyện Kiến Xương.