Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 23/08/2013 08:15
“Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Ngày còn sống, Bác Hồ thường căn dặn: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
“Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Theo tôi nghĩ, chữ trồng người trong lời dặn của Bác Hồ có hàm ý rất sâu rộng. Trồng người không chỉ là vấn đề nâng cao thể lực cho con người, không chỉ là vấn đề trang bị kiến thức cho con người, mà trồng người trước hết là giáo dục nhân cách, giáo dục văn hóa, giáo dục đạo đức cho con người. Trong “Nhật ký trong tù”, Bác Hồ có bài thơ "Nửa đêm": "Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên".

Như vậy, trồng người chính là giáo dục con người, giáo dục từ khi còn tấm bé cho đến ngày chia tay với cuộc đời. Giáo dục trong nhà trường bằng các bài giảng về đạo đức, bằng tấm gương của người thực việc thực trong lịch sử, bằng những mối quan hệ hữu cơ gắn bó giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thế giới. Là sự giáo dục của xã hội bằng các văn bản pháp luật, khen thưởng những con người biết sống có đạo đức, trừng phạt những con người sống vô đạo đức, là sự giáo dục bằng dư luận xã hội về những nét đẹp truyền thống và cuối cùng là sự giáo dục trong gia đình mà ông bà cha mẹ là những tấm gương.

Phẩm chất đầu tiên mà con người được giáo dục có được là lòng biết ơn. Khi ta chào đời, cả vũ trụ bao la, cả xã hội loài người, cả bà con dòng họ ông bà cha mẹ xúm vào nâng đỡ sự sống cho ta và nâng đỡ cho ta trong suốt hành trình một đời người. Với lòng biết ơn trong ta, ta sẽ biết trân quý sự sống của mình và trân trọng sự sống của người khác, ta sẽ biết bảo vệ hạnh phúc của mình và không làm hạnh phúc của người khác bị tổn thương.

Trồng người là để có những con người như vậy, là những con người ngay thẳng, thật thà, không tham lam, không xu nịnh, biết hổ thẹn khi làm điều xấu, có lòng trắc ẩn đối với những phận đời không may, không vô cảm trước những nỗi đau của người khác. Biết cảm thông và biết chia sẻ.

Trồng người là để có những con người có ý thức đầy đủ bổn phận của mình đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, bổn phận của mình đối với quốc gia dân tộc, và sẵn sàng dâng hiến đời mình cho tổ quốc.

Xây dựng một chiến lược về trồng người còn quan trọng, bức thiết hơn mọi kế hoạch phát triển của đất nước vì nó là nền tảng, là căn bản, là đầu mối cho mọi chiến lược khác. Chăm chăm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà quên mất đầu tư cho khoa học cơ bản, xây dựng kế hoạch phát triển đất nước mà quên mất xây dựng chiến lược về trồng người thì không khác gì xây dựng những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ trên vùng đất sình lầy không nền móng.

Xây dựng chiến lược trồng người không phải là tùy hứng của một cá nhân hay một cơ quan, một tổ chức, nó là sự tập trung trí tuệ của các nhà giáo dục và các trí thức hàng đầu của đất nước, nó được triển khai thực hiện bởi nhiều cấp, nhiều ngành và đặc biệt nó phải đào tạo được một đội ngũ giáo viên có kiến thức sâu rộng, có nhiệt huyết và sự đam mê cháy bỏng, ý thức sâu sắc sứ mệnh thiêng liêng của mình, thắp sáng lên nhân cách cao đẹp trong mỗi con người Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những lời dạy của Bác Hồ vẫn mang tính thời sự nóng bỏng.
Chúng ta có câu khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại”. Nên chăng, thêm một vế nữa cho khẩu hiệu trên: "Hãy làm tất cả những gì mà Bác Hồ đã dạy, hãy xây dựng chiến lược trồng người ngay từ bây giờ để sau này không hối tiếc, để lịch sử không quở trách chúng ta".


(Theo laodong.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)