Điểm lại những cây bút gây sự chú ý của
dư luận trong hơn chục năm qua phải kể đến những tên tuổi như: Nguyễn
Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư... Nền văn học đã có sự bất
ngờ với những tác phẩm mang hơi thở mới về văn phong cũng như cách khai
thác tận cùng những mâu thuẫn, thể hiện tiếng nói về đạo đức, lương tri
con người.
Ý thức cá nhân trong mỗi tác phẩm văn
học được đề cao, trong đó là trách nhiệm xã hội và vai trò công dân của
văn nghệ sĩ ý thức về truyền thống và bản sắc dân tộc được thể hiện sâu
sắc hơn.
 |
Tác phẩm nhiều nhưng đọng lại chẳng bao nhiêu - Ảnh minh họa (Hạ Huyền)
|
Mặc dù vậy, dấu ấn nền văn học trong 15
năm qua thực sự chưa đậm nét. Nói như nhà văn Chu Lai, nền văn học Việt
Nam còn mỏng, chưa có những trái núi, “chưa làm thành một dàn đồng ca,
nhưng thỉnh thoảng vẫn có những tác phẩm ở vị trí lĩnh xướng. Nó không
vượt tầm thời đại nhưng cũng không đến nỗi thua thiệt”. Có thể đó là một
đòi hỏi khắt khe của một người có nghề nhưng thiết nghĩ cũng là mong
muốn chính đáng về một nền văn học khởi sắc hơn.
“Nền văn học nghệ thuật của chúng ta còn
mỏng, chưa có nền đủ lớn để thế hệ bây giờ đứng lên tiếp tục tung bút,
tung tài năng. Tài năng của mình không hiểu tại sao, có thể do mưu sinh
nhọc nhằn nên không có nhiều đỉnh. Có những người thành đạt, nổi tiếng
quá sớm từ năm 9 tuổi, 17 tuổi nhưng sau đó lại tà tà đi ngang hoặc đi
xuống” - nhà văn Chu Lai cho biết.
Sự xuất hiện của những cây bút trẻ trong
lĩnh vực văn xuôi, thơ như: Phan An, Hoàng Nhật, Phan Hồn Nhiên, Lê
Ngân Hằng… làm cho lĩnh vực sáng tác văn học trở nên phong phú, sinh
động hơn. Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét để lại trong lòng độc giả chưa
nhiều. “Mắt bão” của Phan Hồn Nhiên, “Người bắt chim lợn” của Hoàng
Nhật, “Những mùa hoa bay đi” của Luynh Miêu, “Lá rơi trong thành phố”
của Lê Xuân Khoa… mới chỉ là những trang văn tản mát, ít tầm nhìn và mục
tiêu lớn, chưa định hình tư duy hệ thống.
 |
Nhà văn Chu Lai (Ảnh: Tuấn Trần) |
Hình thức diễn đạt tuy mới nhưng lại có
phần xô bồ của các thể loại. Dường như họ đang tìm kiếm và gọi tên một
hướng đi mới, một trào lưu mới nhưng lại chưa đủ sức bật để “thoát xác”,
để định hình phong cách cá nhân với những tác phẩm đóng đinh trong dư
luận. Theo nhận định của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nguyên nhân vẫn là do
vốn sống, kinh nghiệm sống chưa đủ để cây bút trẻ thăng hoa.
“Chính thế hệ trẻ cũng nhận ra, thơ hậu,
văn hậu hiện đại họ đã tìm kiếm nhưng thường đi lạc với các vấn đề quan
trọng: là số phận con người, bi kịch của con người trong đời sống xã
hội hiện đại. Những điều ấy chúng tôi thấy lớp trẻ ít nói đến và sự nhìn
nhận đôi lúc cũng có lầm lẫn. Nếu không trang bị đầy đủ nền văn hóa với
sự hiểu biết sâu sắc, không được trang bị một cuộc sống đầy trải nghiệm
như lớp đàn anh thì văn học của họ dễ bị nôn nóng” - nhà thơ Nguyễn
Trọng Tạo nhận xét.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan như vừa đề
cập thì cũng có nguyên nhân khách quan là những tác động bên ngoài ảnh
hưởng tới ngòi bút nhà văn. Quá trình hội nhập kinh tế thế giới tất
kéo theo sự hội nhập văn hóa - văn nghệ. Làn sóng thông tin tác động
mạnh mẽ là cơ hội để người ta mưu sinh nhưng cũng lấy đi nhiều cảm hứng
sáng tạo. Chính vì thế, trong vô vàn dòng chảy khác nhau, người nghệ sĩ
thật khó để chọn cho mình một lối đi thực sự hài lòng.
 |
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
|
Có lẽ chưa bao giờ, những cuộc hội thảo
xung quanh việc sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử lại được
nhiều người quan tâm như lúc này. Và cũng chẳng mấy ai làm được như hai
“đào kép cũ”- nhà văn Hoàng Quốc Hải với 6 tập “Bão táp triều Trần”, nhà
văn Nguyễn Xuân Khánh với bộ ba tiểu thuyết lịch sử “Mẫu thượng ngàn”,
“Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”. Vẫn biết rằng họ là những nhân cách “tử
vì đạo”.
Những con người đã chứng minh “tiền bạc
không làm nên tài năng”, nhưng họ vẫn gặp phải một thực tế đáng buồn: sự
đề cao văn học không còn như trước.
Theo lời của nhà văn Hoàng Quốc Hải thì
bây giờ vấn đề đời sống, vấn đề chính trị xã hội chiếm chỗ trong tư duy
nhiều người, còn vấn đề về văn hóa- văn nghệ lại không được để tâm
nhiều. Cũng dễ hiểu khi các nhà in chạy theo tâm lý đám đông, chạy theo
doanh thu mà quên đi chất lượng nghệ thuật trong từng tác phẩm.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết: “Việc
in ấn bây giờ rất khó khăn với nhà văn. Họ có thể để vài ba năm xây dựng
một tác phẩm nhưng viết xong rồi thì không có chỗ nào để in. Bây giờ
các nhà in đều chạy theo đề tài xã hội, những gì ăn khách thig mới in.
Những vấn đề thuộc về tư tưởng, chính trị lại không được quan tâm. Điều
này, đáng lẽ các nhà xuất bản thuộc hệ thống chính trị nhà nước phải
được đầu tư để in ấn”.
 |
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
|
Nhiệm vụ trọng tâm của văn học trong
thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 là “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác
phẩm vǎn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm
nhuần tinh thần nhân vǎn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con
người”. Nói như vậy để thấy, đời sống văn học trong hơn chục năm qua
không phải không có nhiều tác phẩm nhưng để nói đến sự xứng tầm thì
không nhiều.
Tất nhiên, văn học nghệ thuật phải chấp
nhận một sự thật: tài năng là thời vụ. Sức khỏe của một nền văn học nghệ
thuật không bao giờ phụ thuộc vào những cuộc hội thảo, tuyên truyền,
kêu gọi mặc dù rất cần thiết. Nó nằm ở từng góc phòng, từng cá nhân vì
đó là lao động đơn nhất.
Bài viết này xin được kết thúc bằng một
so sánh rất thú vị nhưng đáng để suy ngẫm của nhà văn Chu Lai rằng: “Hệ
tuần hoàn Mendeleep thế kỉ thứ 19 có thể không ra được thì thế kỉ thứ
20, 21 thậm chí 22 có thể ra đời. Nhưng ông Lev Tolstoi ở thế kỉ thứ 19
không có thì loài người vĩnh viễn, mãi mãi không có “Chiến tranh và hòa
bình”. Chính vì thế, mọi sự hiệu triệu, kêu gọi mà tài năng không về thì
vẫn cứ không về”./.