Quy mô lớn nhưng chưa rõ tính khả thi Đó
là nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn về Dự luật. “Trụ
sở tiếp dân có từ Trung ương đến cấp huyện, có cả con dấu, quy mô thì
rất lớn nhưng điều cần làm rõ là tính khả thi ra sao. Trụ sở tiếp dân
nếu chỉ là nhận đơn rồi hẹn ngày trả lời (chứ không có thẩm quyền giải
quyết) thì liệu người dân có đến không, hay họ vẫn ra đường hô hào gây
sức ép?”.
Phó Chủ tịch cũng cho rằng, Dự luật cần
có quy định bảo vệ trụ sở tiếp dân, tránh lợi dụng tiếp dân để làm những
việc khác. Sau nhiều tranh cãi về việc trụ sở tiếp công dân có tư cách
pháp nhân hay không (có con dấu, tài khoản và bộ máy độc lập) thì tại Dự
thảo mới trình ra UBTVQH, trụ sở tiếp công dân có con dấu riêng, theo
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh thì: “Tiếp dân xong 6 - 7h
tối không có con dấu là bà con không về”.
Trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng -
An ninh Nguyễn Kim Khoa còn phân vân: “Trụ sở tiếp công dân chỉ là một
địa điểm không thể là một tổ chức, nên việc có con dấu là phải cân nhắc”
thì Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại ủng hộ: “Người dân đến nộp
đơn, mình nhận hoặc có thông báo cho người dân biết thì phải có con dấu
để ghi nhận về mặt pháp lý”.
Để tránh việc người dân phải đi lòng
vòng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị quy
định rõ trong Luật về việc trụ sở tiếp công dân các cấp, đồng thời là
nơi trả lời về kết qủa giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân. Ông
nhấn mạnh: “Trụ sở tiếp dân các cấp không phải là nơi giải quyết được
khiếu nại, kiến nghị của công dân, nhưng phải là đầu mối trả lời cho
nhân dân; phải có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan giải quyết đúng thời
hạn để người dân chỉ việc đến đó nhận câu trả lời ”.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội
Trương Thị Mai cũng đề nghị các trụ sở tiếp dân cần phải có sự kết nối,
chia sẻ, phối hợp trong xử lý đơn thư, tránh trường hợp trùng lắp do
công dân kiến nghị đồng thời đến nhiều người, nhiều cơ quan khác nhau.
“Theo Dự luật hiện nay thì vẫn mạnh ai nấy làm”, bà Mai nói.
Phải quy định nếu “tránh” người dân, xử
lý ra sao Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung
Lý trình bày cho biết, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội yêu cầu quy
định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
đơn vị; cần phân biệt giữa trách nhiệm của người đứng đầu với trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân.
Tiếp thu ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đã chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng tiếp công dân là trách
nhiệm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức; trong đó đề cao trách nhiệm
của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức và
quản lý hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đồng thời trực
tiếp thực hiện việc tiếp công dân trong những trường hợp do Luật quy
định (gắn với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của
Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo).
Dự thảo luật cũng có sự phân biệt giữa
trách nhiệm của các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc hành chính với các
cơ quan hoạt động theo nguyên tắc tập thể; quy định thống nhất thời
gian tiếp định kỳ của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương phù hợp
với thực tiễn và quy định hiện hành của Luật Khiếu nại.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội Nguyễn Hạnh Phúc thì quy định về trách nhiệm của người đứng đầu là
hết sức quan trọng: “Tiếp dân mà chỉ cử cán bộ thì chỉ tiếp cho xong
thôi. Vì thế, phải quy định nếu người đứng đầu không tiếp người dân,
“tránh” người dân mà cử người khác tiếp thì trách nhiệm ra sao, xử lý
thế nào. Cái này Luật chưa quy định rõ”.
Dự thảo Luật Tiếp công dân gồm 9 chương,
38 điều (rút 1 chương, 23 điều so với Dự luật đã trình tại Kỳ họp thứ
5) dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.