Hàng nội hồi sinh
Đi
dọc các tuyến phố Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược,… vào
những ngày này như lạc vào rừng đồ chơi. Nhưng khác những năm trước, năm
nay đồ chơi truyền thống không còn nằm lẻ loi trong những góc khuất mà
được bày bán ngay phía ngoài.
Vài
năm gần đây thông tin về đồ chơi Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại
khiến nhiều phụ huynh e dè hơn khi mua đồ chơi cho con. Đây cũng là
nguyên nhân khiến đồ chơi truyền thống được người tiêu dùng lựa chọn.
Theo những người bán hàng, lượng khách mua đầu sư tử, đèn ông sao, đèn
kéo quân tăng đột biến, thậm chí có những ngày cháy hàng vì lượng khách
mua buôn ồ ạt. Năm nay thị trường đèn lồng Việt Nam có thêm những sản
phẩm mới như: Lồng đèn xếp giấy in hình họa tiết nổi bật và hình vẽ các
con vật, nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh được nhiều người yêu thích. Ngoài
ra, các sản phẩm đèn chạy bằng pin cầm tay có phát nhạc, đèn con thú
phát nhạc, đèn kéo quân giấy bóng kính,… cũng khá bắt mắt.
Giá
cả các mặt hàng được các cửa hàng đưa ra khá “mềm”. Lồng đèn tròn xếp
giấy có in hình các con vật, nhân vật hoạt hình có giá từ 45.000 đồng
đến 60.000 đồng/chiếc; lồng đèn làm bằng giấy bóng kính từ 25.000 đồng
đến 60.000 đồng/chiếc; lồng đèn chạy bằng pin 34.000 đồng đến 70.000
đồng/chiếc. Một số loại đồ chơi truyền thống có giá đắt hơn như đầu lân
từ 55.000 đồng đến 200.000 đồng/chiếc; đèn ông sao 45.000 đồng - 110.000
đồng/chiếc; trống bỏi 50.000 đến 120.000đồng/chiếc...
Bác
Ngọc Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã cho biết: “Ngay
từ sau ngày rằm tháng bảy âm lịch, thị trường đồ chơi dành cho trẻ em
dịp tết Trung thu đã bắt đầu sôi động. Các mặt hàng chủ yếu vẫn giống
như mọi năm, giá cả không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, năm nay phụ huynh
đưa con em đến mua hàng thường hỏi rất kỹ về xuất xứ và xem kỹ thành
phần của sản phẩm. Đồ chơi truyền thống của Việt Nam như đèn ông sao năm
cánh, đèn lồng xếp giấy, trống bỏi… được nhiều người lựa chọn. Còn
những mặt hàng Trung Quốc như bờm, mũ, kính, mặt nạ,… thì chỉ có giới
trẻ mua để chụp ảnh thôi”.
Chị
Hồng Minh (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) đưa con gái năm tuổi đi mua đồ
chơi Trung thu chia sẻ: “Mình không thích con chơi đồ chơi Trung Quốc vì
sợ nhiễm độc, nguy hiểm. Với lại cũng vẫn muốn con chơi những đồ chơi
truyền thống đậm chất dân tộc như đèn ông sao, trống bỏi, lồng đèn kéo
quân nên dù con có đòi mua mấy đồ hóa trang Trung Quốc mình cũng không
cho. Dùng hàng Việt dù sao vẫn yên tâm hơn dù mẫu mã không đa dạng như
hàng Trung Quốc”.
Tín hiệu vui cho làng nghề
Nếu
như những năm trước, thị trường đồ chơi truyền thống đìu hiu, làng nghề
cũng cũng theo đó mà ảm đạm thì năm nay, với xu hướng quay trở lại dùng
hàng nội của người dân, làng nghề những ngày này như rộn ràng trở lại.
Về
làng Báo Đáp (Nam Trực, Hồng Quang, Nam Định) vào những ngày đầu tháng
Tám, không khí của mùa Trung thu đã rộn ràng từ khắp các ngõ nhỏ đến tận
trong nhà của người dân nơi đây. Từ những cụ già đến những em nhỏ đang
tất bật với công việc.
Bác
Nguyễn Thị Yến (xóm 1 Thôn Báo Đáp) cho biết: “Năm nay nhiều người đến
bỏ mối làm đèn Trung thu hơn hẳn mọi năm. Nếu những năm trước chỉ dám
sản xuất cầm chừng thì năm nay nhà tôi làm nhiều hơn hẳn mọi năm”.
Cũng
như làng nghề Báo Đáp, làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) cũng
tấp nập hơn hẳn mọi năm. Những chuyến xe chở đèn ông sao tấp nập đến chở
hàng đi các tỉnh. Hàng trăm hộ cùng tham gia sản xuất đèn ông sao, một
số thanh niên trong làng bỏ nghề đi làm những công việc khác những ngày
này cũng quay trở lại phụ giúp cho gia đình mình.
Bác
Yến cũng chia sẻ, làng Báo Đáp ngày xưa có gần 1.000 hộ tham gia làm
đèn ông sao, nhưng đến nay chỉ còn hơn 300 hộ. Có một số hộ đã bỏ không
làm đèn nữa hoặc một số gia đình bên cạnh việc lưu giữ nghề truyền thống
còn sản xuất thêm một số mặt hàng khác để tăng thu nhập như hoa lụa,
hoa giấy. Tuy nhiên, khi được hỏi những người làm nghề truyền thống lâu
đời như bác Yến thì ai cũng khẳng định: Dù lỗ hay lãi cũng nhất định vẫn
bám trụ với cái nghề của cha ông để lại bao đời nay.
Để
giữ gìn được những món đồ chơi truyền cho thế hệ sau này và lưu giữ một
nét đẹp cho nền văn hóa dân tộc Việt trước hết cần sự chung tay của
người tiêu dùng, sự tin tưởng vào chất lượng của những mặt hàng truyền
thống. Bên cạnh đó, những làng nghề cần liên tục đổi mới mẫu mã, bám sát
thị hiếu của người dân để tạo ra những sản phẩm không chỉ mang vẻ đẹp
truyền thống vốn có mà còn theo kịp xu hướng phát triển chung của đất
nước.