Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 30/09/2013 10:18
Kỷ niệm 70 năm tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những bài học còn nguyên giá trị: Các nhà soạn sách đâu có hiểu sai?
Trao đổi với nhà văn Hoàng Quảng Uyên về một ý kiến liên quan tới bài thơ "Lai Tân".
Trang bìa nguyên bản "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài viết "Một cách hiểu bài thơ "Lai Tân" đăng trên Báo Văn nghệ Công an số 206, ra ngày 19/8/2013, tác giả Hoàng Quảng Uyên có đưa ra những ý kiến mà anh xem là "phát hiện mới" của mình về cách hiểu câu thơ thứ 3 trong bài thơ "Lai Tân" của Bác Hồ (trong tập "Nhật ký trong tù") như sau: "Từ năm 2006 đến năm 2009 trong những chuyến sang Trung Quốc, tôi đã hỏi những người "có chữ" ở Quảng Tây như Giáo sư Hoàng Tranh, Giáo sư Nông Lập Phu, nhà báo Hoàng Tổ Giang, các nhà văn, nhà thơ Phùng Nghệ, Đường Trạch Hoàn, Lương Hiểu Văn... về nghĩa của câu 3 trong bài Lai Tân: "Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự", họ đều trả lời: Đó là một câu tiếng lóng phổ biến ở Trung Quốc có nghĩa là: "Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện!". ở Việt Nam, trong những lần trò chuyện với những người am hiểu tiếng Trung và văn hóa Trung Hoa (như các ông Trần Đình Hiến, Vương Hùng) họ cũng đều khẳng định: đó là một câu tiếng lóng. Như vậy là phải hiểu câu 3 là một câu tiếng lóng có nghĩa: "Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện!". Muốn hiểu và giảng như vậy trước hết trong văn bản "Nhật ký trong tù", câu 3 cần có một chú thích: "Câu này là một câu tiếng lóng phổ biến ở vùng Quảng Tây, Trung Quốc có nghĩa là "Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện". Chú thích và hiểu như vậy bài thơ "Lai Tân" trở nên "dễ hiểu", đúng lôgích hơn".

Đúng là tác giả Hoàng Quảng Uyên có điều kiện để tìm hiểu từ "những người "có chữ" ở Quảng Tây" để rồi phát hiện ra "Đó là một câu tiếng lóng phổ biến ở Trung Quốc có nghĩa là: "Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện!". Với khoa văn học, sự khảo cứu này là rất cần thiết nhưng không thể vì thế mà tác giả lại cho rằng "Chính vì không truy nguyên tận gốc mà cách giảng, cách hiểu bài thơ "Lai Tân" từ trước đến nay là chưa trúng, đặc biệt là cách giảng ở trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 (cũng như hàng chục cuốn hướng dẫn giảng dạy, sách để học giỏi môn văn... mỗi sách giảng một kiểu tuỳ cách hiểu của người soạn)". Đây chẳng phải là một sự nhận định với ngầm ý: Giới học thuật của khoa văn học nước nhà cùng với những tác giả biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn đã chưa thật sự truy nguyên tận gốc để đến nỗi giảng một cách tùy tiện câu thơ trên của Bác.

Xin thưa không cần phải đến Quảng Tây xa xôi để có thể hiểu được câu thơ ấy vì ở ta, từ lâu GS Đặng Thai Mai và nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng đề cập đến nghĩa của câu thơ này: "Huyện trưởng thì đốt đèn làm việc công (tức hút thuốc phiện - theo Đặng Thai Mai và Hoàng Trung Thông)" (trang 102, Sách "Ngữ văn 11 Nâng cao", tập hai, trang 102, NXB Giáo dục, 2007).

GS Lê Trí Viễn trong tiểu luận "Đọc lại bản dịch Nhật ký trong tù", in trên Tạp chí Tác phẩm mới số 8 - 1970 đã viết: "Bài ở Lai Tân có một câu không rõ ngay nghĩa ở nguyên văn: "Thiêu đăng huyện trưởng biện công sự" (Dịch: Khêu đèn huyện trưởng làm công việc). Hai câu thơ trên nói sự đánh bạc và hối lộ, còn ở đây thì anh huyện trưởng làm việc công (việc công chứ không phải là công việc) gì mà phải đốt đèn? Có người nói hắn moi việc để kiếm chác, nhưng như thế cũng là ăn đút. Có ý lại cho rằng: hay là hắn ta hút thuốc phiện? Không rõ".

Ở sách giáo khoa Ngữ văn 11 (NXB Giáo dục, 2007) trong phần chú thích, các tác giả cũng đã viết: "Chong đèn: nguyên văn thiêu đăng là đốt đèn (có ý kiến cho là đốt đèn bàn hút thuốc phiện)" (trang 45).

Chưa hết, ở cuốn "Chuẩn bị kiến thức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học Cao đẳng môn Ngữ văn" do Nguyễn Thanh Bình - Ngô Văn Tuần viết chung (NXB Giáo dục Việt Nam, 2012), về bài "Lai Tân", các tác giả cũng nhận định: "Ba câu đầu mang tính chất tự sự: Kể lại những sự việc, hình ảnh chân thực hiện ra trước mắt người tù: Ban trưởng thì ngày ngày đánh bạc; cảnh trưởng thì tìm cách bóc lột tù nhân, nhận hối lộ, tống tiền còn Huyện trưởng thì đêm đêm chong đèn "làm việc công" (thực chất là hút thuốc phiện".

Như vậy, bằng việc kê cứu một số sách giáo khoa, sách tham khảo, chúng tôi nhận thấy, đâu có chuyện "cách hiểu bài thơ "Lai Tân" từ trước đến nay là chưa trúng, đặc biệt là cách giảng ở trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 (cũng như hàng chục cuốn hướng dẫn giảng dạy, sách để học giỏi môn văn... mỗi sách giảng một kiểu tuỳ cách hiểu của người soạn)" như tác giả Hoàng Quảng Uyên đã viết để đến nỗi "Cần có sự trao đổi qua lại để đi tới thống nhất cách giảng đúng cho hàng triệu học sinh một bài thơ hay, sâu sắc và .. dễ hiểu như bài Lai Tân". Vả chăng, nếu có xảy ra sự hiểu sai câu thơ ở đâu đó (cuốn sách nào đó) thì cũng chỉ là trường hợp cá biệt. Và điều quan trọng là, cách hiểu câu thơ "Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự" ra là "Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện!" đâu phải đến tác giả Hoàng Quảng Uyên mới "phát hiện" ra?



(Theo vnca.cand.com.vn) 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)