Tủ sách điện ảnh lần thứ 6 - Lôi cuốn như... phim!
Được khởi xướng từ năm 1996, Tủ sách điện ảnh
ra đời từ ấp ủ của những người làm điện ảnh Việt Nam: Đạo diễn Việt
Linh, Vinh Sơn, Phan Gia Nhật Linh và nhà báo Lê Hồng Lâm… Hoạt động
điện ảnh trong một môi trường còn thiếu thốn trăm bề, nhưng những người
làm nghề thấy thiếu nhất là sách điện ảnh, từ sách mang tính lý luận
nghiệp vụ cho tới những tuyển tập mang tính tổng hợp, ghi nhận những
hoạt động thực tiễn, tư liệu sống động của đời sống điện ảnh Việt Nam
qua nhiều thời kỳ. Trước đây, sách điện ảnh được xuất bản lác đác, phần
lớn ở dạng tư liệu, thiếu hệ thống… Thành lập tủ sách điện ảnh
đầu tiên của Việt Nam, những người chủ trương mong muốn bù đắp phần nào
khoảng trống này, đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu kiến thức điện ảnh
cho công chúng lẫn giới chuyên nghiệp.
|
Những quyển sách mới trong Tủ sách điện ảnh lần thứ 6. |
Ý tưởng và tâm huyết ấy đã được Nhà xuất bản Văn hóa
Sài Gòn ủng hộ, khích lệ và trực tiếp đầu tư, nhiều đơn vị và các mạnh
thường quân chung tay hỗ trợ như Công ty Fahasa, Saigon Media, Blue
Production… Những cuốn sách đầu tiên của tủ sách ra đời: Dạo chơi vườn điện ảnh, Lời hay trong phim, Ý tưởng nghề nghiệp… đã thu hút bạn đọc về cả nội dung cũng như hình thức và phong cách thể hiện. Đến nay, Tủ sách điện ảnh
đã xuất bản 14 ấn phẩm được giới truyền thông và độc giả hoan nghênh.
Là loại sách mang tính chuyên ngành nhưng nội dung sách rất dễ hiểu,
sinh động và thiết thực cho tất cả những ai yêu thích điện ảnh do các
tác giả, dịch giả là người trong nước lẫn người Việt ở nước ngoài thực
hiện như: Làm sao viết kịch bản phim (Phạm Thùy Nhân), Đóng phim là thế nào (Lê Dân), 10 bí quyết hình ảnh (Lê Minh), Cẩm nang thư ký trường quay (Pat P. Miller), Khung hình tự sự (Peter Ettdgui)…
Đạo
diễn Việt Linh chia sẻ: “Chúng tôi thống nhất quan điểm - bất luận văn
phong, chủ đề, hình thức, thể loại, các ấn phẩm nào trong tủ sách điện
ảnh phải có giá trị nghiên cứu, tham khảo; cung cấp cho người đọc thông
tin lý thú, hữu ích. Mặt khác, đây là công trình văn hóa lâu dài, đòi
hỏi sự quyết tâm, kiên nhẫn và nỗ lực, trong đó lợi ích tinh thần phải
được đặt lên trên mục đích thương mại…”.
Chặng đường 7 năm của Tủ sách điện ảnh
cũng có nhiều thuận lợi với sự giúp đỡ, cộng tác của bao bạn bè, thân
hữu nhưng cũng lắm gian nan, gập ghềnh trong việc tìm kiếm, tổ chức bản
thảo, chọn lọc nội dung sao cho vừa mang tính chuyên môn cao, lại vừa
mang tính phổ cập, rồi mời người dịch, biên tập, xuất bản… và cuối cùng
là bán sách. Chưa kể, tủ sách gặp khó khăn trong việc thương thảo bản
quyền sách dịch, nhiều khi bản quyền sách lên tới 2.000 USD.
Năm
nay, với sự hợp tác của Trường Đại học Hoa Sen, Nhà xuất bản Hồng Đức,
ban chủ biên tiếp tục giới thiệu ba ấn phẩm dịch có giá trị về kiến thức
cũng như tính ứng dụng cao. Bài học cho đạo diễn (tác giả David
Mamet, Nhà xuất bản Penguin, người dịch: Nguyễn Lệ Chi) là tập hợp bài
giảng của đạo diễn, biên kịch David Mamet tại Học viện điện ảnh Trường
Đại học Columbia (Mỹ) với những kinh nghiệm thực tiễn qua cách kể chuyện
sinh động, có hiệu quả với những người đang cần tư duy thị giác. Nó nói
cho ta biết làm thế nào để làm được phim hay. Đường đi của Dựng phim
(tác giả Walter Murch, nhà xuất bản Silman-James Press, người dịch
Nghiêm Quỳnh Trang) là những chia sẻ, hướng dẫn đầy cảm xúc của nhà làm
phim về việc dựng phim kỹ thuật số, từ những kinh nghiệm cá nhân và cả
những dự cảm về kỹ thuật cũng như mỹ học của điện ảnh trong thời đại
công nghệ phát triển. Những bài học điện ảnh 2 (tác giả Laurent Tirard, Nhà xuất bản Nouveau Monde, người dịch Trương Quế Chi): Nếu như ở cuốn Những bài học điện ảnh 1
chia sẻ kinh nghiệm của 19 nhà làm phim nổi tiếng đương đại thì cuốn 2
mở ra một không gian đối thoại thân mật, gần gũi và đầy say mê giữa các
bậc thầy điện ảnh và bạn đọc yêu điện ảnh.
Trước khi cảm nhận được bài
học về điện ảnh, người đọc cảm nhận được niềm cảm hứng, sự say mê khi
được chia sẻ thế giới quan phong phú và những cảm nhận sắc sảo của
Claire Denis, Jim Jarmusch, Claude Lelouch, Michael Mann, Milos Forman…
(Theo sggp.org.vn)