 |
Đọc sách cùng con để gửi gắm những thông điệp ý nghĩa |
Chia sẻ về kinh nghiệm truyền niềm đam
mê đọc sách của bố mẹ cho con cái, TS Nguyễn Thuỵ Anh cho biết: Ngay từ
khi con 3 tháng tuổi bà đã đọc sách cho con nghe. Chất giọng trầm bổng
của mẹ và câu chuyện trong cuốn sách khiến con bà bị thu hút. Khi dừng
lại, cháu bé đã đập chân tay đòi mẹ đọc tiếp. Vì vậy theo bà, trong sự
phát triển của một đứa trẻ, sách xuất hiện càng sớm càng tốt.
TS Nguyễn Thuỵ Anh cũng “bật mí” với các
phụ huynh một điều thú vị: trên thị trường có bán nhiều loại sách làm
từ vải hay một số chất liệu giấy mà không mang hại cho trẻ sơ sinh.
Chính vì vậy, khi cho con tiếp xúc với sách mà thấy con xé sách hay gặm
sách thì bố mẹ cũng không nên lo lắng. Bởi biết đâu, đây cũng là cách
tiếp cận với sách của con từ nhỏ, sau này khi lớn lên, trẻ sẽ có những
nhận thức khác.
Các nhà tâm lý cũng cho rằng, việc đọc
sách nên bắt đầu từ lúc 0 tuổi. Bởi tiềm năng của trẻ là vô hạn. Tiềm
năng vô hạn của đứa trẻ từ khi biết nhận thức đến khi sáng tỏ đều cần
bạn chăm chút, uốn nắn, kiên trì bền bỉ và việc đọc sách hàng ngày cũng
cung cấp cho bạn biết bao nhiêu tri thức.
Rõ ràng, qua việc đọc sách cùng con cũng
cho thấy nhiều tích cực khác. Bố mẹ cũng có cơ hội thêm hiểu con thích
gì, đang quan tâm đến điều gì, có những khả năng đặc biệt nào, có gì cần
hỗ trợ. Ngược lại, bố mẹ có thể thông qua việc cùng con đọc sách để gửi
gắm những bài học nhỏ, những hướng dẫn về kỹ năng sống, hướng dẫn cách
học và điều chỉnh cảm xúc của con, đồng thời có cơ hội cho con biết
nhiều thông tin về cảm xúc của bản thân mình, những lo lắng mong muốn tự
hào, vui sướng, buồn khổ... mà không phải lúc nào cũng dễ dàng truyền
đạt lại cho trẻ.
Việc bố mẹ giúp con đọc sách cũng không
bao giờ là muộn. Bố mẹ hãy thường xuyên mua sách cho con, lập tủ sách
riêng không chỉ cho bố mẹ mà còn cho cả con và sau đó giao cho bé quản
lý. Tuỳ theo độ tuổi, con trẻ sẽ được làm những việc như ghi chép lại tủ
sách như một thủ thư với số lượng sách nhiều hay ít, phủi bụi, bọc bìa
cho sách... Những công việc này sẽ giúp trẻ cảm thấy tự hào khi được sở
hữu sách và cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với tủ sách và rèn
luyện tính cẩn thận.
Điều quan trọng và đặc biệt nhất khi
cùng con đọc sách đó là cha mẹ được sát cánh, đồng hành cùng con qua
những trang sách ấu thơ và xây dựng được mối đồng cảm giữa hai thế hệ,
hướng dẫn con cách sống, cách đối mặt với mọi tình huống trong cuộc
sống, tìm ra được cách tiếp cận con tốt nhất và tinh tế nhất.
Kỹ năng cơ bản hướng dẫn con đọc sách
 |
Tiếp xúc với sách sớm sẽ có lợi cho trẻ |
Thực tế cho thấy, nhiều bậc phụ huynh
khá quan tâm đến vấn đề đọc sách cho con. Hàng loạt câu hỏi xung quanh
vấn đề đọc sách của con đã được đặt ra như: Làm sao để lựa chọn được
đúng sách cho con trong bối cảnh có quá nhiều sách của các nhà xuất bản
khác nhau. Sách nào phù hợp với từng độ tuổi? Chọn sách ra sao để không
tốn tiền cho bố mẹ, không mất thời gian của con? Làm thế nào để trẻ
thích sách? Kỹ năng hướng dẫn con đọc sách ra sao?... Cũng chính bởi
thiếu những kỹ năng cơ bản trong việc làm tưởng như đơn giản ấy mà không
ít phụ huynh, hiểu vấn đề một cách khá đơn giản chỉ là đưa tiền để con
tự mua sách theo nhu cầu, hoặc mua thật nhiều sách cho con rồi “thả nổi”
cho con tự đọc và giữ sách đến đâu thì không kiểm soát.
Tâm sự về cách truyền tình yêu sách của
người cha đối với mình, TS Nguyễn Thuỵ Anh đã kể lại câu chuyện đầy ý
nghĩa: Ngày còn nhỏ, bố chị thường xuyên mua sách tặng con gái. Trên mỗi
quyển sách bố thường ghi lại những cảm xúc khác nhau kèm theo thời
gian, thời điểm cụ thể. Năm 1979, trước cuộc chiến tranh biên giới phía
Bắc, bố chị cũng ghi vào cuốn sách đề tặng chị: “Bố đang rất lo lắng”.
Khi đó, cô bé Thuỵ Anh còn rất nhỏ, không thể hiểu được những lời bố
nói. Sau này khi lớn lên, đọc và hiểu, Thuỵ Anh cảm thấy thực sự xúc
động trước sự tin yêu của người bố giành cho người con gái nhỏ khi xưa.
Trong xã hội phát triển, nhiều gia đình
cha mẹ bận bịu thì vấn đề thời gian để cùng con đọc sách cũng là điều
khó khăn. Tuy nhiên, các cha mẹ không nên quá lo lắng bởi chúng ta không
nhất thiết phải đọc cùng con cả quyển sách dày hàng chục đến hàng trăm
trang. Chỉ cần 15 đến 20 phút vào những ngày nghỉ cuối tuần để dành hoàn
toàn vào việc đọc sách cho con. Vào những lúc đó, bố mẹ có thể đọc một
đoạn văn để cùng giao tiếp với con những chi tiết trong đó như: hình
ảnh, màu sắc, âm thanh để biết được khả năng nhận thức của con. Đằng sau
mỗi câu chuyện có thể khơi gợi trí tưởng tượng, phát triển tri thức,
cách suy nghĩ, kỹ năng sống... cho con bằng những câu hỏi thêm, những ý
nghĩa được nhấn mạnh sâu hơn.
Trong thời đại công nghệ, việc trẻ em
dùng Internet để đọc sách trên mạng thay vì đọc sách báo giấy cũng là
điều nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì chưa có hướng tiếp cận và hướng dẫn
con đọc sách thế nào? TS. Thuỵ Anh cho rằng không nên cấm con chơi game,
thậm có thể khuyến khích sử dụng Internet. Nhưng cha mẹ cần có sự trao
đổi cùng con để liên tục hỗ trợ con trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Trong khi hướng dẫn con đọc sách, bố mẹ
cần lưu ý về không gian, ánh sáng, thời gian để đạt hiệu quả tốt nhất.
Với trẻ càng nhỏ tuổi, thì việc đọc sách tương tác cùng con càng vô cùng
cần thiết và hiệu quả. Với trẻ thích hát hò, nhảy múa, thích hành động
hơn việc ngồi một chỗ đọc sách thì cha mẹ lại càng phải “sáng tạo” trong
cách kéo con đọc sách. Cha mẹ có thể tự phổ nhạc vào bài học của con,
hoặc cùng con diễn, bắt chước phong cách theo những nhân vật trong
truyện...
Thông qua quá trình đọc sách, nghe kể
chuyện... trẻ đã thu được rất nhiều từ vựng so với vốn từ mà đứa trẻ vốn
nắm được, thậm chí cả việc sử dụng biện pháp tu từ. Do đó, đứa trẻ biết
cách mô phỏng ngữ khí, cách nói, cách dùng từ của nhân vật trong sách
để giao tiếp với mọi người xung quanh, làm phong phú, vui vẻ, và trọn
vẹn cho các mối quan hệ giao tiếp giữa các cá nhân. Từ việc xem sách trẻ
có những nhận thức về những chữ cái, sự khác biệt giữa các vật, sự hiểu
biết về những khái niệm trừu tượng và cụ thể. Ngoài việc có thể giúp
trẻ thấy được lợi ích của việc đọc sách, việc làm này còn tăng thêm lòng
tự tin, lạc quan cho trẻ, cho trẻ quen với việc giao tiếp với mọi
người... Chính vì vậy, cha mẹ hãy giúp con yêu sách, cùng con đọc sách.
Sách thực sự là phương tiện giao tiếp tinh tế giữa cha mẹ và con cái.
(Theo giaoducthoidai.vn)