Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 24/10/2013 08:33
Kỳ họp thứ sáu - Quốc hội khóa XIII: Đề cao các quyền cơ bản của công dân
Sáng qua (23-10-2013), Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.


Các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Lê Đông Phong thảo luận tại tổ

Mở rộng quyền dân chủ trực tiếp

Trong lần sửa đổi Hiến pháp này, chúng ta chủ trương từng bước mở rộng quyền dân chủ trực tiếp, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện của công dân. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh), điều này chưa thể hiện rõ trong dự thảo Hiến pháp. Ông Chiến đề nghị quyền dân chủ đại diện của người dân, ngoài việc thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND), những cơ quan làm việc có tính chất theo kỳ họp, còn cần phải thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Mặt trận, công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác. “Có như vậy, quyền dân chủ đại diện của người dân sẽ được đầy đủ hơn” - ông Chiến nêu ý kiến.

Bàn về quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền được bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự (khoản 7, điều 103), các đại biểu Đỗ Văn Đương, Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) kiến nghị nên gộp vào điều 31 của chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lý do, theo đại biểu Nghĩa, là quyền bào chữa được thực hiện cho cả nghi can chứ không chỉ cho bị can, bị cáo.

Theo nhiều đại biểu, các quyền con người, quyền công dân “được quy định trong Hiến pháp và luật (điều 14) là chưa đầy đủ, bởi lẽ có nhiều quyền tuy không được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng vẫn được tôn trọng, bảo đảm. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã điều chỉnh là: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Dự thảo đã chỉnh sửa rõ theo hướng “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Quy định chặt những trường hợp thu hồi đất

Các ý kiến thảo luận đều cho rằng Hiến pháp cần quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi đất. Tán thành hiến định thu hồi đất tại khoản 3, điều 54 rằng “Nhà nước sẽ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị, bên cạnh việc công khai, minh bạch trong thu hồi đất cần bổ sung cụm từ “công bằng” bởi thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, tình trạng thiếu công bằng trong thu hồi đất là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện. Đây cũng là băn khoăn của các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Võ Thị Dung (TPHCM). Theo hai đại biểu này, cần nêu rõ việc bồi thường phải theo giá thị trường. Lý do là nếu điều này không được đảm bảo, người dân vẫn luôn phân vân quyền lợi của mình không được đảm bảo. “Hai mảnh đất gần nhau nhưng được thu hồi cho hai dự án khác nhau sẽ khiến giá đền bù không giống nhau và đương nhiên người được hưởng mức đền bù thấp hơn sẽ thấy quyền lợi của mình bị xâm hại” - bà Tâm lý giải, “người dân sẽ không quan tâm dự án làm gì mà chỉ quan tâm giá đền bù ra sao thôi”.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) lo ngại hiến định liên quan đến thu hồi đất không có tính ổn định vì hiện nay việc định giá đất còn nhiều quan điểm khác nhau. Thậm chí, khái niệm “giá thị trường” cũng rất mơ hồ. Trong khi đó, phương thức đền bù cũng khác nhau và giá đền bù của Nhà nước bao giờ cũng thấp hơn giá đền bù của các nhà đầu tư. Ông Sang kiến nghị cần thêm thời gian nữa để tổng kết vấn đề thu hồi đất của Luật đất đai rồi mới đưa nội dung này vào Hiến pháp.

Cần định hình rõ hơn về chính quyền địa phương

Để đưa ra một cái nhìn đầy đủ về “chính quyền địa phương”, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học cũng như lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về mô hình này. Thế nhưng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, vẫn còn sự lúng túng trong việc định hình về chính quyền địa phương. “Đọc Hiến pháp mà không hình dung được chính quyền địa phương là gì” - bà Tâm nói.

Cũng liên quan đến nội dung này, nhiều đại biểu đề nghị cần nêu rõ trong Hiến pháp, cấp nào thì tổ chức HĐND, cấp nào không. Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) khẳng định, Hiến pháp càng quy định rõ ràng, cụ thể mô hình chính quyền địa phương thì càng tạo điều kiện cho bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa tìm ra mô hình nào có tính thuyết phục cao. Ông Hùng nói: “Mặc dù biết việc đổi mới mô hình này là cần thiết. Vẫn chưa có báo cáo tổng kết về thí điểm mô hình không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường. Nhưng nếu cứ giữ nguyên mô hình hiện nay thì cũng không nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao. Không nên lùi lại để bản Hiến pháp sau mà nên để cho luật điều chỉnh để có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết mô hình phù hợp”. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng, đối với các chính quyền có tính đặc thù thì cần có cơ chế linh hoạt cho phù hợp thực tế. Chính quyền hải đảo thì cần phải khác chính quyền ở trong đất liền và phải có quy định riêng về chính quyền và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) lại cho rằng, sử dụng chính quyền địa phương là bắt đầu có tư tưởng phân quyền. Tính độc lập, tự chủ của địa phương không bao giờ gắn với sự phân quyền, nó dễ tạo cho người ta nghĩ rằng địa phương muốn làm gì thì làm. Đồng tình với việc khơi dậy cái độc lập, vươn lên của địa phương nhưng theo ông Quyền, quyền lực nhà nước là thống nhất. Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) thì cho rằng, trong một xã hội dân chủ, mọi quyền là của nhân dân. Hiến pháp cho Nhà nước quyền gì thì được quyền đó, còn lại là quyền của địa phương. Tăng quyền tự chủ của địa phương là tăng quyền của dân chứ không phải của Nhà nước. “Nếu chúng ta vẫn hiểu quyền của Nhà nước là lớn thì sẽ không nâng quyền tự chủ được” - ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Liên quan đến khoản 2, điều 45 “công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự...”, đại biểu Lê Đông Phong (TPHCM) kiến nghị cần bổ sung thêm “nghĩa vụ công an”. Tại điều 68, ông Phong cũng đề nghị bổ sung cụm từ “hậu phương công an” vào sau “hậu phương quân đội”. Ông Phong cho biết, trên thực tế chúng ta có thực hiện chính sách hậu phương công an nhưng chưa hiện hữu cụm từ này trong các quy định của pháp luật. Công an có 14.000 liệt sĩ, trong đó nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản chính thức nào nói về chính sách hậu phương công an, trong khi công an cũng là lực lượng vũ trang. 


(Theo congan.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)