 |
Người VN không có thói quen biểu lộ tình
cảm, nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họ không ngần ngại thể hiện
bằng tất cả những gì sâu nặng nhất |
Chưa kể, bạn bè quốc tế cũng dành sự đánh giá cao với người Anh Cả của
quân đội nhân dân VN. Chứng kiến tình cảm đặc biệt của nhân dân VN với
Đại tướng trong những ngày qua, ông Huy nghĩ rằng thực sự tất cả chúng
ta, từ nhà lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân đều nên suy nghĩ lại. Với
quan điểm của ông, đây là cơ hội hiếm có để mọi người có những suy nghĩ
mới và hành động mới.
Suy nghĩ mới và hành động mới mà ông muốn nói tới ở đây cụ thể là gì, thưa ông?
Tại sao tôi lại đặt ra vấn đề này là bởi nếu chúng ta cứ đi theo nếp cũ,
chúng ta không thể hiểu được và đáp ứng được tình cảm của triệu triệu
người dân VN, của những người già, người trẻ, của những người đã từng là
người lính, đồng đội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay cả thế hệ chưa
bao giờ gặp Ông.
Nhưng hình ảnh, công lao và sự vĩ đại của Đại tướng đã đi vào trong trái
tim mỗi người. Điều đó trước khi Đại tướng ra đi, trước những ngày tang
lễ vừa qua tôi dám chắc chúng ta không nhận thức hết được sự vĩ đại đó,
sự vĩ đại ăn sâu trong trái tim, tấm lòng mỗi người dân Việt. Thế nên
đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta nhìn lại, để chúng ta nghĩ lại để mà
đổi mới, thực sự thay đổi tư duy trong nhiều lĩnh vực, cả về lĩnh vực
quản lý xã hội, hay lĩnh vực về con người.
 |
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học |
Tôi lấy ví dụ tại sao lại về quản lý xã hội. Chúng ta cũng thấy, suốt
bao năm qua, từng ngày, từng giờ người Hà Nội rồi người các tỉnh tham
gia giao thông một cách vô tổ chức, không có luật lệ dẫn đến hậu quả là
tai nạn giao thông luôn ở mức cao. Thế nhưng trong những ngày tang lễ
vừa qua, không ai bảo ai mọi người đều lẳng lặng xếp hàng một cách trật
tự, kiên nhẫn. Điều đó đòi hỏi chúng ta buộc phải suy nghĩ lại cách quản
lý xã hội hiện nay.
Chúng ta cũng thấy, người thì đi từ núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc, người từ
Nam Bộ ra Hà Nội dự tang lễ của Đại tướng, câu chuyện đó cũng làm chúng
ta phải suy nghĩ lại về người VN, về tất cả những hành động, việc làm
của chúng ta từ trước tới giờ.
Với công lao của Đại tướng như vậy, theo ông có nên xây dựng Bảo tàng Võ
Nguyên Giáp như một số ý kiến của người dân gần đây hay không?
Tôi nghĩ rất rất nên làm Bảo tàng Võ Nguyên Giáp dù trước đây, Bộ Chính
trị, Ban bí thư có văn bản chủ trương hạn chế sự phát triển ồ ạt của Bảo
tàng, nhà truyền thống của danh nhân. Đúng là làm tràn lan và chất
lượng kém thà không làm còn hơn, vì làm xong không ai xem, rất lãng
phí.
Nhưng ở đây, như tôi cũng đã nói (tiền đề là phải suy nghĩ lại) trong
bối cảnh như thế, đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, việc có làm Bảo tàng
hay không có lẽ không cần phải bàn nhiều, băn khoăn nhiều. Tôi khẳng
định là nên làm, nên có quyết định nhanh chóng về thành lập Bảo tàng Võ
Nguyên Giáp.
Bởi cuộc đời của ông, sự tiêu biểu của ông, bởi tấm lòng của cả dân tộc
đối với ông mà chúng ta không làm không được. Bảo tàng không chỉ đơn
thuần để vinh danh dù ông rất xứng đáng, mà bảo tàng đó còn nói về cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc của người VN, của dân tộc trong suốt gần 1
thế kỷ qua. Đó là cái rất cần.
Trả lời PV báo Điện tử Infonet về ý kiến đề xuất lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Thế Hùng,
Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) cho biết, hiện tại phía Cục vẫn
chưa có ý kiến gì về vấn đề này. Khi nào có quyết định, Cục sẽ thông
báo cho cơ quan báo chí.
Liệu việc này có mâu thuẫn không khi trước đó ông vừa nói
đến việc các Bảo tàng danh nhân tràn lan và không hiệu quả vì vắng người
xem?
Thứ nhất, về chủ trương, về câu chuyện có đáng làm Bảo tàng Võ Nguyên
Giáp không thì tôi khẳng định là rất đáng làm. Thứ hai, nếu không làm
bảo tàng Võ Nguyên Giáp là một thiệt thòi cho đất nước, thiệt thòi cho
dân tộc, thiệt thòi cho văn hóa và cho di sản.
Chúng ta đi rất nhiều nước sẽ thấy ở các nước, các bảo tàng danh nhân,
bảo tàng anh hùng, thậm chí bảo tàng của những con người bình thường làm
nên những sự kiện ghi dấu ấn có rất nhiều, những bảo tàng đấy được đông
đảo công chúng đến thăm. Đến các nước ấy, người ta tự hào có Bảo tàng
của những danh nhân, những câu chuyện xã hội được kể qua những bảo tàng
như vậy. Và ngược lại, những nước ấy cũng thu lợi không nhỏ từ các dịch
vụ du lịch khi du khách đến thăm Bảo tàng.
Chúng ta cứ tưởng đất nước ta nhiều di sản, di tích nhưng sự thực là
chúng ta rất ít các công trình di tích cổ kính, ít “Bảo tàng ra Bảo
tàng”. Trong khi đó nếu đến Amstecdam có khoảng 300 bảo tàng lớn nhỏ
trong thành phố, cái nào cũng hoạt động tốt.
Còn đất nước ta bị chiến tranh tàn phá nhiều nên du khách đến Hà Nội
loanh quanh không biết xem gì, đi thăm ở những đâu. Có thể bảo tàng
nhiều nhưng thực sự không có chất lượng. Chúng ta phải góp phần làm thay
đổi điều đó.
Theo ông, nên lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp ở đâu thì phù hợp và xứng tầm với Đại tướng?
Việc thành lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp có thể do Nhà nước, gia đình hay
một tổ chức xã hội nào đó đứng ra nhưng điều tôi lo ngại là lập Bảo tàng
ở đâu? Khu đất nào, tòa nhà nào có thể làm được? Theo tôi, hợp hơn cả,
nên làm ở 30 Hoàng Diệu, nơi mà Đại tướng đã sống ở đó ngót nghét 60
năm, từ 1954 giải phóng Thủ đô đến khi Đại tướng qua đời, tức là hơn nửa
đời người Bác đã sống ở đó, nửa đời người đã cống hiến cho cách mạng.
Chính ngôi nhà này, phần thứ hai của cuộc đời Đại tướng, đó là cuộc đời
dành cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng miền Nam.
 |
30 Hoàng Diệu là địa chỉ "đắc nhân tâm" để xây Bảo tàng Võ Nguyên Giáp |
30 Hoàng Diệu cũng nằm trong một quần thể, một trung tâm chính trị, văn
hóa, có cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, có cơ quan văn hóa, di tích
văn hóa, có Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN, xa xa
có Bảo tàng mỹ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác Hồ, có Đài Liệt sĩ
vô danh và bây giờ có thêm Bảo tàng Võ Nguyên Giáp thì thật hợp lý.
Tôi sợ nhất là người ta không chấp nhận nơi đó làm bảo tàng hay một địa
chỉ di tích, mà làm ở bất cứ nơi nào khác trong Hà Nội đều là "hạ sách".
Thượng sách vẫn là làm ở 30 Hoàng Diệu vì đó là vị trí đẹp, không chỉ
về không gian chính trị văn hóa tuyệt vời, mà còn đẹp vì là địa chỉ “đắc
nhân tâm”.
Bởi chúng ta thấy những ngày qua, người ta đến đấy như hành hương, thắp
nén hương tưởng niệm Đại tướng, đó là tâm của dân với Đảng, với Bác Hồ,
với đất nước, tổ quốc của chúng ta. Và câu chuyện về Đại tướng không chỉ
dừng lại ở con người và cuộc sống đời thường của ông mà ông còn giống
như một biểu tượng đáng tự hào của đất nước.
Theo ông, cần đầu tư những gì cho Bảo tàng Võ Nguyên Giáp?
Theo tôi cần phải đầu tư một cách thích đáng, nhưng cũng không có nghĩa
là phải mất quá nhiều tiền của. Không phải cứ to, hoành tráng, phải
“nghìn tỉ” mới xứng tầm. Quan trọng nhất là ngôi nhà đã có sẵn, không
nên xây thêm, cơi nới thêm mà hãy sử dụng toàn bộ ngôi nhà như một di
tích để làm hệ thống trưng bày.
Cần đầu tư tiền và đầu tư chất xám để đảm bảo đủ điều kiện làm một bảo
tàng có chất lượng cao, ngang tầm thế giới. Chắc phải mời các chuyên gia
bảo tàng học của nước ngoài, những nhà thiết kế nội thất bảo tàng có
nhiều kinh nghiệm, uy tín giúp chúng ta xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp
có chất lượng cao nhất, để khi đến đấy bất cứ ai cũng hiểu được tài
năng, con người và đóng góp của đại tướng đối với lịch sử, với dân tộc
VN.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Thực sự mà nói trước khi Đại tướng ra đi,
trước khi chứng kiến những biểu lộ tình cảm của toàn dân với Đại tướng,
khi mọi người xếp hàng đến viếng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu hay Nhà tang
lễ, tôi không nghĩ ráo riết ở đó phải là một Bảo tàng.
Tôi vẫn theo định kiến cũ, có thể Nhà nước sẽ có chủ trương sử dụng ngôi
nhà 30 Hoàng Diệu vào một mục đích khác. Nhưng khi chứng kiến biển
người đau xót trước sự ra đi của Đại tướng trong những ngày qua, tôi mới
sực tỉnh. Sự ra đi của Đại tướng buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về
nhiều chuyện, buộc phải nghĩ khác.
Đại tướng mất đi đồng thời chúng ta cũng nhìn rõ hơn giá trị của Đại
tướng, giá trị đó được hòa vào trong triệu triệu trái tim buộc chúng ta
phải thay đổi tư duy, thay đổi hành động.
Nếu không làm Bảo tàng, nếu để tuột cơ hội này, nghĩa là chúng ta lại để
tuột một hành động quan trọng với đất nước, để tuột một cơ hội làm giàu
đất nước về tinh thần cũng như tôn vinh các giá trị của đất nước. Nếu
sau 10, 15, 20 năm nữa chúng ta mới bừng tỉnh là phải lập một Bảo tàng
Võ Nguyên Giáp thì lúc đó cũng hết cơ hội rồi - (PGS.TS Nguyễn Văn Huy)