Cô
học trò lớp 9/1, trường THCS Hoàng Lê Kha (Q.6) đã được trao giải cao
nhất trong cuộc thi "Văn hay chữ tốt" TP.HCM lần thứ 14. Vòng chung kết
cuộc thi diễn ra ngày 13/10, trùng với ngày Quốc tang. Đề thi cho những
hình ảnh đen trắng về Đại tướng và yêu cầu học sinh rút ra bài học cho
thế hệ trẻ từ ông.
|
|
 |
|
|
Châu Huệ Mai, đang là học sinh lớp 9/1, trường THCS Hoàng Lê Kha. |
Bài viết của Mai qua nét chữ đều đẹp trên trang giấy nói lên
những chiến công, tấm lòng vì dân vì nước, sự khiêm tốn của một vị tướng
và liên hệ với những điều giới trẻ học được ở Đại tướng. Cô bé cũng cho
thấy sự am hiểu về Người qua những dẫn chứng về các chiến công, lời nói
đã in dấu lịch sử. Bên cạnh đó là những trăn trở với giới trẻ về lý
tưởng sống, sự vô cảm hay các triết lý sống già dặn trong bài văn.
“Em
cảm thấy bất ngờ và vui khi bài viết của mình được giải thưởng cao, đây
là thành tích cao nhất mà em từng có. Sau khi đọc đề, em ngồi suy nghĩ
dàn ý khoảng 10 phút rồi viết liền một mạch đến 6 trang, không sai chính
tả. Thường những bài văn khác em làm bằng kiến thức thì bài này em dựa
chủ yếu vào cảm xúc thật của mình”, Huệ Mai chia sẻ về bài viết xúc động
của mình.
|
 |
|
Bài văn của Huệ Mai với nét chữ rất đẹp. |
Cô bé biết về Đại tướng lần đầu tiên khi xem một bộ phim tài
liệu từ lúc còn bé xíu, sau đó là qua học tập, sách báo. “Em nhớ có một
lần vô thư viện em mượn hẳn một cuốn sách viết riêng về Đại tướng luôn”,
Huệ Mai cho biết. Những ngày cả nước đau buồn tiễn biệt vị tướng của
dân tộc, Mai thường xuyên cập nhật tin tức về tang lễ Đại tướng. Điều
Mai cảm động nhất là dòng người xếp hàng dài để chờ được viếng.
“Rồi
em được ba nói rõ hơn về phẩm chất đạo đức, nhất là những trận đánh
vang dội mà Đại tướng chỉ huy, nhờ đó giúp em có thêm nhiều dẫn chứng
trong bài”, Huệ Mai cho biết thêm.
Thói quen của Mai là đọc báo
nên cứ mỗi ngày, sau giờ học Mai lại dành hơn 1 tiếng để đọc báo. Nhờ
việc thường xuyên đọc báo nên cô bé liên hệ ngay đến hiện tượng giới trẻ
vô cảm, dễ buông xuôi, sống lập trình như rô bốt…
Nhận xét về
bài văn của học trò mình, cô Vũ Ngọc Hằng, phó hiệu trường nhà trường
bày tỏ: “Có thể khi đọc bài văn sẽ có người nói Mai già dặn quá nhưng
bài làm của Mai rất giàu cảm xúc thật và phải am hiểu nhiều về Đại tướng
mới viết ra được như vậy. Thành tích mai đạt được hoàn toàn xứng đáng
khi em đã cố gắng hết sức mình”.
Mơ ước trở thành nhà báo
Trong
các môn học, Huệ Mai học giỏi nhất các môn Văn, Anh văn, Lịch sử và Hóa
học. Nhưng môn Văn là môn cô lớp trưởng lớp 9/1 thích nhất. Điểm trung
bình Văn đều trên 9, theo Mai nhớ thì lần gần nhất Văn bị điểm thấp là
hồi lớp 8 khi chỉ được có 8,5 điểm trong bài kiểm tra 15 phút.
Chia
sẻ về bí quyết học Văn, theo Mai để học tốt thì cần nhất là việc thường
xuyên đọc sách báo để mở rộng kiến thức. “Ngoài ra em hay đọc các bài
văn hay, đọc lại bài viết của chính mình để rút kinh nghiệm. Em cũng hay
ghi cảm xúc của mình vào sổ tay”, cô bé chia sẻ. Những quyển sách cô bé
thích nhất là của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và sách “Hạt giống tâm hồn”.
|
 |
|
Trong lớp, Mai là một lớp trưởng cá tính và rất hòa đồng với bạn bè. |
Cô Vũ Ngọc Hằng cho biết thêm: “Từng chủ nhiệm lớp của Mai
một năm, tôi thấy không chỉ giỏi văn học đều các môn mà Mai rất được
lòng bạn bè, là một lớp trưởng cá tính luôn kéo lớp di lên. Ưu điểm của
em là hòa đồng, hay chia sẻ với bạn bè. Ở nhà má nấu cho món gì ngon đều
mang lên lớp chia cho các bạn”.
Nét chữ đẹp, đều tăm tắp cũng là
một ưu điểm khi từ nhỏ, Mai thường được mẹ luyện chữ đẹp từ hồi tiểu
học. Nói về ước mơ nghề nghiệp sau này của mình, cô bé chia sẻ: “Em ước
mơ sau này được làm một nhà báo, Em thích đọc báo, thích viết và muốn có
kiến thức rộng, được đi nhiều nên hy vọng sau này sẽ thành một nhà báo
giỏi”.
Nội dung bài văn:
“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”.
Những câu hát đó như nhắc nhở chúng ta phải hoàn thành nghĩa vụ công
dân đối với đất nước mình. Vì thế khi chiến tranh nổ ra đã có biết bao
con người xông pha đi giành độc lập lại cho Tổ quốc. Đại tướng Võ Nguyên
Giáp chính là đại biểu cho những con người đáng kính đó.Với tài năng
quân sự kiệt xuất và những đóng góp vĩ đại cho quân sự Việt Nam, Đại
tướng được báo chí thế giới ca ngợi là “vị tướng huyền thoại”, sánh cùng
các vĩ nhân trong suốt 2.000 năm qua. Ông là nhân vật vĩ đại của mọi
thời đại. Nhưng Bác Giáp thì cho rằng “Vị tướng dù có công lớn lao đến
đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là
người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi
tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.
Thời chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng nổi tiếng với
trận đánh Đông Khê, chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh
giải phóng Sài Gòn (4/1975). Và những chiến dịch đó mang lại thắng lợi
cho dân tộc ta. Những trận đanh do Bác chỉ huy luôn luôn là những trận
đánh mang tính táo bạo nhưng rất tỉ mỉ khiến các nước Pháp, Mỹ phải e dè
khiếp sợ. Bởi Bác luôn cẩn thận thảo luận với các đồng chí, quan sát
thật kĩ trận địa trước khi phát lệnh nổ súng. Tất cả những điều đó đã
làm nên một ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của nhân dân
Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, chỉ huy tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ. Và từ thời khắc đó, những cái tên Việt Nam, Hồ Chí Minh,
Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp được cả thế giới nhắc đến như biểu tượng
của chiến thắng và lòng dũng cảm.
Thời bình Bác Giáp là người cố vấn để cải cách các lĩnh vực, giáo
dục, quốc phòng… Tất cả các đóng góp, cống hiến của Bác đều đáng để
chúng ta ngưỡng mộ. Nhưng ngoài ra ở Bác, vị Đại tướng kính yêu còn là
những bài học quý giá cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Điều đầu tiên theo tôi ở Bác mà chúng ta cần học tập chính là lòng
nồng nàn yêu nước. Chỉ có lòng yêu nước, Bác mời không đứng nhìn đất
nước trong kiếp nô lệ và quyết định nổi dậy đấu tranh giành lại sự tự do
cho đất nước. Thế hệ trẻ chúng ta thì may mắn được sinh ra trong thời
bình. Nhưng không vì thế mà chúng ta thôi yêu Tổ quốc. Ta vẫn có thể thể
hiện lòng yêu nước qua việc chúng ta cố gắng học tập thật tốt để có thể
dung những kiến thức ta đã học xây dựng phát triển đất nước.
Không có việc gì khó
Chí sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là biểu tượng, ý chí của những con người
có quyết tâm cao. Những cuộc chiến tranh vì chính nghĩa, vì độc lập
luôn đầy khó khăn. Thiếu lương thực, vũ khí quá thô sơ, cuộc sống kham
khổ. Thế nhưng Bác và những người lính của mình vẫn vượt qua. Còn chúng
ta thì sao? Gặp chút thử thách của cuộc đời đã buông xuôi, đầu hàng số
phận. Một số bạn trẻ hiện nay thường đổ lỗi cho đổ vỡ của gia đình, thất
bại trong học tập dễ ngụy biện khi sa đà vào hút chích, nghiện ngập.
Các bạn có sống trong đói khổ chưa? Có sống trong những nơi rừng sâu
chưa? Tất cả đều chưa. Nhưng chỉ là những khó khăn nhỏ đã oán trách cuộc
đời. Nên nhớ lúc cuộc sống vây quanh ta nhiều thử thách nhất chính là
lúc cuộc sống ưu ái ta nhất. Nó muốn ta hiểu được ta sẽ học được rất
nhiều từ những thử thách đó.
Lý tưởng sống cao đẹp và lòng can đảm là hai điều mà thanh niên chúng
ta phải học tập Bác Giáp. Bác luôn lấy hình ảnh tự do của đất nước làm
mục tiêu làm động lực. Chính những lý tưởng đó đã giúp đất nước ta đại
thắng và giành lại độc lập vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài
Gòn (4/1975). Song song đó, Bác cũng trang bị lòng can đảm cho mình. Vì
không có lòng can đảm thì thực sự đến ngày hôm nay đất nước ta vẫn
chịu kiếp nô lệ. Thanh niên ta càng cần lý tưởng sống và lòng can đảm
hơn ai hết. Vì thanh niên chính là những chủ nhân tương lai của đất nước
sau này. Nếu một đất nước mà những con người sống ở đó sống một cách
buông thả, không có mục đích sống, sống nhút nhát, không can đảm thoát
khỏi vỏ bọc của mình thì liệu đất nước đó có phát triển không? Hãy chứng
tỏ thanh niên Việt Nam là những mầm non đầy nhiệt huyết , ý tưởng sống,
luôn trang bị lòng can đảm. Hãy để cho các nước bạn biệt rằng Việt Nam
chúng ta sau này sẽ được làm chủ bởi những con người luôn dám đương đầu
với khó khăn.
Và điều cuối cùng ở Bác, vị Đại tướng tài ba đáng ngượng mộ nhất
chính là sự khiêm tốn và lòng yêu thương. Bác không cho rằng mình là vị
tướng huyền thoại, không cho rằng mình đánh đuổi Mỹ mà là cả nhân dân
Việt Nam. Bác khiêm tốn và đê cao sức mạnh tập thể của toàn dân. Bác
giúp chúng ta hiểu rằng “một cánh én nhỏ không thể làm nên mùa xuân”.
Bác không tự cao, Bác cho rằng mình bình đẳng với những người khác. Sự
khiêm tốn của Bác nhận được rất nhiều tình yêu thương từ nhân dân .
Thanh niên như chúng ta dường như bị thời đại ngày nay cuốn hút đi quá
nhanh. Việc rèn luyện tính khiêm tốn, ý thức sức mạnh tập thể và lòng
yêu thương ngày càng cần thiết. Khi ngày nay giới trẻ càng ngày càng
mang thêm tính tự cao, sống riêng lẻ và đặc biệt là căn bệnh vô cảm. Đất
nước trong thời đại công nghiệp hóa, rô bốt được sản xuất mang những
đặc tính giống con người càng nhiều nhưng con người chúng ta càng ngày
càng rô bốt hóa.
Không biết yêu thương, dửng dung trước những khó khăn của người khác,
chà đạp, đánh giá thấp người khác. Thử hỏi ai cũng như thế thì ai dám
đầu tư vào đất nước Việt Nam nữa.Bởi không ai muốn phải làm việc với
những người có tài năng nhưng quá kém nhân cách.
Thanh niên chúng ta hãy học tập Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì Bác
chính là hiện than của những tinh hoa dân tộc. Học tập Bác để sau này
dung những phẩm chất từ bản thân đã học của Bác để phát triển đất nước.
Nhưng hiện tại bây giờ đầy, Bác Giáp đã mãi mãi ra đi ở tuổi 103. Cả
không khí đau thương mất mát bao trùm lên đất nước Việt Nam. Toàn dân dù
biết Bác đã sống rất thọ nhưng sao vẫn nghe trong lòng đau nhói.
"Mùa thu lặng lẽ lá vàng rơi
Cả nước tiếc thương tiễn một Người".
Bác đã biết bao lần ra đi nhưng lần này là khác. Không phải ra đi
xông pha chiến trận, không phải ra đi khảo sát đời sống nhân dân mà là
sự ra đi về cõi vĩnh hằng. Sự ra đi mà khiến hàng chục triệu trái tim
người Việt Nam thổn thức. Nhưng sự ra đi của Bác không phải là dấu chấm
hết cho hình ảnh một vị tướng anh hùng. Mà đây chỉ là sự ra đi về thể
xác, còn tâm hồn và trái tim của Bác mãi mãi ở lại. Bác Giáp ở lại như
một sự hiện diện để xem những bàn tay tuổi trẻ đổi mới đất nước. Bác ở
lại để nhân dân ta hiểu Bác vẫn luôn là người Việt Nam, không bao giờ
rời xa mảnh đất thân thương này.
"Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử"
(Tố Hữu)
Dẫu biết với ngòi bút nhỏ bé của mình vẫn không thể kể hết những
chiến công, những phẩm chất cao đẹp đáng để giới trẻ học tập của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng với tình cảm, sự kính trọng tôi vẫn viết. Và
thanh niên Việt Nam ơi đừng phụ lòng mong đợi của Bác. Hãy cố gắng học
tập thật tốt để tương lai có thể xây dựng và phát triển đất nước. Ở một
nơi nào đó, vị Đại tướng kính yêu luôn theo dõi chúng ta.
“Mùa thu lặng lẽ vòng tạo hóa
Đại tướng! Ngàn thu ru giấc người”
Đặc biệt chúng ta hãy sống, sống sao để như Bác, về với cõi vĩnh hằng một cách thanh thản.