Người đi bán nắng là tập truyện ngắn đầu tay đồng tác giả của hai chị
em gái: Minh và Mẫn - hai cây viết được yêu thích trên các diễn đàn văn
học trẻ.
Cuốn sách giống như một nốt lặng trong bản nhạc gấp gáp, đầy những
thăng trầm liên tiếp, dồn dập của cuộc sống trẻ hiện đại. Là những người
từng trải qua nhiều gam màu trắc trở trong cuộc sống, tác giả đã trải
lòng mình trong mười truyện ngắn, những câu chuyện giản dị nhưng mang
nhiều ý nghĩa ẩn sau những số phận, những mảnh đời, tình yêu và các quy
luật xã hội.
“Tôi hay có những giấc mơ dài, yên ả, nối tiếp nhau từ ngày này sang
ngày khác, gắn kết với nhau không hề lỏng lẻo. Và tôi vẫn dựa
vào đó để an ủi mình trong cuộc sống đầy phức tạp mà tôi đang sống.” -
Truyện ngắn “Như tiếng dương cầm”.

Bìa cuốn sách Người đi bán nắng.
Giọng kể không quá xuất sắc và nặng về tư duy văn học, nhưng có một
sức cuốn hút riêng và một phong cách rõ rệt. Những câu chuyện không chỉ
đơn thuần nói về một khía cạnh nào đó mà thường tựu chung nhiều vần đề
lẩn khuất trong cuộc sống của những người trẻ, giữa tình cảm phức tạp
bên trong và những tình huống giản dị đời thường.
“Từ khi gia đình tôi phá sản, tiền và vật chất trở nên quan trọng với
tôi hơn bất cứ thứ gì. Dù ba mẹ luôn luôn cãi nhau trước đó, dù cho họ
dường như chẳng hề yêu nhau, tôi vẫn tin nếu không có sự suy sụp về vật
chất, thì có lạnh đến đâu, cũng có thể cứu vãn.
Những ngày ấy, mẹ khóc mỗi đêm, trong tiếng vỡ của cốc chén. Tôi hiểu
rượu không giúp người ta lấy lại tiền bạc, nhưng có thể làm đau thêm
nhiều chỗ khác để tạm thời quên đi một chỗ đau. Những ngày như thế là
tồi tệ, và những ngày sau đó là vô cùng tồi tệ. Mẹ đã rời khỏi sự ràng
buộc, rời khỏi thiên chức vì tôi bấy lâu nay, để tới những chân trời
mới, tự do, ít nước mắt.
Ba và tôi để mất người phụ nữ duy nhất, theo cách ấy. Tôi không muốn
một xáo trộn nào trong cuộc sống này nữa, như vậy là quá đủ, con lắc đã
đứt dây thì không nên nối lại làm gì cả, dao động thêm những quỹ đạo tật
nguyền, để rồi lại rơi thêm lần nữa, xa hơn.

Hàng đêm ba tôi vẫn gục đầu bên li rượu, thêm đầy và rót thêm đầy.
Tôi vẫn luôn chờ tiếng cửa phòng ba đóng lại, rồi mới nhắm mắt. Sáng ra
lại đầy mảnh vỡ. Ba uống cả nỗi cô đơn!
Tôi không hiểu tại sao, chỉ đến khi mất đi, người ta mới biết đớn đau, biết tiếc nuối!” - Truyện ngắn “Cung đường lá bay”.
Đọc Người đi bán nắng, bạn đọc có thể bắt gặp chính mình, hoặc những
cảm xúc đã từng trải qua, những cảnh vật, những con người đâu đó đã gặp,
lướt qua nhau, hay thân thiết gắn bó. Một sự quen thuộc chốc chốc lại
hiện hữu khi cầm trên tay tập truyện này. Không nặng về tư tưởng đạo lý,
không tạo sự bùng nổ giật gân, rất nhẹ nhàng, người đi bán nắng len lỏi
vào tâm hồn người đọc những xúc cảm mát lành, những thanh âm trong trẻo
để người ta sống chậm lại, dù chỉ một giây, biết trân trọng quá khứ,
nhìn thấu hiện tại, và hướng về tương lai. Một cuốn sách của những trái
tim trẻ và khao khát sống.
Một đời, có biết bao người đi qua ta?
"Thế giới này nhỏ lắm, chỉ cần xoay người một cái là chẳng biết bạn
sẽ gặp được ai. Nhưng thế giới này cũng lớn lắm, chỉ cần quay lưng bước
đi là có thể sẽ chẳng bao giờ được gặp lại...".
Đôi khi ta tự ví ta như một tài xế taxi, vòng vo đón khách, tài xế và
khách cùng chia sẻ cho nhau một phần nho nhỏ cuộc đời, rồi khi khách
tìm được bến đỗ của họ, coi như ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Giữa vô vàn
những hành khách lên rồi xuống xe, tìm được ai là người có thể đồng hành
cùng ta trong quãng đường cao tốc dài dằng dặc của chính mình?
Không phải ai đến cũng là để ở lại. Chỉ sợ ta không nhận ra người
xứng đáng ở lại mà thôi. Người ta có nhau thì khó, chứ lạc mất nhau lại
quá dễ dàng.