Thử thách lớn
Đây
là "đơn đặt hàng" của Bộ VH,TT &DL với bốn tác giả kịch bản nổi
tiếng hiện nay của sân khấu Việt Nam, với mong muốn đưa sân khấu đến gần
hơn với những vấn đề thời sự mà xã hội đang quan tâm. Công việc triển
khai đặt hàng do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH, TT &DL) phối hợp
với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đảm nhiệm.
Một cảnh trong vở “Tai biến”. |
Bốn
tác giả mời sáng tác "đích danh" là: Nhà văn Xuân Đức, nhà văn Hà Đình
Cẩn, tác giả chèo Trần Đình Ngôn và tác giả Chu Thơm. Đây là những nhà
văn, nhà viết kịch, tác giả chèo có kinh nghiệm hoạt động trong ngành
nghệ thuật biểu diễn, đã từng có kịch bản sân khấu dàn dựng thành công
trong những năm qua, có năng lực chuyên môn và có khả năng lôi cuốn và
ảnh hưởng tốt tới công chúng.
Nhận
được đơn đặt hàng, cả bốn tác giả đều chung một nhận xét rằng: Việc Bộ
VH,TT &DL đặt hàng sáng tác hưởng ứng Nghị quyết Trung ương 4 "Một
số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã mở ra một hướng đi mới,
nhằm tạo ra các tác phẩm sân khấu mang tính định hướng và thời sự rất
cao.
Bản
thân các tác giả đều rất tâm đắc và khẳng định, việc được đặt hàng càng
giúp họ có thêm động lực để dồn những tâm huyết của mình cho mảng đề
tài này. Tuy nhiên, các tác giả cũng thừa nhận đây là một "thử thách
lớn" với mình, bởi việc làm thế nào để có được những tác phẩm đạt giá
trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực đa dạng
và sâu rộng đời sống, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư
tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên,
cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp... là một điều không đơn giản. Bên cạnh
đó, không chỉ đảm bảo được tính tư tưởng cho vở diễn, các tác giả còn
phải tìm được cách thể hiện đề tài này một cách hấp dẫn, sinh động, lôi
cuốn được người xem.
Nhiều đơn vị ngại dựng các tác phẩm mang tính chiến đấu vì đây là mảng đề tài khó dựng, khó diễn và khó cả việc doanh thu. |
Nhà
văn Hà Đình Cẩn chia sẻ: “Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay là một vấn đề rất khó, nếu viết không hay, không khéo chuyên chở
kịch bằng những số phận các nhân vật, thì tác phẩm sẽ chỉ mang tính
tuyên truyền, khô khan và sống sượng. Để biến một tinh thần, một ý chí
chính trị thành hình tượng nghệ thuật không phải chuyện dễ dàng... Khi
được giao nhiệm vụ viết, mỗi tác giả chúng tôi đều sẽ cố gắng bằng tất
cả mọi khả năng của mình. Tôi dự định sẽ đi vào vấn đề chống tiêu cực
trong xã hội hôm nay với một loạt những bất cập như đất đai, xây dựng,
làm ăn gian dối, sờ vào đâu cũng có lỗi nhưng vẫn có những hệ thống bao
che tiêu cực. Còn vô số những người còn nhởn nhơ sống ngoài pháp luật.
Chúng tôi sẽ thử "đập" vào cột xi măng để tìm hiểu là nó được làm bằng
sắt hay là tre... Và nếu là tre thì sao bao nhiêu năm nó vẫn không bị
phát giác?”.
Ông
Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đơn vị chủ trì
đặt hàng, cho biết: “Tác giả viết đề tài này cần có cái nhìn mới mẻ,
đúng đắn về những vấn đề trong công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho
Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và
nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân. Và dĩ nhiên yếu tố hấp
dẫn cũng được đặt lên hàng đầu để có được một tác phẩm sân khấu có giá
trị. Tuy nhiên, các tác giả đừng tự gọt dũa, tự kiểm duyệt xem mình viết
như thế này có đụng chạm tới ai hay không? Viết về những vấn đề trực
diện của đời sống không khó mà vấn đề là họ viết như thế nào cho khéo,
cho thuyết phục. Lần này, các tác phẩm tham dự phải là mới viết chứ
không phải là đã viết sẵn và để trong ngăn kéo”.
Để nhiều khán giả được xem
Trong
hợp đồng của Cục Nghệ thuật biểu diễn với các tác giả thì các tác phẩm
sẽ thuộc bản quyền sử dụng của Cục, sau khi tác phẩm được các nhà hát mà
chúng tôi lựa chọn dàn dựng, công diễn, các tác giả mới có quyền giới
thiệu kịch bản này cho các đơn vị khác. Những kịch bản đặt hàng này được
ưu tiên dựng trên sân khấu của các nhà hát thuộc Bộ VH,TT&DL.
Ông
Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng
khi nhà nước đặt hàng cho mảng đề tài này. Sự thành công của một số vở
gần đây như "Đường đua trong bóng tối", "Tai biến" đã khiến cho sân khấu
kịch tiếp cận gần với cuộc sống bởi những vấn đề rất nhạy cảm mà lâu
nay ngay cả nhà hát lẫn tác giả đều né tránh. Khi xem vở "Đường đua
trong bóng tối" được truyền hình trực tiếp, những người thân trong gia
đình tôi còn thấy ngạc nhiên và nhận xét rằng sân khấu bây giờ quá mạnh
mẽ khi diễn những vở kịch mang tính chiến đấu, phanh phui cái xấu, cái
ác trực diện mà không che đậy, ẩn ý gì. Trên thực tế cũng đã có những vở
diễn hay như vậy nhưng lại không được tới với số đông khán giả bởi
chúng ta chưa có kế hoạch giới thiệu chúng. Chúng tôi rất mong sẽ có một
kế hoạch triển khai tuyên truyền những tác phẩm mà nhà nước đã kỳ công
đặt hàng sáng tác và dàn dựng để có nhiều khán giả được xem. Ví dụ như
sau đợt diễn cần có sự kết nối với truyền hình để phát cho khán giả cả
nước xem”.
(Theo baotintuc.vn)