 |
Bìa cuốn "Những ngôi sao rực rỡ" của Eleanor Catton. |
|
Man
Booker là một giải thưởng văn học lớn nhất của nước Anh, ra đời từ năm
1969 và được trao định kỳ hàng năm cho các tác phẩm văn xuôi xuất sắc
nhất viết bằng tiếng Anh của các tác giả người Anh, Ireland và các nước
thuộc Khối liên hiệp Anh (còn gọi là Khối thịnh vượng chung, gồm các
quốc gia từng là thuộc địa của Anh). Với cuốn tiểu thuyết "Những ngôi
sao rực rỡ", ở tuổi 28, chủ nhân của giải Man Booker 2013 - nữ tác giả
người New Zealand Eleanor Catton - đã trở thành nhà văn trẻ nhất giành
được giải thưởng văn học danh giá này trong lịch sử 44 năm tồn tại của
giải. Trước Eleanor Catton, nhà văn trẻ nhất đoạt giải Man Booker là Ben
Orki, khi ấy cũng đã 32 tuổi. Không chỉ lập kỷ lục về sự ít tuổi khi
đoạt giải, cuốn tiểu thuyết "Những ngôi sao rực rỡ" của Eleanor Catton
với độ dày lên tới trên 800 trang in cũng đã lập kỷ là cuốn tiểu thuyết
dày nhất trong những cuốn tiểu thuyết từng được trao giải Man Booker từ
trước tới nay.
Cuốn tiểu thuyết được Eleanor
Catton bắt tay vào viết từ năm 2010. Nó mang hơi hướng của một truyện
trinh thám với những vụ giết người bí ẩn xảy ra tại các bãi đào đãi vàng
ở New Zealand trong giai đoạn nửa giữa thế kỷ XIX. "Với những người đọc
thích tìm kiếm ở cuốn tiểu thuyết một sự giải trí đơn thuần, những vụ
án ly kì và bí ẩn được tác giả đề cập sẽ thu hút họ tới những trang sách
cuối cùng" - Jonathan Ruppin - biên tập viên của tờ Foyles - nhận định.
Nhà phê bình văn học Robert
Macfarlane, một thành viên trong ban giám khảo thì cho biết: Quyết định
trao giải cho "Những ngôi sao rực rỡ" là một "quyết định khó khăn". Tuy
nhiên, "sau khi chúng tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng mọi
người đều đồng ý cuốn tiểu thuyết của Eleanor Catton xứng đáng hơn cả".
"Đó là một tác phẩm đồ sộ nhưng gọn gàng, mạch lạc, một tác phẩm thực sự
tỏa sáng" - Trưởng ban giám khảo Robert Macfarlane nhận xét. Cũng theo
Macfarlane: "Tác phẩm có cách dẫn chuyện cuốn hút và gây ám ảnh người
đọc khi vẽ lên một thế giới đầy rẫy vàng và những thói tham lam".
Catton là một người rất say mê
bộ môn chiêm tinh học nên ngay từ tên sách tới cấu trúc của cuốn tiểu
thuyết, cô đã thể hiện rõ điều đó. Cuốn tiểu thuyết được chia làm 12
phần, phần đầu 12 chương, phần hai 11 chương. Cứ thế, các chương giảm
dần theo từng phần, cho tới phần cuối chỉ còn đúng 1 chương và chương
này cũng chỉ vẻn vẹn đúng 1 trang. 12 phần của cuốn tiểu thuyết ứng với
12 cung hoàng đạo, 7 hành tinh, mặt trời và mặt trăng. Catton từng cho
biết, cô là người rất quan tâm tới triết học và thích để cho mình bị dẫn
dắt bởi các vì sao.
 |
Eleanor Catton vừa trở thành nhà văn trẻ nhất đoạt giải Man Booker trong lịch sử 44 năm tồn tại của giải thưởng này. |
Cùng lọt vào vòng chung khảo
với "Những ngôi sao rực rỡ" của Catton là các tiểu thuyết: "Thu hoạch"
của nhà văn Anh Jim Crace; "Tân ước của Mẹ Maria" của nhà văn Ireland
Colm Toibin; "Vùng đất thấp" của nhà văn Ấn Độ Jhumpa Lahiri; "Chúng tôi
cần những cái tên mới" của nữ nhà văn Zimbabwe NoViolet Bulaway và
"Chuyện cổ tích thời nay" của nhà văn Canada Ruth Ozeki. Cuối cùng,
"Những ngôi sao rực rỡ" của Catton đã đánh bại các tác phẩm nói trên,
đưa tác giả trẻ lên bục vinh danh và lãnh về số tiền thưởng lên tới
50.000 bảng Anh (tương đương 80.000 USD).
Vì là công dân New Zeland thứ
hai đoạt giải thưởng văn học danh giá này, lại đã gần 30 năm kể từ khi
nhà văn New Zeland đầu tiên (Keri Hulm) được trao tặng giải Man Booker
nên ngay sau khi nhận được tin, Thủ tướng New Zealand John Key đã có lời
chúc mừng gửi tới Catton và ra thông báo khẳng định, việc nữ văn sĩ trẻ
đoạt giải Man Booker là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng đối với một
công dân New Zealand và là nguồn cổ vũ to lớn đối với giới trẻ New
Zealand trong sáng tạo nghệ thuật.
Ngày 15/10 vừa qua, tại tòa thị chính London, giải Man Booker 2013 đã được trao bởi Camilla - nữ công tước xứ Cornwall.
Nếu như với chủ nhân của giải
Man Booker 2012 - nữ văn sĩ người Anh Hilary Mantel - trong bài phát
biểu tại lễ trao giải ở tòa thị chính London diễn ra ngày 16/10/2012, đã
khiêm tốn nói rằng, bà không bao giờ có thể tin nổi mình có thể xuất
hiện ở đây thêm một lần nữa (trước đó, Mantel từng giành được giải Man
Booker), rằng nhận giải rồi, mối lo của bà còn lớn hơn nhiều, bởi làm
sao để những gì sắp viết ra xứng với những gì đã viết, thì ngay sau khi
hay tin được trao giải, nữ văn sĩ trẻ Catton - chủ nhân giải Man Booker
2013 lại đùa vui rằng, cô cần phải gửi lời cảm ơn trước nhất tới nhà
xuất bản Granta vì ở đó có những con người đã kiên nhẫn đón nhận và xử
lý tác phẩm rất dài của cô, rằng cuốn tiểu thuyết của cô quả là "một cơn
ác mộng đối với những người làm xuất bản". Cô cũng nói vui, sau khi
"Những ngôi sao rực rỡ" được xuất bản, điều cô quan tâm trước nhất là
mua túi xách mới vì túi xách cũ không đủ rộng để có thể đựng được một
cuốn sách dày như thế.
"Những ngôi sao rực rỡ" là cuốn
tiểu thuyết thứ hai của Catton. Trước đó, năm 2008, cô cho xuất bản
cuốn "Buổi diễn tập" và cuốn sách đã giúp tác giả của nó nhận được đề cử
cho giải thưởng Guardian tác phẩm đầu tay. Được ấn hành vào tháng
8/2013, tính đến thời điểm được trao giải (15/10), "Những ngôi sao rực
rỡ" mới ra mắt độc giả được vẻn vẹn 2 tháng. Điều này tự thân đã cho
thấy sự khác biệt của giải Man Booker so với nhiều giải thưởng văn học
khác: Ban giám khảo có thể chấp nhận đưa vào vòng sơ khảo các tác phẩm
còn ở dạng bản thảo.
Việc Catton được trao giải Man
Booker chắc chắn sẽ giúp cuốn tiểu thuyết của cô được nối bản và tăng
lượng phát hành. Đây là hiện tượng đã xảy ra với các tác giả được nhận
giải trước đó, mà ví dụ gần nhất là các nhà văn Yann Martel, Thomas
Keneally và Hilary Mantel. Sách của họ có cuốn lượng phát hành lên tới 2
triệu bản. Không ít tiểu thuyết sau khi đoạt giải Man Booker đã được
chuyển thể thành phim, trong đó có những bộ phim đã giành được giải
Oscar cho phim hay nhất. Trong các tác giả từng đoạt giải Man Booker, đã
có ba nhà văn giành chiến thắng ở giải Nobel văn học. Đó là các nhà văn
Nadine Gordimer (năm 1991), VS Naipaul (năm 2001) và JM Coetzee (năm
2003).
Chính bởi lợi thế và uy tín,
cũng như độ chính xác của giải Man Booker cao như vậy cho nên ngay sau
khi hay tin tiểu thuyết "Những ngôi sao rực rỡ" đoạt giải, người phát
ngôn của hãng bán lẻ danh tiếng Waterstones đã lập tức lên tiếng, rằng
đó là "tin tuyệt vời dành cho bạn đọc", mặc dù, theo như nhận xét của
người này thì bản thân cuốn tiểu thuyết đã là "những câu chuyện cực kỳ
thú vị và hấp dẫn".
Là người gốc Canada song
Eleanor Catton lớn lên ở New Zealand. Cô từng theo học chuyên ngành văn
học Anh tại Trường đại học Canterbury và bảo vệ thành công luận án thạc
sĩ chuyên ngành sáng tác văn học tại Trường Đại học Victoria ở
Wellington (New Zealand). Hiện Eleanor Catton đang là giảng viên khoa
sáng tác văn học của Viện Kỹ thuật Manukau.
Mặc dù theo nhận xét của Trưởng
ban giám khảo giải Man Booker 2013 thì danh sách các tác giả - tác phẩm
lọt vào vòng chung khảo năm nay là đa dạng cả về quốc tịch, về thể
loại, về chủ đề cũng như về dung lượng, tuy nhiên, theo thông tin gần
đây nhất của đại diện Quỹ Giải thưởng Booker Jonathan Taylor thì kể từ
năm 2014, giải thưởng này sẽ "vượt qua những rào cản địa lý và biên giới
quốc gia". Cụ thể, thay vì chỉ trao cho các tác phẩm viết bằng tiếng
Anh của các nhà văn thuộc những nước đã và đang là thành viên Khối thịnh
vượng chung, từ năm sau, các nhà văn Mỹ cũng như nhà văn của tất cả các
nước trên thế giới sẽ hoàn toàn được quyền tham gia dự giải chỉ duy với
một điều kiện: Bản gốc tác phẩm của họ phải được thực hiện bằng tiếng
Anh. Đây được cho là một sự thay đổi căn bản, giúp cho một giải thưởng
đang ngày càng trở nên có uy tín sẽ mang tính toàn cầu.
Tất nhiên, không phải không có ý
kiến băn khoăn về việc: Nếu mở rộng như vậy thì tính chất riêng biệt
của giải thưởng sẽ không còn. Một số ý kiến cũng thể hiện sự lo lắng, e
ngại tới một ngày, chủ nhân của hầu hết các giải Man Booker sẽ thuộc về
các nhà văn người Mỹ (hiện các nhà văn có quốc tịch Anh là những người
giành được giải Man Booker nhiều nhất, tiếp đó là các nhà văn quốc tịch
Australia. Các nhà văn mang quốc tịch Ireland đứng ở vị trí thứ ba)

|