LTS. Tiến sĩ Phạm Văn Quang đã được bạn đọc Sài Gòn
Tiếp Thị biết đến qua bài phỏng vấn về tác giả Cung Giũ Nguyên. Trong
đó, ông có nhắc đến dòng văn học Việt Nam Pháp ngữ mà ông vẫn miệt mài
nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và viết sách. Sài Gòn Tiếp Thị trân trọng
giới thiệu cuốn sách mới nhất của ông về đề tài này vừa được xuất bản
tại Pháp đầu tháng 11.2013, có tên Thiết chế văn học Việt Nam Pháp ngữ.
Bài viết trích từ lời tựa của cuốn sách.
Nếu như việc du nhập tiếng Pháp vào Việt Nam thời kỳ
thuộc địa đóng vai trò thiết yếu cho sự khai sinh của các tác phẩm văn
học, thì bản thân đời sống văn học chỉ được tác thành khi trải qua quá
trình thiết chế hoá. Đây là phạm vi vượt ra ngoài không gian văn bản.
Chúng tôi muốn nói đến công việc sáng tác văn học và nghệ thuật cùng với
những ràng buộc xã hội của nó. Nói cách khác, muốn làm sáng tỏ một đời
sống văn học, điều cốt yếu phải quan tâm là các hệ thống xã hội về việc
hợp thức hoá hay thừa nhận tác phẩm, đồng thời phải xem xét các tác nhân
chiến thuật khác nhau tham gia vào đời sống văn học.
Nếu nhìn nhận các tác phẩm Việt Nam Pháp ngữ như một bộ
phận nằm bên lề trường lực văn học, thì nhất thiết nó phải được khai
thác một cách có hệ thống, đặc biệt về những tương quan biểu hiện trong
đó với nguồn gốc địa lý, quốc gia, quá trình trở thành nhà văn. Chính
trong sự dè dặt, trong các bước mò mẫm và ngay cả trong sự nghi ngờ mà
chúng tôi tìm minh định một lịch sử văn hoá, hay đúng hơn một lịch sử
tri thức được xem là ngoại vi. Thực vậy, những mơ hồ nằm ngay trong vấn
đề cơ bản liên quan đến hai yếu tố: lịch sử và sự tự chủ của dòng văn
học này.
Vấn đề lịch sử gợi cho chúng tôi lược đồ tuyến tính
được cấu thành từ khai thác sử liệu. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định
đời sống văn học Việt Nam Pháp ngữ diễn ra một cách liên tục. Nghĩa là
nó đã phải trải qua những giai đoạn thăng trầm, thiếu khuyết và đứt
quãng. Đó chính là những nét gấp trong tiến trình hình thành một lược đồ
văn học.
Về yếu tố tự chủ hay độc lập, chúng tôi thấy văn học
Việt Nam Pháp ngữ đặt số phận mình trong một hành trạng nghịch lý: một
mặt nó muốn độc lập để tự tạo ra những chuẩn mực và lược đồ riêng; mặt
khác nó bắt buộc phải đồng thời kết gắn với văn học quốc gia và các dòng
văn học Pháp ngữ thế giới. Chính tình trạng dao động nước đôi này đã
tạo ra những nét đặc trưng của các mối tương quan hay tạo ra những mảng
mơ hồ, khiến cho văn học Việt Nam Pháp ngữ bị đẩy đến chỗ mà người ta
thường gọi là văn học ngoại vi. Như vậy, phải thừa nhận rằng nghiên cứu
về trường lực văn học này là một hành trình chông gai.
Các dạng thức của đời sống văn học được trình bày trong
quyển sách này chủ yếu dựa trên quan điểm xã hội học của Bourdieu về
văn học. Khởi đi từ việc quan sát các yếu tố khả dĩ cho phép thiết chế
hoá đời sống văn học, chúng tôi vận dụng lý thuyết trường lực và thiết
chế văn học với mục đích khai thông một lộ trình...
Tác giả Phạm Văn Quang tốt nghiệp tiến sĩ
tại đại học Toulouse II-Le Mirail (Pháp), hiện là giảng viên khoa Ngữ
văn Pháp, đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Ông là tác giả của
nhiều bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế như Présence
Francophone, Mondes francophones, Alternatives francophones, Nouvelles
francographies, Analyse...