Tôi vừa nói mạch thơ, điệu thơ
Hồng Thanh Quang chuyển động chủ yếu trong khuôn khổ những thể thơ quen
thuộc như ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát, anh rất ít khi phá
cách sang các thể thơ phóng túng hơn. Nhưng chịu bó mình trong cái khung
giới hạn của thể loại về câu chữ, vần điệu mà vẫn khiến người đọc nhớ
thơ, thuộc thơ, và có khi ám ảnh thơ, ấy là nhờ ở cách diễn đạt thơ và
hình ảnh thơ của anh.
Hãy lấy khổ thơ này trong bài thơ "Khúc mùa thu" đã thành quen thuộc và nổi tiếng của anh (nhờ thơ và nhờ cả nhạc): "Tôi
đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để yêu em/
Người-đàn-bà-giấu-đêm-vào-trong-tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm".
Tình thì đã rõ là yêu thương đến cùng cực và cũng xót xa đến cùng cực.
Cái cùng cực đó của tình yêu khiến cho lời nói ra thành thơ sâu sắc,
thấm thía mà bình dị, như không thể khác. Chết là hạnh phúc chỉ có khi
yêu. Và "Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc" là một cách nói tả tình
chứ không phải tả hình.
Liên tưởng đến câu thơ của Bích
Khê "đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc" như chỉ là để tả mái tóc đen
nhánh của một nàng mỹ nữ lõa thể. Chú ý thêm nữa là ở câu thơ của Hồng
Thanh Quang có dấu gạch nối giữa các chữ, một cách hiển thị mà nhà thơ
có ý làm để dùng ấn tượng thị giác giúp thêm ấn tượng tâm lý cho độc giả
khi tiếp nhận riêng một câu thơ được lặp lại y nguyên cách viết hai lần
trong bài và cả bài thơ. Hồng Thanh Quang chịu khó tìm hình ảnh vì thơ
anh nói nhiều về tình yêu (cố nhiên không chỉ thơ tình mới cần hình
ảnh), vì thơ anh là thơ tình, tình đôi lứa và tình đời.
Thơ tình "ăn" ở cảm xúc trong
cách nói, nhưng cũng "ăn" ở hình ảnh độc đáo, khác lạ. Như nhà thơ đã
ước "viết được một câu thơ không bình dân". Thú thực, thơ Hồng Thanh
Quang có khi gây cảm giác cho tôi như Thơ Mới lãng mạn hồi nào, nhưng
nhờ có những cách nói và hình ảnh bất chợt mà ta lại thấy đang ở hiện
tại.
Hai tập thơ "Nỗi buồn tốc ký" I
và II của Hồng Thanh Quang trình làng hôm nay là kết quả hai chặng
đường đời, đường thơ của một hành trình làm người, làm tình nhân của nhà
thơ. Có thể coi hai chặng là trước và sau không gian mạng. Công cụ
Internet với trang mạng xã hội Facebook đã cho anh mở rộng không gian
giao tiếp, thỏa mãn con người thơ trong mình.
Có lẽ trước đây Hồng Thanh
Quang đã luôn làm thơ, làm thơ liên tục, nhưng thơ ấy nhiều khi còn
trong tâm tưởng, chưa viết ra giấy. Nay thì cứ mở Facebook là anh post
thơ lên, cái chỗ "Hang ổ Nhâm Dần" ấy, thơ ào ạt tuôn trào (điểm này tôi
chỉ thấy có một người có thể cạnh tranh với anh là nhà thơ, dịch giả
Thái Bá Tân). Thơ được giải tỏa và người thơ cũng được giải tỏa, từ đó
lan đến cộng đồng, trước tiên là cộng đồng mạng. Tập I "Nỗi buồn tốc ký"
là những bài thơ được gom chọn lại từ màn hình xuống trang sách để có
thể đến trong tầm đọc của khối độc giả phi-mạng.
Ai đã quen thơ Hồng Thanh Quang rồi thì thấy trên mạng và ngoài mạng vẫn là Hồng Thanh Quang ấy, có khi như nói vần "Nhưng
khi ta có em cùng/ Lòng ta như đã bớt xung khí nhiều", và lại có khi
rất thơ "Chỉ quờ nhẹ là chạm gió/ Đang bồng thổi những huyền tơ.../ Để
quá khuya rồi bất giác/ Tay mình mãi cứ thơm tho...".
Còn có một điểm này đáng chú ý
khi anh đưa thơ lên mạng, đó là nhiều câu mở đầu của bài cũng là tên bài
(hay là ngược lại, câu buột ra đầu tiên là câu tạo dựng bài thơ nên nhà
thơ lấy luôn câu đó làm tên bài) và thường đó là những câu khẳng định,
dứt quyết. Lại nữa, trong một số bài thơ dạng "tốc ký" này của Hồng
Thanh Quang, có những câu được lặp lại ở mỗi khổ, như đó là câu kéo ý
thơ, câu bắt mạch, bắc nhịp cho bài thơ thành hình và trọn vẹn. Dẫu là
thế, dẫu là đọc thơ anh có lúc thấy thừa thãi lời và chữ, nhưng dòng cảm
xúc dào dạt tuôn chảy cứ cuốn người đọc thơ theo âm hưởng rung động của
người làm thơ. Hình như thế mới là Hồng Thanh Quang trong thơ!
Ờ, mà khi tốc ký nỗi buồn thành
thơ chắc hẳn Hồng Thanh Quang muốn cố định những khoảnh khắc, cất giữ
những bất chợt, chuyển tải những thoáng qua, trên dòng miên viễn thời
gian và thời cuộc, cho mình trước hết. Bây giờ anh mời độc giả lật giở
những tốc ký buồn này của mình thì tâm trạng đã thành thơ sẽ níu giữ
người lật trang sách để đọc chậm. Thơ là một cách con người lắng lại,
sống chậm. Hy vọng Hồng Thanh Quang không phải chỉ còn ta với nồng nàn
lần ra thơ này. Và điều anh muốn "tôi sẽ giữ lại cho mình cùng lắm một
câu thơ" được chia sẻ từ người yêu thơ.