Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 19/11/2013 10:04
Sáng trong tấm lòng nhà giáo
Ngày Nhà giáo Việt Nam đã đến. Những ngày này, người ta lại nghĩ về nền giáo dục, về những người làm thầy với bao nỗi vui buồn. Nhưng dẫu thế nào đi nữa thì những bông hoa và những nụ cười cũng sẽ được dành tặng cho các thầy, cô giáo. Người thầy giáo tốt là anh hùng vô danh - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Trong bộn bề cuộc sống, họ ở đâu? Họ phải chống chọi ra sao để giữ gìn phẩm giá làm thầy để xứng đáng là tấm gương cho xã hội nói chung và từng em học sinh soi vào? Điều đó thật không dễ dàng.


Hoa tặng cô Ngày Nhà giáo Việt Nam
Ảnh: Hoàng Long

Hẳn nhiều người chưa quên tấm gương của cô giáo Trần Thị Vân (Trường Tiểu học Lai Hoà 3, Sóc Trăng), người "ôm trái tim đau lên bục giảng”. Nhà cô Vân ở ấp Prey Chóp, căn nhà nghèo nàn hầu như không có một vật dụng gì đáng giá. Cô Vân một tay chăm sóc mẹ già liệt nửa người cùng hai đứa con nuôi. Trái tim trong ngực cô đau nhức vì căn bệnh quái ác, nhưng cô vẫn làm tròn trách nhiệm vừa là người con vừa là người mẹ trong gia đình, để hàng ngày "ôm trái tim đau” đến lớp giảng bài cho lũ nhỏ. Cho đến ngày nọ, sức người không còn chịu nổi, cô đã ngất xỉu ngay trên bục giảng, như một người  chiến sĩ trên chiến trường.

Học trò ôm nhau khóc. Thương cô quá chừng! Khi bệnh tình thuyên giảm, nhà trường bố trí cô sang làm công việc khác phù hợp hơn. Nghe vậy, học trò lại ôm nhau khóc. Chúng không muốn xa cô, bởi cô đã dành trọn vẹn tình yêu thương cho chúng, ngay cả trong lúc trái tim cô quặn đau. Thế là cô lại trở về với bục giảng, nắn nót từng nét chữ trên bảng, luyện cho các em từng chút từng chút một phát âm sao cho đúng. Ba mươi năm qua cô đã làm như vậy. Không biết bao nhiêu đứa trẻ ngày nào nay đã trở thành những công dân hữu ích, làm người lao động lương thiện, sẽ mãi mãi mang hình bóng cô trong trái tim mình.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân (Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Bình,Yên Bái) thì ngày ngày chống nạng đến trường, vẽ nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Bị bại liệt từ nhỏ, nhưng cô đã vượt lên số phận, gạt qua không biết bao nhiêu khốn khó để bằng "đôi chân sắt” bước tới bục giảng. Mọi người đều khâm phục cô, một cô giáo, một người phụ nữ có nghị lực phi thường. Học trò thương cô, phục cô nên ráng sức học tốt hơn, không muốn để cô buồn. Đã hơn 10 năm trên đôi nạng sắt, cô Vân đến lớp gieo chữ và gieo nghị lực sống, bản lĩnh sống cho học trò. Quên nỗi đau của riêng mình, cô dành tất cả tình thương yêu cho lũ trẻ, sáng trong một tấm lòng nhà giáo.

Thời gian đi qua, vẫn còn đó tấm gương  thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký (sinh năm 1947). Liệt cả hai tay, thầy Ký luyện tập để viết bằng chân. Người thầy tật nguyền nhưng nghị lực vô biên ấy đã thắp lửa và truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”. Tâm sự về nghề, thầy Ký nói: "Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội”.

Nguyện ước của những nhà giáo chân chính thật vô cùng giản dị, đó là góp phần "trồng cây người” cho đất nước. Họ là những người chở đò vĩ đại, đưa biết bao con người tới bến bờ thành công, còn mình thì ở lại đó với vời vợi con nước mênh mông.

Nghĩ về tấm gương những người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu, thật vô cùng cảm phục. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta không khỏi phiền muộn khi đâu đó vẫn có những người đứng trên bục giảng nhưng không làm tròn phận sự, không là tấm gương cho người khác soi vào. Vẫn còn có người vì sinh kế đã "ăn bớt chữ” trên lớp để ép học sinh đến nhà dạy thêm. Vẫn còn có người xúc phạm học trò, có người bán điểm, có người gạt tình, có người lợi dụng phụ huynh học sinh để cầu lợi… Con sâu làm rầu nồi canh, họ đã làm mất uy tín nhà giáo- nhà trường, mà điều đó thì không thể chấp nhận trong một môi trường mà nghề nghiệp đã mặc định là phải thanh cao, là tận tụy dâng hiến và giàu đức hy sinh.

May sao, đó chỉ là những hạt bụi mờ không thể làm hoen ố tấm gương trong. Hôm nay vẫn còn đó lớp lớp thế hệ nhà giáo trẻ theo bước chân những người đi trước, theo tấm gương "cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, tình nguyện, dấn thân. Họ đi gieo chữ, đi "trồng người”, với tấm lòng nhân hậu sáng trong. Nghĩ về người làm thầy, bỗng nhớ những vần thơ:

Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay
Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi…


(Theo daidoanket.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)