Trước
hiện trạng ảm đạm của ngành xuất bản như hiện nay đã có nhiều nguyên do
được đưa ra, cả chủ quan lẫn khách quan như sự thiếu năng động sáng tạo
và nhanh nhạy với thị trường của các nhà xuất bản; sự bùng nổ của thông
tin, các trang mạng phát triển khiến cho người đọc sách xuất bản dần ít
đi và những người tâm huyết với viết sách không nhiều, cũng bởi nếu chỉ
lao động sáng tác sẽ không đủ để nuôi sống họ... Minh chứng cho bức
tranh ảm đạm đó là con số ít ỏi đơn vị thực sự sống được bằng vai trò
chủ động làm sách như: Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, còn phần
lớn các nhà xuất bản để duy trì sự tồn tại đang phải tự xoay sở mọi
cách như liên kết cấp phép thu quản lý phí, cho thuê mặt bằng.... Và
thật buồn khi nghe thấy có một số nhà xuất bản trong 6 tháng đầu năm nay
chỉ xuất bản được 5 đến 7 đầu sách. Trong bối cảnh khó khăn của toàn
ngành là vậy thì nhà xuất bản tổng hợp duy nhất của Thủ đô trực thuộc Ủy
ban nhân dân thành phố Hà Nội, vốn hoạt động trên lĩnh vực chính trị tư
tưởng văn hóa nhưng lại dưới mô hình doanh nghiệp, là Nhà xuất bản Hà
Nội đã “sống” như thế nào?
Có
thể thấy 4 đến 5 năm trở lại đây, Nhà xuất bản Hà Nội luôn đứng trong
tốp 2 của ngành xuất bản bởi số lượng đầu sách được ấn hành. Tốp 2 - một
vị thế không dễ có với một nhà xuất bản địa phương như Nhà xuất bản Hà
Nội khi nằm trên cùng địa bàn với nhiều nhà xuất bản lớn của trung ương.
Hằng năm, Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản vài trăm đầu sách với hàng
triệu bản in, cùng hàng chục loại văn hóa phẩm. Đặc biệt trong 6 tháng
đầu năm 2013, Nhà xuất bản Hà Nội có được kết quả đột biến với doanh thu
vượt trội so với cùng kỳ năm 2012. Có được doanh thu đột biến này là do
Nhà xuất bản được giao nhiệm vụ phục vụ chính trị đột xuất: thực hiện
xuất bản cuốn Luật Thủ đô; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992... xuất
bản với số lượng lớn. Bên cạnh số lượng là chất lượng không ngừng được
khẳng định, hàm lượng tri thức ở trong mỗi đầu sách đều được nâng cao và
kết quả là giải thưởng “Sách hay”, “Sách đẹp” do Hội xuất bản Việt Nam
tổ chức tuyển chọn hàng năm.
Đạt
được những thành quả như trên không thể gọi đó là sự may mắn bởi nếu
như thiếu sự vận động từ nội lực của mỗi cán bộ công nhân viên, không có
sự trăn trở tìm tòi, sự nhanh nhạy của ban lãnh đạo, sự tận tụy trách
nhiệm của đội ngũ biên tập viên với khát khao cháy bỏng để làm ra những
trang sách hay cuốn sách đẹp thì hẳn quả ngọt trái thơm sẽ không đến với
Nhà xuất bản... Minh chứng cho điều này được rõ hơn khi chúng ta quay
ngược lại thời gian để thấy sức mạnh từ nội lực là nhân tố trước tiên
làm nên thương hiệu của Nhà xuất bản Hà Nội.
Những
ngày đầu mới thành lập không hẳn vì giám đốc Nhà xuất bản là ông Vũ Cao
- một nhà thơ nổi tiếng mà ở đó còn có đội ngũ biên tập viên có trình
độ, kinh nghiệm trong mảng công tác của mình và đặc biệt còn có người
đứng vững trong văn đàn cả nước như Hà Ân, Lê Bầu... đã đưa Nhà xuất bảnHà Nội vượt qua thời kỳ trứng nước và bước đầu khẳng định vị thế của một nhà xuất bản Thủ đô.
Sang
đến thời kỳ đổi mới chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, ngành
xuất bản nói chung và Nhà xuất bản Hà Nội nói riêng rơi vào cảnh lao đao
tưởng chừng không thể vượt qua. Để trụ được, Ban lãnh đạo đã nhanh nhạy
nhận việc để anh em làm gia công ấn phẩm nhằm có thêm thu nhập. Việc
này đã mang lại hiệu quả, đời sống của mọi người trong cơ quan ổn định
hơn, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Trong khó khăn Nhà xuất bản vẫn
không hề quên nhiệm vụ, chức năng của mình và Cuộc thi sáng tác về đề tài Hà Nội
từ năm 1992 đến 1993 do Nhà xuất bản Hà Nội đứng ra tổ chức là một bước
đã có chủ ý lấy lại hình ảnh của nhà xuất bản Thủ đô. Cuộc thi đã thu
hút nhiều cây bút trẻ và một số đã thành danh từ cuộc thi này như Nguyễn
Thị Thu Huệ (giải A), Y Ban, Võ Thị Hảo (giải B)...
Gần
chục năm trở lại đây, là công ty TNHH NN 1 thành viên Nhà xuất bản Hà
Nội trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng có những khoảng
lặng buồn, ấy là trước sự khó khăn trong tìm kiếm nguồn việc Ban lãnh
đạo Nhà xuất bản đã thí nghiệm giải pháp khoán lương buộc anh em phải
lao đi tìm việc. Mục đích một phần để mọi người cùng tháo gỡ khó khăn,
để cán bộ, biên tập viên năng động hơn, nhưng trong quá trình thực hiện
đã có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, đã có những mất mát nhất định, có
những hiểu lầm, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh... Đây là hệ
quả tất yếu bởi một nhà xuất bản địa phương, hoạt động trên lĩnh vực tư
tưởng chính trị văn hóa lại ở mô hình doanh nghiệp, nguồn việc không ổn
định. Nhưng thật đúng lúc và kịp thời khi Ban lãnh đạo có những điều
chỉnh, thay đổi cơ chế phù hợp với thực tế để mỗi người được phát huy
thế mạnh bản thân, đồng thời có được những kết quả mang tính đột phá như
6 tháng đầu năm 2013.
Sự
khởi sắc cũng như thành quả có được với Nhà xuất bản Hà Nội trong thời
gian qua ngoài yếu tố nội lực còn có sự quan tâm của các sở ban ngành và
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trong tương lai gần, ngành xuất bản
không dễ thoát khỏi cơn bĩ cực nên Nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô vẫn
mong tiếp tục nhận được sự quan tâm bằng nguồn việc ổn định, với những
đơn đặt hàng các ấn phẩm từ Thành phố.
Nhìn
lại ba mươi tư năm qua không thể phủ nhận những gì mà Nhà xuất bản Hà
Nội đã đóng góp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan
chính trị tư tưởng văn hóa của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Sự ghi nhận đó
là sự tin yêu, quý mến của độc giả Thủ đô và cả nước, sự tin tưởng của
nhiều văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, khoa học khi trao gửi những “đứa
con tinh thần” cho nhà xuất bản. Sự tin tưởng đặc biệt hơn khi Nhà xuất
bản Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
và tiếp tục thực hiện Dự án Tủ sách giai đoạn II. Đôi nét phác họa sự
hình thành, phát triển và cả những gì mà Nhà xuất bản Hà Nội đóng góp
trong việc thực thi chức năng nhiệm vụ của mình thiết nghĩ đó là thành
quả từ chính sức mình, từ chính yếu tố con người là chủ đạo.