Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 26/11/2013 08:17
Quốc hội thảo luận Luật Xây dựng sửa đổi: Quyền của dân, sao luật “bắt” phải xin?
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội góp ý Luật Xây dựng sửa đổi ngày 25.11, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ - Bình Phước cho rằng quy định trong dự thảo luật về “hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng” đã thể hiện tư duy xin - cho, trong lúc đây là quyền của người dân được pháp luật quy định.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch yêu cầu phải làm rất chặt khâu xin-cho trong cấp phép xây dựng. Ảnh: TTXVN

“Tôi đề nghị sửa “đơn xin cấp giấy phép xây dựng” thành “đơn cấp giấy phép xây dựng”, và tiêu đề Điều 88 về “quyền và nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng” thành “quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng” - bà nhấn mạnh.

Phải “cho, rồi cho nữa” mới được “xin”

Tán đồng ý kiến trên, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (TP.Hà Nội) nêu tình trạng xin-cho trong cấp phép xây dựng vẫn còn rất phổ biến.

“Các cơ quan xin mà không được cho, thì phải hiểu là cần phải cho, thậm chí cho nữa mới được xin. Vòng luẩn quẩn này luật đã nói nhưng vẫn chưa thể khắc phục được” – ông nói. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch yêu cầu phải làm rất chặt khâu xin-cho trong cấp phép xây dựng. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo phải đưa ra đủ các chế tài mạnh để các biện pháp tháo gỡ, giải quyết câu hỏi rất khó là tại sao 10 năm nay chúng ta chưa làm được và Chính phủ chỉ đạo công việc này như thế nào?” – ông nói.

Đại biểu Mỹ Lệ nêu bất cập trong dự thảo luật, khi yêu cầu người dân trước khi được cấp giấy phép xây dựng thì “bắt buộc phải xin phép duyệt thiết kế trước”. Bà cho rằng quy định này chỉ gây khó khăn, tốn kém cho người dân. Bên cạnh đó, đại biểu Mỹ Lệ phản đối việc dự thảo luật nêu điều kiện cấp phép xây dựng phải có nhà thầu thi công là hết sức vô lý, vì “chưa có giấy phép xây dựng thì cơ sở nào thuê nhà thầu thi công?”. “Tôi đề nghị dự thảo luật nên bỏ quy định này” – bà đề xuất.

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.Hồ Chí Minh) cũng cho rằng dự thảo luật quy định bản vẽ xây dựng phải chứng minh được điều kiện có nhà thầu thi công là trái luật. “ Việc quy định như trên dễ dẫn đến tiêu cực, gây khó khăn khi cấp giấy phép xây dựng cho người dân” – ông nhận định.

Công nghệ “bêtông cốt tre”...

Theo đại biểu Hoàng Hữu Phước, việc giám sát thi công là khâu quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhưng lại luôn bị xem thường hoặc lợi dụng, hoặc chỉ là hình thức cho vui. “Điều này dẫn đến việc đã có những cột mốc công nghệ bêtông cốt tre dọc xuyên quốc lộ, hay công trình xây nhà máy thủy điện bị xe tải hạng trung chạm vỡ như bánh bích quy, hoặc nước chảy lờ đờ”.

Ông yêu cầu cần siết chặt các quy định để “chủ đầu tư xây dựng có nghĩa vụ không được thông đồng hoặc dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt làm sai lệch kết quả giám sát”, đồng thời thêm các chi tiết nghiêm ngặt hơn vào dự thảo nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Đại biểu Hoàng Hữu Phước cũng đề nghị phải nhất thiết có các phần bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan và chất lượng các công trình phụ trợ trong phần nghiệm thu công trình. “Thực tế cho thấy, mỗi khi một công trình xây dựng hoàn tất luôn có cảnh nhếch nhác, rác rưởi, bụi bẩn. Còn công trình cầu vượt sông ở nhiều nơi là nơi tập kết rác và vật liệu xây dựng ngổn ngang ở các gầm cầu” – ông dẫn chứng.

Ông Hoàng Hữu Phước cho rằng: Phải ấn định việc tạo cảnh quan cho công trình là trách nhiệm đương nhiên của bên nhận thầu đối với môi trường, không được tính chi phí trong giá trị thi công của hợp đồng. “Ăn bát phở mà đòi thêm tiền cho tranh ảnh trang trí, quét rác, lau sạch bàn ghế sau mỗi lần phục vụ thực khách thì không phải” – ông ví von.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) quan ngại “năng lực các ban quản lý dự án rất kém, đặc biệt dự án Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc (Hà Nội). “Hiện nay chúng ta đã tổ chức đến 3 - 4 lần, thay đến 4 đồng chí làm trưởng ban quản lý rồi, nhưng bây giờ vẫn chưa triển khai được và sau 12 năm thì dự án này gần như vẫn đang giẫm chân tại chỗ” – ông nói.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân ít nhất 1 ngày/tháng

Chiều 25.11, Luật Tiếp công dân đã được Quốc hội thông qua với 84,14% số phiếu tán thành. Theo đó luật quy định người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, chủ tịch UBND tỉnh ít nhất trực tiếp tiếp dân 1 ngày/tháng, bắt đầu từ đầu tháng 7.2014. Chủ tịch UBND xã phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần, chủ tịch UBND huyện 2 ngày/tháng. Luật bổ sung Ban Nội chính cấp T.Ư và tỉnh phải tiếp công dân thường xuyên. A.P

Đóng tiền thay thế thực hiện nghĩa vụ quân sự

Trước một số ý kiến của ĐBQH cho rằng, khi xây dựng Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) nên nghiên cứu quy định cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực hiện NVQS, sáng 25.11, bên hành lang QH, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã bày tỏ chính kiến về việc này.

Phó Chủ tịch QH cho rằng không nên quy định nghĩa vụ thay thế vào Hiến pháp, vì Hiến pháp chỉ quy định nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thực hiện NVQS, đó là trách nhiệm thiêng liêng cao quý của mỗi công dân, cho nên chỉ quy định NVQS đối với công dân chứ không nên quy định nghĩa vụ thay thế.

“Sau này khi nghiên cứu Luật NVQS sẽ căn cứ vào thực tiễn để quy định trường hợp cụ thể để quy định vào trong luật, chứ không đưa vào Hiến pháp” – Phó Chủ tịch QH nói. Trước câu hỏi: Nếu quy định muốn không thực hiện NVQS thì phải nộp một khoản tiền, như vậy sẽ trở nên thương mại hóa hoạt động này?

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, việc gìn giữ, bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi người dân Việt Nam; vì vậy mỗi công dân có nghĩa vụ thực hiện Luật NVQS. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng có hàng triệu thanh niên đến tuổi thực hiện NVQS, nhưng chỉ tuyển chọn được một số để thực hiện nghĩa vụ này, như vậy là thiếu công bằng cho người không thực hiện NVQS. “Theo tôi, khi nghiên cứu xây dựng dự thảo luật nên tính vào điều kiện cụ thể để tìm một hình thức đóng góp công sức phù hợp đối với những người không đủ tiêu chuẩn thực hiện NVQS. Vì lẽ đó, khi soạn thảo dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) chúng tôi tiếp thu ý kiến của ĐBQH không đưa vấn đề này vào Hiến pháp” – Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết. C.T



(Theo laodong.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)