Tôi sai và sách đúng
“Lên lớp 9, vì học dốt quá nên tôi
thi trượt cấp 3. Bố tôi không nói lời nào, lôi tôi ra đánh cho một trận
“Tại sao mày ngu thế?…”. Sau trận đòn ấy, bố mua 200 con gà Tam Hoàng
và 4 con lợn rồi dồn hết vào căn nhà cấp 4 và nói: “Loại như mày ở nhà
nuôi gà, nuôi lợn thôi con ạ… Học làm gì…”. Ngày ngày tôi nuôi gà, nuôi
lợn và đọc truyện của chú Nguyễn Nhật Ánh. Bây giờ tôi còn nhớ như in
cảm giác khó diễn tả khi đọc cuốn Còn chút gì để nhớ. Một thằng con trai
chưa hiểu đời, chưa biết chuyện tình cảm khi đọc đến đoạn nhân vật Trâm
gửi lá thư cho Chương, tôi ngồi khóc. Nhân vật Chương khóc thì nước mắt
của tôi cũng rơi ướt hết cả mấy trang truyện… Tôi lại muốn đi học, muốn
giống như những nhân vật trong truyện, được cắp sách đến trường, được
yêu đương, được vui đùa chứ không muốn ở nhà nuôi gà, nuôi lợn”.
|
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (trái) trao giải nhất cho họa sĩ Lê Mạnh Tân. |
Trên đây là một phần trong
bài viết đoạt giải nhất cuộc thi “Nguyễn Nhật Ánh và tôi” của họa sĩ Lê
Mạnh Tân và có lẽ bạn đọc cũng đoán được kết quả sau đó của câu chuyện,
Tân đi học bổ túc và thi đậu vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tốt
nghiệp và hiện có xưởng vẽ riêng tại Hà Nội. Trong buổi lễ trao giải
cuộc thi, bố của Tân, nhân vật cũng có trong bài viết đã thẳng thắn thừa
nhận: “Cách làm của tôi chỉ là sự bực tức nhất thời, cực đoan và chưa
đúng, điều đúng nhất có lẽ chính ở những tác phẩm mà con tôi đã đọc khi
đó”.
Sau gần 5 tháng phát động (6-2013 đến 11-2013), cuộc thi đã
nhận hơn 1.000 bài viết tham dự và 3 bài viết xuất sắc đã được trao
giải. Ngoài bài viết đoạt giải nhất kể trên, 2 bài viết còn lại cũng
phản ánh ảnh hưởng của sách đến với cuộc đời họ dù mỗi người một câu
chuyện khác nhau. Câu chuyện đoạt giải nhì của tác giả Nguyễn Thị Ngân
hiện đang sống ở Vĩnh Phúc kể về tuổi thơ khi bố mẹ Ngân vào miền Nam
kiếm sống. Chị em ở lại quê nhà luôn quay quắt nỗi lo bố mẹ nơi đất
khách quê người, cho đến khi mẹ Ngân gửi về cho các con những cuốn sách
trong bộ truyện Kính Vạn Hoa. “Tập truyện đã giúp tôi hình dung về một
thành phố nhộn nhịp nhưng cũng ấm áp tình thân, những con người xởi lởi
nhưng cũng rất nghĩa tình. Hình dung ấy giúp tôi yên tâm hơn về thành
phố mà bố mẹ tôi đang mưu sinh”. Dù rằng khi viết bài gửi dự thi, bố mẹ
đã trở lại quê, cô bé Ngân năm nào giờ đã là sinh viên đại học nhưng dấu
ấn sự bình yên mà các cuốn sách đã mang lại cho những đứa bé năm xưa
vẫn còn được ghi nhớ mãi.
Tác giả đoạt giải ba lại là một dấu ấn
hạnh phúc khi những trang sách đã mang lại người bạn đời cho cô gái Trần
Thị Tuyết Mơ (Quảng Bình). Mê sách, mê đọc và cô đã gặp một chàng trai
cũng mê đọc như mình. Từ những chuyện bàn về nhân vật, tác phẩm, đổi
sách cho nhau họ đã trở nên thân thiết và cuối cùng đã đến với nhau.
Người trẻ và sách
“Văn chương vẫn có chỗ đứng, vẫn
rất cần trong thế kỷ 21 đầy biến động này” - đó là câu kết trong phần
nhận xét của ban giám khảo cuộc thi.
Và điều đó càng được khẳng
định hơn khi tại đại sảnh NVH Thanh niên trong ngày trao giải “Nguyễn
Nhật Ánh và tôi” đông nghịt người, tất cả đều là người trẻ. Và hơn 1.000
bài viết gửi về, phần lớn cũng của người trẻ, 3 bài viết đoạt giải đều
là của những thanh niên, người vừa ra trường, người còn ngồi ghế giảng
đường.
Và ngay trong lễ trao giải còn nhiều câu chuyện được kể
ra, một bạn nữ miền Trung, nhà nghèo phải lân la tìm cách làm quen thủ
thư để được đọc sách, đọc lén, đọc trộm trong những điều kiện không tốt
nên mắt sớm cận. Vào đại học, lên thành phố lại tìm đến tiệm để mua sách
mới, tìm và gặp bằng được tác giả chỉ để hỏi một câu: “Nhân vật trong
truyện của chú có thật không?”.
Rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm,
nhiều bài báo đã lên tiếng cảnh báo, kêu cứu về tình trạng người trẻ
ngày càng ít đọc sách khi xung quanh họ tràn ngập các loại hình giải trí
hấp dẫn khác. Thế nhưng, qua cuộc thi “Nguyễn Nhật Ánh và tôi” đã cho
thấy một hiện thực khác, vẫn có người đọc, vẫn sống với những nhân vật,
với những cuộc đời trên trang sách. Những cuốn sách ảnh hưởng không nhỏ
đến sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người trẻ. Có lẽ vấn đề chỉ
ở chỗ có bao nhiêu tác phẩm làm được điều đó, có thể khiến bạn đọc khóc
cười cùng nhân vật, làm cho bạn đọc trăn trở từ khi còn bé đến lớn rằng
“không biết các nhân vật có thật hay không?”.
Một con én không
làm nên mùa xuân, một Nguyễn Nhật Ánh không thể đủ sức làm thay đổi cả
một thói quen đọc, nhưng ít nhất qua cuộc thi đã cho thấy một điều,
người trẻ vẫn đọc sách, yêu sách nếu trao cho họ những cuốn sách hay
thật sự.
(Theo sggp.org.vn)