Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu thông qua Hiến pháp sửa đổi sáng 28-11 - Ảnh: Việt Dũng
Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng
28-11 gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp
năm 1992). Nhìn chung, Hiến pháp (sửa đổi) kế thừa những nội dung cơ
bản của Hiến pháp năm 1992, được hoàn thiện và bổ sung thêm một số quy
định.
Theo nhiều chuyên gia, điểm mới và cũng là điểm nhấn
quan trọng nhất của Hiến pháp (sửa đổi) là đã thể hiện nguyên tắc “kiểm
soát” quyền lực nhà nước, thể hiện tại Khoản 3, Điều 2: “Quyền lực nhà
nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ
quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp”.
Điều 4, ngoài các quy định như Hiến pháp năm 1992 là
“Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng
thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam,
đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động
và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; “Các tổ
chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ
Hiến pháp và pháp luật”; Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung trách nhiệm của
Đảng, được quy định tại Khoản 2: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật
thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân,
chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Một trong những điểm nhấn quan trọng nữa là Hiến pháp
(sửa đổi) đã dành riêng một chương để quy định về quyền con người, quyền
công dân.
Theo đó khẳng định (Điều 14): Ở nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị,
dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo
đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có
thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý
do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã
hội, sức khỏe của cộng đồng.
Các quyền cơ bản như “quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” tiếp tục được
khẳng định và quy định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định”.
Hiến pháp (sửa đổi) cũng thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn
vai trò của Chủ tịch nước, đặc biệt là trong việc thống lĩnh lực lượng
vũ trang.
Khoản 5 Điều 88 quy định Chủ tịch nước “Thống lĩnh lực
lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an
ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô
đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân
Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ
Quốc hội công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh;
căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ra lệnh tổng động
viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong
trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được công bố, bãi bỏ
tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”.
10g sáng 28-11, Quốc hội với 488 đại biểu có mặt, đã
biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59% đại biểu tán
thành. Không có đại biểu nào không tán thành. Chỉ có hai đại biểu không
biểu quyết.
(Theo tuoitre.vn)