Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 29/11/2013 08:16
GS Lân Dũng: Người Việt sẽ nắm tay nhau vượt thiên tai thảm khốc
Theo GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, cả dân tộc Việt Nam sẽ nắm tay nhau lại để đối mặt với thiên tai nếu rơi vào thảm họa thiên nhiên như Philippines hay Nhật Bản.

Sau cơn bão Haiyan, người dân Philippines rơi vào cảnh khốn cùng, người dân tranh giành nhau cướp bóc tại siêu thị, cửa hàng; để có cái ăn một nhóm người cướp kho lương thực dưới sự ngăn chặn của quân đội; người với người chen nhau để được lên máy bay cứu trợ....

Những cảnh tượng đau lòng ấy khiến chúng ta nhìn lại cách ứng phó thiên tai của người Nhật trong trận sóng thần năm 2011. Người dân Nhật bình tĩnh, lạc quan, đoàn kết vượt qua thiên tai, khó khăn là bài học về tinh thần dân tộc mà không phải đất nước nào cũng có được.

Đặt giả thuyết, Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh ấy, liệu người Việt sẽ đối phó như thế nào với thiên tai và có cách hành xử như thế nào với “nhân tai”? Sẽ như người dân Philippines hay Nhật Bản?

Trao đổi với chúng tôi, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Người Việt Nam có truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Tôi tin, họ sẽ nắm tay nhau lại để vượt qua khó khăn, thiên tai”.

GS Nguyễn Lân Dũng nói về cách hành xử của người Việt khi đối mặt với thảm họa thiên tai.

GS Nguyễn Lân Dũng nói về cách hành xử của người Việt khi đối mặt với thảm họa thiên tai.

Người Việt Nam sẽ cùng nắm tay nhau!

Ông đã từng vạch ra 5 tật xấu của một bộ phận người Việt là ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa “đồng bào”. Vậy ông có cho rằng, liệu người Việt có chà đạp, tranh giành, giết lẫn nhau để sinh tồn trong những hoàn cảnh sóng thần của Nhật, siêu bão ở Philipines không?

GS Nguyễn Lân Dũng: Đừng lo chuyện đó. Tôi nói là chỉ một bộ phận có những tật xấu như vậy, chứ người Việt Nam mình nói chung rất tốt và có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.

Trong hoàn cảnh như vậy, Việt Nam chắc sẽ khá an toàn, không có sự cố gì lớn xảy ra như vậy. Cũng giống như sự kiện hàng triệu người xếp hàng vào viếng tại nhà riêng cũng như tại lễ tang và đứng dọc hai bên đường cả ở Hà Nội lẫn Quảng Bình để kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nói “dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau lại”.

Tôi tin, khi đối mặt với tai nạn thiên nhiên thảm khốc, người dân cả nước cũng sẽ nắm tay nhau lại như vậy! Trước những khó khăn, những thách thức lớn, bao giờ cũng làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của cả dân tộc, làm sống lại truyền thống tốt đẹp giống như trong thời chiến tranh trước đây.

Thời xưa, khi cuộc sống còn đói khổ, tình người Việt đối với nhau như thế nào thưa ông?

GS Nguyễn Lân Dũng: Trong kháng chiến chống Pháp ai cũng nghèo. Bố tôi làm nhiệm vụ quản lý giáo dục Liên khu X và sau đó là Liên khu Việt Bắc. Với số lương tính bằng thóc hết sức ít ỏi, cha tôi phải đạp xe đi kinh lý các trường trong toàn liên khu, để lại có 33 cân gạo để mẹ tôi nuôi cả một đàn con. Thời kháng chiến, tôi nhớ là hầu như không ai phải khóa cửa, khóa cổng, không ai lấy trộm của ai, mặc dù mọi người nghèo hơn rất nhiều so với bây giờ. Rồi người dân còn phá nhà để có vật liệu lót đường cho bộ đội hành quân, tình quân dân thắm thiết thật không sao lường nổi.

Gần đây, báo chí đưa tin người dân ồ ạt chen lấn tại tiệm sushi ở Hà Nội, rồi giành đồ ăn tại quán buffet ở TPHCM, tình trạng hôi của người gặp tai nạn khiến dư luận bức xúc. Phải chăng, nếu hoàn cảnh còn đẩy họ giữa ranh giới giữa sống và chết, họ sẽ hành động thiếu lý trí, phần “con” sẽ nhiều hơn phần “người” cũng giống như người dân thành phố Tabogan sẵn sàng cướp bóc, tranh giành nhau không?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi không hề bi quan về người Việt Nam mặc dù xã hội còn không ít những chuyện tiêu cực. Bao giờ cũng có người xấu người tốt, những trường hợp hôi của, cướp bóc khi có thiên tai, hỏa hoạn thường rất ít xảy ra. Trong khi trên báo chí, trên các trang mạng xã hội thường xuyên có những lời kêu gọi cá nhân, tổ chức chung tay giúp đỡ đồng bào lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh, nạn nhân chất độc da cam, học sinh sinh nghèo vượt khó …  

Khi gặp thiên tai, quân đội có vai trò hết sức lớn trong việc ứng phó. Bộ đội với truyền thống vì dân lúc nào cũng sẵn sàng ra sức cứu giúp người gặp nạn và giải quyết chuyện phục hồi của dân sau các trận lụt bão. Rất nhiều tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tương thân tương ái, như chuyện ông Nguyễn Tài Dũng trực tiếp mang mì tôm, nước uống ra thị xã Hoàng Mai trong đêm để cứu dân và đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. 

Rồi đến tai nạn bất ngờ trên đường về sau khi tác nghiệp trong cơn bão Haiyan đã khiến nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (sinh năm 1986) của Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Hay như chuyện  em Nguyễn Văn Nam - học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) đã dũng cảm hy sinh sau khi cứu được 5 bạn nhỏ thoát khỏi dòng nước xiết... Việc người dân Philipin phải đối mặt với cơn bão Hải Yến tàn khốc chính là bài học cảnh báo cho người dân Việt Nam trong việc ứng phó với những thiên tai khó lường trước.

Người dân Philippines hỗn loạn, tranh giành, cướp bóc để sống sót qua cơn bão.
Người dân Philippines hỗn loạn, tranh giành, cướp bóc để sống sót qua cơn bão.

Đó là những bài học, kinh nghiệm gì thưa ông?

GS Nguyễn Lân Dũng: Dân chúng Philipin quá thiệt thòi vì luôn ở trung tâm của các trận bão nổi lên từ Thái Bình Dương. Gần như họ đã gánh chịu trước cho nước ta trong các cơn bão. Tôi cảm thấy họ không chuẩn bị tốt bằng dân ta. Họ không làm kịp việc di chuyển dân cư tại các vùng có nguy cơ lớn về bão hay sạt lở đất.

Việt Nam nên rút kinh nghiệm để có thể chuẩn bị ứng phó tốt hơn trước các cơn bão hay sóng thần đổ về từ Thái Bình Dương. Tôi nghĩ là chúng ta cần gấp rút nghĩ đến chuyện làm đê bao biển như dự kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cần chuẩn bị tốt công tác hậu bão về y tế để sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh xuất hiện, phải có kho lương thực, thực phẩm tại từng địa phương để khi có thiên tai, bà con chỉ góp tiền gửi vào ngân hàng nơi có thiên tai chứ không cần vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men từ xa đến. Cần kịp thời công bố công khai mọi sự thiện nguyện và kỷ luật rất nặng những người vô lương tâm đã cố tình chiếm đoạt bớt tiền hay hàng tri viện cho những vùng bị thiệt hại nặng nề.

Tại sao người Nhật làm được?

Câu chuyện về tinh thần của người Nhật khi đối diện với thiên tai khiến bạn bè thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ về tinh thần đoàn kết, bình tĩnh, lạc quan, về văn hóa xếp hàng nhận lương thực, chia nhau đồ cứu trợ…Tại sao họ lại làm được như thế thưa ông?

GS Nguyễn Lân Dũng: Theo tôi họ có lòng tin, niềm tin vào Chính phủ, tin vào con người. Thiết nghĩ, Việt Nam cũng cần phát huy niềm tin, kể cả niềm tin tín ngưỡng hay tôn giáo của người dân. Nên biết sợ tai họa theo luật nhân quả và có lòng tin rằng giúp người khi hoạn nạn là phúc đẳng hà sa...

Người Nhật thường nói: “Tinh thần của một đứa trẻ 3 tuổi sẽ theo nó đến khi 100 tuổi”. Vậy, theo ông có phải cách mà họ đối mặt với thiên tai được hình thành từ phương pháp giáo dục con người từ khi còn nhỏ?

GS Nguyễn Lân Dũng: Chắc chắn là như vậy. Tôi đã đến làm việc tại Nhật nhiều lần. Chỉ nhìn những người trên metro đủ thấy chất lượng giáo dục đối với thanh niên của họ. Hầu như ai cũng cầm sách báo trên tay để tranh thủ đọc và khi cần gọi điện thoại thì họ nói hết sức khẽ để chẳng làm ảnh hưởng đến ai. Việc tự đứng dậy nhường chỗ cho người già, trẻ em hay phụ nữ mang thai là chuyện quá phổ biến.

Lòng tốt cần được hình thành thông qua giáo dục của gia đình, của nhà trường và của xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Ở nước ta, trước hết người lớn, người có chức có quyền phải là những tấm gương về lòng nhân ái cho lớp trẻ noi theo. Khi đứa trẻ mất đi lòng tin thì sẽ dần dần hình thành nên các thói hư, tật xấu thậm chí còn có thể dẫn đến tội ác.

Bao giờ ánh sáng cũng đẩy lùi bóng tối và tre càng non càng dễ uốn. Công cuộc Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 vừa qua nhấn mạnh đến việc chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân).

Trân trọng cảm ơn GS!


(Theo soha.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)