Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 24/02/2014 09:57
Công cuộc khai phá những “điều bí ẩn” về Thăng Long - Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tại Lưu trữ Hải ngoại quốc gia Pháp (ANOM)
Sau những thành công của cuốn sách ““Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954” đã được xuất bản trong giai đoạn I, ở giai đoạn II của của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, TS. Đào Thị Diến tiếp tục đào sâu hướng nghiên cứu của mình đối với nguồn tư liệu được lưu trữ ở phương Tây.

Điều này bắt nguồn từ một thực tế là có một khối lượng tương đối lớn tài liệu, trong đó có cả bản đồ và ảnh về Hà Nội thời thuộc địa hiện đang được bảo quản tại các kho lưu trữ ở nước ngoài, trong đó có Archives Nationales d’Outre Mer ở Aix- en Provence (CH Pháp) cho đến nay vẫn còn là “điều bí ẩn” đối với đa số các nhà nghiên cứu người Việt Nam chuyên nghiên cứu về xã hội Việt Nam thời cận đại nói chung, về Hà Nội nói riêng. Việc khai thác sâu nguồn tư liệu này sẽ bổ sung và từng bước góp phần hoàn thiện kho dữ liệu về thủ đô Hà Nội, phục vụ cho việc nghiên cứu và “khắc họa diện mạo Thủ đô 1000 năm lịch sử đầy đủ hơn”; cung cấp cho các nhà nghiên cứu những thông tin về Hà Nội và rộng hơn là về xã hội Bắc Kỳ thời cận đại hiện đang được lưu trữ ở bên kia bán cầu mà không phải người nghiên cứu nào cũng có điều kiện để tiếp cận.

Sau khi Nhà xuất bản Hà Nội và người chủ trì xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyến khảo sát tư liệu được thông qua, TS. Đào Thị Diến đã bắt tay vào công việc điều tra sưu tầm tại Lưu trữ Hải ngoại quốc gia Pháp (ANOM). ANOM được chọn làm nơi điều tra, khảo sát và khai thác tài liệu về Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với một lý do vô cùng đơn giản. Đó là vì ANOM lưu giữ một nguồn tài liệu khổng lồ về Việt Nam. Tuy vậy tài liệu lưu trữ có liên quan đến Hà Nội thời kỳ thuộc địa lại không có trong một phông riêng biệt mà ở tản mát trong hầu hết các phông ở ANOM. Chính vì thế TS. Đào Thị Diến đã gọi công cuộc khảo sát của mình ở ANOM là “đãi cát tìm vàng”. Nhưng, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của TS. Đào Thị Diến đã được “trả công” xứng đáng và cuộc “đãi vàng” gian nan này đã mang về “kho vàng giá trị”. Kết quả của công việc điều tra, khảo sát này là một danh mục gồm trên 300 hồ sơ tài liệu có liên quan đến Hà Nội thời kỳ thuộc địa về thành Hà Nội; trường học và giáo dục; triển lãm, hội chợ; các phái đoàn thám sát; chùa; nhà tù… Ngoài ra còn có một số bản đồ Hà Nội có các niên đại sớm, trong đó sớm nhất vào năm 1885 (HN và vùng phụ cận); HN 1890, 1891… được thực hiện bởi Bureau Topographique des Troupes de l’Indochine (1886-1899) và sau đó bởi Service Géographique de l’Indochine (1889-1955).

Từ số lượng hồ sơ đã được lập danh mục, TS. Đào Thị Diến đã chụp được 5632 trang tài liệu, trong đó có cả những tài liệu chưa đến thời hạn công bố (Fonds du Haut Commissaire de France de l’Indochine đến 2014 mới được khai thác), chưa tính đến số trang chụp từ bản đồ Hà Nội từ những năm 1885-1899… Hầu hết những tài liệu khai thác được đều là những tài liệu không có ở Việt Nam. Đặc biệt, trong quá trình khai thác tài liệu, TS. Đào Thị Diến còn phát hiện được 3 tài liệu châu bản triều Nguyễn liên quan đến Hà Nội không nằm trong danh mục tài liệu châu bản ở Hà Nội và sơ đồ khu nhượng địa cùng sơ đồ khu Trường Thi mà triều Nguyễn đã nhượng cho Pháp những ngày đầu Pháp chiếm đóng Hà Nội.

Có thể nói khối tư liệu TS. Đào Thị Diến khai thác được trong chuyến khảo sát tại ANOM vừa qua là những tài liệu quý và đặc biệt có giá trị. Trước hết là vì đó là nguồn tài liệu gốc, có độ tin cậy cao và chỉ có ở ANOM. Thứ hai, đó là những thông tin quý không chỉ đóng góp về mặt khoa học mà nó còn có giá trị về mặt chính trị (tài liệu về các cuộc đấu tranh của sinh viên các trường thuộc Đại học Đông Dương và các tổ chức xã hội ở Hà Nội thời kỳ sau Hiệp định đình chiến 1954 của Fonds du Haut Commissaire de France de l’Indochine là một thí dụ điển hình). Đây sẽ là nguồn tư liệu quý cho các đề tài nghiên cứu về Hà Nội thời cận đại nói riêng, về lịch sử Việt Nam nói chung.

Trên cơ sở của những tài liệu đã được khai thác tại ANOM lần này, Nhà xuất bản Hà Nội và chủ nhiệm đề tài sẽ có kế hoạch tổ chức dịch và biên soạn một tuyển tập tài liệu lưu trữ về Hà Nội được bảo quản tại ANOM. Chắc chắn cuốn sách này sẽ có nội dung thiết thực, giúp các nhà nghiên cứu, ngay cả những nhà nghiên cứu không sử dụng tiếng Pháp có điều kiện tiếp cận tài liệu gốc. Cuốn sách sẽ góp phần làm phong phú thêm kho dữ liệu về Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của độc giả trong nước và bạn bè quốc tế về lịch sử và văn hóa của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)