Câu hỏi: Người Hà Nội có văn hóa đọc không, thưa tiến sĩ?
TS Nguyễn Mạnh Hùng:Cá nhân tôi khẳng định là có. Hà Nội có thể nói là nơi đọc sách nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, lại không phải nơi mua nhiều sách nhất. Người Hà Nội thích đọc sách nhưng ngại bỏ tiền ra mua sách. Các bạn có thể dễ dàng chi vài trăm nghìn cho ăn uống, mua sắm giày dép, quần áo... nhưng lại tiếc khi bỏ chi phí cho sách vở.
Câu hỏi: Vậy, theo tiến sĩ, giới trẻ Hà Nội có đọc sách không?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Có. Các bạn trẻ Hà Nội rất chăm đọc sách, nhưng thích đọc sách... "miễn phí". Nếu vào các ngôi nhà của người Hà Nội xưa thì hầu hết các gia đình đều có tủ sách trong phòng. Ngày nay, nhiều bạn trẻ sinh sống, làm việc ở Hà Nội mải mê vui chơi, kiếm tiền, mua nhà... mà chưa quan tâm, đầu tư cho sách. Nhiều gia đình cũng chưa để ý, tạo điều kiện cho con cái mua sách, đọc sách. Sách hay không phụ thuộc vào độ dày hay mỏng, tác giả nước ngoài hay trong nước mà quan trọng là nội dung của nó và phải đọc.
Câu hỏi: Vậy, xin tiến sĩ cho biết, các bạn trẻ nên lựa chọn sách gì để đọc?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Người biết đọc sách là người biết loại sách. Có những sách cần đọc và những sách không cần thiết. Có người đã nói đại ý rằng "Án tử hình chỉ giết một người. Nhưng sách sai thì giết muôn người". Nhiều người trẻ bây giờ thích đọc sách mang yếu tố bạo lực, "sex" hoặc giải trí đơn thuần. Sách là con dao hai lưỡi. Nếu nội dung cuốn sách kém giá trị thì cũng sẽ tác động xấu đến người đọc nó. Vì vậy, các bậc phụ huynh bây giờ cần cẩn trọng khi mua sách, chọn sách cho con.
Câu hỏi: Trên thị trường hiện có hàng triệu đầu sách, thậm chí, về một chủ đề nhưng cũng có rất nhiều cuốn khác nhau. Vậy, có cách nào để chọn được sách tốt, thưa tiến sĩ?
TS Nguyễn Mạnh Hùng:Cả nước hiện có khoảng 64 nhà xuất bản và hàng trăm nhà sách. Trong đó, có không ít những cuốn sách được làm cẩu thả, không phù hợp. Vì vậy, để chọn được một cuốn sách ưng ý, trước hết phải chọn nhà xuất bản, công ty sách có uy tín để bảo đảm sự biên soạn, dịch... chuẩn. Sau đó là tìm hiểu các thông tin về tác giả, tác phẩm cũng như đọc các lời nhận xét, bình luận của những người am hiểu. Từ đó sẽ có những đánh giá cơ bản, giúp quyết định việc cuốn sách này có đáng mua hay không.
Câu hỏi: Theo tiến sĩ, cách đọc sách như thế nào để các bạn trẻ có thể nắm bắt được nội dung của sách?
TS Nguyễn Mạnh Hùng: Trong quá trình học tập, nghiên cứu cũng như tìm hiểu, các bạn trẻ sẽ phải đọc rất nhiều sách. Tuy nhiên, khả năng ghi nhớ của các bạn hiện giờ chưa tốt. Để nắm bắt được tốt nhất nội dung một cuốn sách, khi đọc, các bạn nên tìm các từ khóa trong từng câu, ý chính trong từng đoạn. Đánh dấu nó hoặc ghi chép lại để nhớ các ý cốt lõi.
Ở nước ngoài thường có các khóa ngắn hạn hướng dẫn cách đọc sách. Ở Việt Nam thì chưa có, mà mới chỉ có dạy "đánh vần". Khi đọc, các bạn không nên đọc thành tiếng, không đọc từng từ mà đọc theo cụm từ, không đọc ngược lại. Mỗi khi đọc xong thì phải tóm tắt được nội dung cuốn sách đó, đúc rút ra để nhớ lâu.
Thỉnh thoảng phải đọc lại để nhắc nhớ, tránh bị quên.
Câu hỏi: Nhiều bạn trẻ cảm thấy các sách về nguyên tắc sống, cách tư duy dường như khó áp dụng trong thực tế. Đồng thời, cá tính tuổi trẻ cũng không muốn ép mình vào những nguyên tắc cho nên đã quay sang các thể loại sách như ngôn tình, tiểu thuyết tình cảm ủy mị,... tiến sĩ có lời khuyên gì với các bạn trẻ này?
TS Nguyễn Mạnh Hùng:Có hai thứ tuổi trẻ cần có, một là "tình thương", hai là "trí tuệ".
Tình thương hay sự yêu thương sẽ là động lực cho bạn. Trí tuệ để bạn biết phân biệt đúng sai, từ đó dẫn đến hành động phù hợp. Trong mỗi người, cái "tâm" thường hay kéo bản thân sa ngã theo những thứ dễ dãi, mang tính hưởng thụ. Vì vậy, các bạn hãy sáng suốt, đúng đắn tìm đọc những gì bổ ích cho tâm hồn, cho cuộc đời mình.