Những tư liệu, hiện vật quý này là vốn di sản quý, được lựa chọn từ Thư viện Quốc gia, cùng nhiều bảo tàng, thư viện lớn khác trên cả nước.
Ngoài những hiện vật vô giá như sắc phong của vua, mộc bản... Triển lãm còn trưng bày nhiều tư liệu phong phú theo các nội dung như: “Lịch sử của sách”, “Hà Nội qua những trang sách”...
Nếu như phần “Lịch sử của sách” giới thiệu về sự hình thành của những kho tàng kiến thức từ xa xưa, được trình bày trên nhiều loại chất liệu như đất nung, lá buông, lá tre... thì “Hà Nội qua những trang sách” lại đưa khách tham quan trở về với Thủ đô của những ngày tháng xưa.
Sự đa dạng trong cách sắp xếp, trình bày của các gian triển lãm này được thể hiện rõ nét qua các hiện vật quý như mộc bản, giấy dó... Không chỉ vậy, hàng chục cuốn sách với đề tài Hà Nội bằng Pháp ngữ, quốc ngữ trong các giai đoạn chống giặc ngoại xâm cũng được trưng bày, góp thêm sự phong phú cho Triển lãm.
Triển lãm sẽ kéo dài trong suốt thời gian diễn ra Ngày Hội sách (từ 26-9 đến 2-10).
Hình ảnh một số hiện vật quý tại đây:
Ngoài khổ lớn, “Chiếu dời đô” còn được trưng bày các trích đoạn cùng với bộ bút, nghiên ngự dụng.
Ba trong số một nghìn tấm mộc bản kinh Phật đang được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đây là những “cuốn sách” đầu tiên, chứa đựng những tư tưởng quan trọng trong triết lý Phật giáo Việt Nam.
Bản sao Sắc phong của vua cho đệ nhất giáp Tiến sĩ Nguyễn Huy Oánh làm Thượng thư bộ Lễ, kiêm Tế tưu Quốc Tử Giám vào ngày 29 tháng mười năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).
Tại triển lãm, các bản sách cổ làm từ nhiều loại chất liệu được trưng bày một cách đa dạng. Trong ảnh là sách lá buông, được xâu thành một tập dày, có thể mở ra như chiếc quạt, cả hai mặt đều có chữ Thái cổ.
Bài tựa ngự chế - bài văn do vua viết - được Thư viện Quốc gia Việt Nam sao và phục chế theo nguyên mẫu bằng đồng, dài 18 trang, trên khắc chữ Nôm. Với nội dung về hoàng tộc họ Nguyễn, bài tựa này được sửa và bổ sung vào ngày 7 tháng 12 năm Tự Đức thứ XIII - tức năm 1860.
Sách cổ trong kho sách Hán Nôm, trong đó có nhiều cuốn An Nam đại cảo kỳ - sách ghi chép về hình thể, địa mạch, phong thủy các địa phương như Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh... được viết bằng thể thơ bốn chữ, có hình vẽ minh họa. Nhằm bảo quản lâu dài và phổ biến rộng rãi kiến thức mà không phải sử dụng nhiều đến bản gốc, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã số hóa và đưa vào phục vụ trực tuyến được trên 220.542 trang.
Cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” - bộ quốc sử của dân tộc, được nhiều nhà sử học nổi tiếng thời phong kiến biên soạn, ghi lại lịch sử đất nước từ khi khởi thủy đến hết đời Lê Gia Tông Mỹ Hoàng Đế.
Tất cả các điều khoản, nghi thức cúng lễ Văn Miếu thành và đền Khải thánh tại Kinh đô xưa.
Bộ sưu tập sách Đông Dương - kho tư liệu lịch sử, văn hóa, địa lý từ thế kỷ 17 đến năm 1954 bằng Pháp ngữ cổ quý hiếm. Khoảng hơn 195 nghìn trang tài liệu này đã được số hóa và đưa lên mạng trực tuyến phục vụ bạn đọc.
Những cuốn sách viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên.