Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 08/06/2015 11:36
Du lịch qua những con số

Được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hơn 2 năm qua du lịch Việt Nam vẫn chưa cho thấy có sự bứt phá mạnh mẽ và có nguy cơ bị nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia "vượt mặt”. Đáng lo ngại, tăng trưởng ngành du lịch năm 2014 chỉ còn 4% và 4 tháng đầu năm 2015, giảm 12,8%.

 

Ẩm thực được coi là thế mạnh của du lịch, nhưng chưa được phát huy

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định sẽ phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

Không thể phủ nhận, ngành du lịch đã có những bước tiến đáng kể và để lại được những dấu ấn ngoạn mục về sự tăng trưởng liên tục nhiều năm. Số liệu thống kê cho biết, từ năm 2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh liên tục, đạt 5.049.855 lượt (năm 2010), 6.014.032 lượt (năm 2011) và 6.847.678 lượt (năm 2012). Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa cũng tăng nhanh chóng: trên 28 triệu lượt (năm 2010), 30 triệu lượt (năm 2011) và 32,5 triệu lượt (năm 2012). Sự tăng trưởng đó giúp cho tổng thu của ngành công nghiệp không khói cũng "ấm dần” theo thời gian khi đạt 96 nghìn tỷ đồng (năm 2010), 130 nghìn tỷ đồng (năm 2011) và 160 nghìn tỷ đồng (năm 2012), chiếm tỷ trọng hơn 5% trong GDP cả nước.

Tuy nhiên, "ánh hào quang” ấy không còn thực sự tỏa sáng khi tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2014 chỉ còn 4%. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2015, tăng trưởng  của ngành đã giảm 12,8%. "Chúng ta đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm trong năm 2015”- ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã bày tỏ lo ngại tại một hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam diễn ra mới đây.

Những con số nói trên và lời chia sẻ của vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thực sự là hồi chuông cảnh báo với những điểm yếu đang trở thành rào cản của ngành công nghiệp không khói nước nhà. Ông Bình cũng nêu thực trạng: Lượng khách Việt Nam đi du lịch các nước Đông Nam Á cao gấp 2,3 lần lượng khách các nước Đông Nam Á sang Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, chúng ta đã thua, thua bởi dịch vụ thấp kém nhưng giá lại quá cao và còn nhiều những bất cập khác như: xé lẻ các dịch vụ khiến giá cả bị đẩy lên cao. Rồi tình trạng các địa phương quản lý không tốt gây ra những bất cập về an ninh…

Nhiều du khách nước ngoài và cả du khách nội địa khi nhắc đến du lịch Việt Nam đều bày tỏ nỗi ngán ngẩm vì dịch vụ vận chuyển thường xuyên bị trễ giờ…, hoặc sự nhàm chán vì không có sự đổi mới. "Tôi đến Quảng Ninh và khám phá vịnh Hạ Long một lần bằng du thuyền, năm sau vẫn lại chỉ là đi du thuyền trên vịnh, chẳng có một điểm gì mới để gây sức hấp dẫn, tò mò cho du khách”- một vị khách Hàn Quốc chia sẻ. Sự nhàm chán, đơn điệu trong sản phẩm du lịch, thiếu đầu tư đang trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. 

Trên thực tế, những bất cập nói trên đã được mổ xẻ và năm nào cũng có những hội nghị đánh giá nhằm cải thiện tình hình, song dường như không có sự thay đổi nào đáng kể, thậm chí còn có vẻ ngành du lịch đang bước những bước đi "giật lùi”. Điều đó được biểu hiện rõ rệt ở những con số tăng trưởng và lượng du khách đến trong thời gian qua.

Để tránh những nguy cơ có thể xảy ra đối với ngành công nghiệp không khói nước nhà, nhiều chuyên gia nhận định, ngành du lịch rất cần có sư thay đổi trong tư duy, cách làm. Từ việc xác định rõ sản phẩm du lịch chủ lực để phát triển đến việc xác định đối tượng khách du lịch, thị trường cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thu hút khách… Bên cạnh đó, công tác quy hoạch các khu, tuyến, điểm du lịch cần được làm tổng thể, bài bản hơn, xác định những nét đặc trưng nổi bật để có sự đầu tư đúng đắn và xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng cao mang bản sắc Việt Nam. Để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Phạm Hà- Giám đốc Công ty Lucky Travel cho rằng, cần phải định vị lại đâu là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Ví dụ như ẩm thực là một thế mạnh rất lớn của chúng ta so với các nước trong khu vực. Phát triển được vấn đề đó sẽ khai thác được những yếu tố văn hóa vùng miền. Qua đó chúng ta sẽ giới thiệu được văn hóa cũng như sự khác biệt ở mỗi vùng trong cả nước. "Hiện tại du lịch Việt Nam vẫn tập trung vào số lượng hơn là chất lượng và đại trà. Nếu chúng ta tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao, đa dạng hóa thị trường thì việc sụt giảm một thị trường sẽ không làm ảnh hưởng gì đến du lịch Việt Nam”- ông Hà đề xuất.
 
 
Nhật Minh - Vũ Trần
 
(Theo daidoanket.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)