Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 09/06/2015 11:04
Báo chí với nhiệm vụ xây dựng giá trị chân - thiện - mỹ

1. Trong thời đại toàn cầu hóa thì đối thoại văn hóa là đặc điểm cơ bản và cũng là nhu cầu thiết yếu, thường trực của các cá nhân, các cộng đồng. Thực ra, quan niệm đối thoại là bản chất cuộc sống đã có tiền đề từ triết học Mác với chân lý: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Để xây dựng “các mối quan hệ xã hội” lại chính là đối thoại. Cho nên có thể suy ra, đối thoại góp phần làm nên bản chất người. Không ngẫu nhiên nhân loại coi thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa bởi cả thế giới đang cần đến đối thoại và chỉ có đối thoại mới làm con người xích lại gần nhau, chia sẻ, hợp tác, hữu nghị… Khái niệm “đối thoại văn hóa” trở thành khái niệm trung tâm của văn hóa học đương đại là như vậy. Trong bối cảnh ấy, báo chí được đánh giá rất cao, bởi đây là phương tiện đối thoại, là diễn đàn đối thoại, tổ chức đối thoại, là cầu nối… Tức là, không có báo chí thì không có xã hội hiện đại, không thể hình thành một xã hội dân chủ, văn minh. Có thể ví xã hội hiện đại như một cơ thể sống thì báo chí là những mạch máu thông tin nuôi dưỡng cơ thể ấy.

 
2. Một xã hội tốt đẹp, nhân văn là xã hội hướng con người đến với giá trị vĩnh cửu chân-thiện-mỹ. "Ngôi nhà" xã hội ở bất kỳ thời đại nào có vững vàng, chắc chắn cũng đều nhờ ba "cây cột" chính cường tráng là chân-thiện-mỹ. Và xét đến cùng, bất kỳ một "cây nhân cách" người nào có xanh tốt, tươi đẹp cũng là nhờ có ba "cái rễ" khỏe khoắn chân-thiện-mỹ. Với thế mạnh của mình, báo chí ngày nay là một trong những lực lượng nòng cốt làm tốt nhiệm vụ định hướng, điều chỉnh xã hội đi về phía ánh sáng của cái thật, cái tốt, cái đẹp.
 
Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2015). Ảnh: HUY TUẤN
 
Nhưng để có đối thoại cần phải có điều kiện (nguyên tắc): Hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Trong đó, “hiểu biết” luôn được nhấn mạnh, đề cao. Nhà báo là người hạnh phúc vì có cơ hội được đối thoại nhiều nhất, với xã hội, với công chúng, với những vấn đề dư luận quan tâm… Để tạo ra cuộc đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Vì thế mà nhà báo phải miệt mài học hỏi, phải cắm rễ rất sâu vào hai mạch nguồn văn hóa của dân tộc và nhân loại để hút lấy dưỡng chất văn hóa, để hiểu, để vận dụng, để cắt nghĩa. Độc giả hôm nay rất thông minh, đọc rộng, hiểu sâu nên dễ “dị ứng” với những bài báo có kiến thức văn hóa mỏng hẹp, có khi biểu hiện ngay từ cái tít bài. Ví dụ, tên một bài báo “khập khiễng”: “Bảo vệ khóa luận-Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”; hay dùng từ sai, lẽ ra phải viết “bàng quan” lại viết “bàng quang”; đúng ra là “đơn thương độc mã” lại viết “đơn phương độc mã”… Nhà báo hôm nay phải giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Anh chưa đủ mà còn phải giỏi cả thứ tiếng gần với môi trường, với lĩnh vực, đề tài mình quan tâm theo đuổi. Khó hình dung một phóng viên quốc tế, ngoài tiếng Anh lại không thể đối thoại bằng thứ ngôn ngữ bản địa nơi mình tác nghiệp. Phải sống trong nhiều môi trường văn hóa, để so sánh, để học hỏi thì bài viết mới sâu, vì ngoài lượng thông tin, bạn đọc còn chờ đợi ở tác giả sự gợi dẫn về cách đánh giá, lý giải ở nhiều góc độ khác nhau.
 
Là những người đi tìm sự thật, nói lên sự thật nên nhà báo phải có phẩm chất dũng cảm. Khi tự mình “bẻ cong” ngòi bút cũng tức là đã tự “bẻ cong” lương tâm mình. Hết lòng yêu cuộc đời mà phanh phui mặt trái, vạch ra cái xấu, cái thấp hèn để mọi người nhìn thấy cùng lên án mà xa lánh, rời bỏ. Đấy cũng là cách xây dựng cho cuộc đời thêm tốt đẹp hơn. Như thế mới có thể có những bài viết để đời như tác phẩm “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” của Phùng Gia Lộc…
 
Phải có tư tưởng vững, tâm hồn trong sáng, yêu đến tận cùng sự thật và cái đẹp, kết hợp với sự nhạy cảm chính trị mới viết được bài báo tác động tức thời, trực tiếp đến dư luận xã hội. Về vấn đề này, nhà báo thiên tài Hồ Chí Minh có một diễn tả tuyệt vời: “Tri thức như con dao mổ, trong tay thầy thuốc thì chữa bệnh cho người, trong tay kẻ cướp thì hại người. Nên trí thức phải có chính trị” (1). Mà nhà báo là lớp người trí thức ưu thời mẫn thế, do vậy phải luôn ý thức là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, lấy cây bút và tờ giấy làm vũ khí viết nên những “bài hịch cách mạng” để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, vì mục tiêu “chân- thiện-mỹ” mà đấu tranh loại bỏ cái lỗi thời, tiêu cực, phản văn hóa.
 
3. Vấn đề chống xâm lăng văn hóa là mặt trận rất quan trọng, nóng bỏng của báo chí hôm nay. Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, thời mà ai cũng có thể phát ngôn, ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Ai cũng có thể nghe, tìm hiểu bất kỳ một quan điểm nào đó có thể là cực đoan, có thể là sai trái. Có một quy luật tiếp nhận thông tin là người đọc hay quan tâm đến những "phát ngôn ngược" với quan điểm chính thống, vì nó lạ, gây tò mò. Lợi dụng điều này, nhiều blog cá nhân, nhiều trang mạng nước ngoài, để thu hút lượng người đọc đã cố tình đưa ra những thông tin sai lạc, thậm chí phản động. Chống lại những ý đồ xấu này thì báo chí là đội quân chủ lực với giải pháp chiến lược và cơ bản vẫn là sự tuyên truyền, giáo dục để giúp công chúng phân biệt được đúng-sai, phải-trái, để giúp họ suy nghĩ và hành động tốt hơn.
 
Phải đấu tranh với những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Ví dụ trong lĩnh vực âm nhạc đương đại, cá biệt có tình trạng mượn nhạc đệm (beat) nước ngoài làm khuôn nền để tạo ra bài hát mới. Đây là sự vay mượn sống sượng, coi rẻ sự sáng tạo chân chính, đích thực. Tuy rằng các nhà chuyên môn sẽ có ý kiến nhưng báo chí phải lên tiếng trước, để tập hợp các ý kiến tranh luận làm rõ đúng-sai, phê phán, phủ định… Phải cổ vũ khuynh hướng sáng tạo đúng đắn trên tinh thần kế thừa, tiếp thu truyền thống, kết hợp làm mới những giá trị cổ điển nhưng phù hợp với thị hiếu con người thời hiện đại. Muốn vậy, nhà báo cần mài sắc hơn nữa tính chính luận, để phản biện, để khẳng định… Cho nên phải hiểu sâu vấn đề, hiểu rộng các lĩnh vực liên quan rồi lập luận bằng phân tích, giải thích, tranh biện có lý, có tình mới có thể chinh phục được người đọc.
 
4. Báo chí phải hướng dư luận hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện đại của thế giới, nhất là ở các nước có nền giáo dục tiên tiến với khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người có ích trong xã hội. Phải góp phần tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản,vì mỗi cá nhân từ thuở ấu thơ cho đến lúc trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống từ gia đình. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn ngừa những hành vi phi đạo đức, vi phạm pháp luật của các thành viên.
 
Sống và làm việc trong kỷ nguyên của thông tin và kinh tế tri thức thì làm báo là một nghề vất vả nhưng vẻ vang. Chúng ta có tấm gương lớn là nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Học theo Người, làm theo Người, mỗi nhà báo sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ xây dựng giá trị chân-thiện-mỹ cho xã hội hôm nay và mai sau.
 
(1) Bác của chúng ta, Nxb Quân đội nhân dân, 1985, tr 118.
 
PGS. TS NGUYỄN THANH TÚ
 
(Theo qdnd.vn)
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)