Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 16/01/2019 10:53
Hứa hẹn mùa lễ hội an toàn, văn minh

  Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Thời điểm này, nhiều lễ hội đã sẵn sàng các phương án để đón khách. 


 

Năm nay, nhiều lễ hội được xem là “điểm nóng” của nhiều năm trước cũng đã lên những phương án chuẩn bị kỹ lưỡng, với hy vọng, lễ hội sẽ mang đến niềm vui chứ không phải là những vấn đề “nóng”, gây bức xúc.

Sẵn sàng khai hội

Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, cả nước có gần 8.000 lễ hội thì Hà Nội có đến 1.095 lễ hội, nhiều nhất cả nước. Trong đó, Hà Nội có nhiều lễ hội lớn là di sản phi vật thể của thế giới và quốc gia, như: Lễ hội Gióng, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội gò Đống Đa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng… Thời điểm này, những lễ hội lớn đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị với nhiều phần việc cụ thể và chi tiết, trong đó, nhiều phương án bảo đảm an ninh, trật tự được đặt lên hàng đầu.
 
Năm nay, Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa (ảnh minh họa: internet)

Năm nay, Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Lễ hội gò Đống Đa) có quy mô cấp thành phố. Theo thông tin từ UBND quận Đống Đa, phần lễ dự kiến có các hoạt động: Dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung với sự tham dự của các đại biểu trung ương và TP Hà Nội.

Bên cạnh hoạt động chính, Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa còn có nhiều chương trình như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, thân thế và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; giới thiệu về di tích lịch sử gò Đống Đa; triển lãm thời kỳ Tây Sơn; tổ chức cho học sinh tiểu học và THCS đến tham quan, học tập tại công viên văn hóa Đống Đa...

Đặc biệt, tại lễ hội năm nay, Ban tổ chức sẽ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa. Lễ trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa cũng được thực hiện tại buổi lễ.

Từ cuối năm 2018, UBND huyện Mỹ Đức đã xây dựng xong dự thảo Kế hoạch tổ chức Lễ hội chùa Hương 2019 với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”. Trong đó, Ban tổ chức lễ hội xác định rất rõ việc đảm bảo đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách về trẩy hội chùa Hương.
 
Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2019 cũng lên các phương án tổ chức kỹ lưỡng (ảnh minh họa: internet)

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, Ban tổ chức đã yêu cầu các bộ phận chuyên môn chuẩn bị tốt công tác xã hội, y tế, bảo hiểm, an ninh, an toàn thực phẩm, phân luồng giao thông… Các tiểu ban thường xuyên kiểm tra phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước, tổ chức phun thuốc đảm bảo thanh khiết môi trường trong khu vực lễ hội.

Ban tổ chức yêu cầu, tuyệt đối không được bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích.

Các đơn vị kinh doanh khu vực lễ hội không quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội; không cho phép phương tiện xe công nông, xe lam hoạt động trên các tuyến đường bộ; xuồng, đò có gắn máy động cơ không có giấy phép không được hoạt động trên suối Yến…

Với Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) vốn trước đây được xem là “điểm nóng” bởi hình thức cướp hoa tre mang nhiều yếu tố bạo lực. Từ năm ngoái, với việc cương quyết điều chỉnh hình thức tổ chức, từ “cướp lộc” chuyển sang “tán lộc” (phát), Lễ hội Gióng đền Sóc đã cơ bản được tổ chức tốt và là điểm nhấn của công tác tổ chức lễ hội của Hà Nội năm 2018.
 
Từ năm 2018, Lễ hội Gióng đền Sóc đã thay đổi cách tổ chức phát lộc nên không có tình trạng chen lấn, bạo lực (ảnh: internet)

Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc nhanh chóng lên các phương án để duy trì “thành quả” tổ chức của năm ngoái. Trong cuộc họp mới đây với đại diện các thôn, làng, chính quyền các xã tham gia Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội), ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội khẳng định, việc phát lộc hoa tre và lộc trầu cau trong ngày khai hội sẽ được quản lý chặt chẽ, không phát tràn lan để tránh tình trạng lộn xộn.

Việc phát lộc năm nay không thực hiện vào sáng khai hội mà buổi chiều cùng ngày mới bắt đầu phát lộc cho nhân dân và khách thập phương. Sau lễ Thánh buổi sáng, lộc hoa tre và trầu cau sẽ đưa vào hậu cung bảo vệ cẩn thận. Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, những người quản lý lễ vật tuyệt đối không được phát lộc khi chưa có ý kiến của Ban tổ chức.

Một trong những điểm mới nhất của Lễ hội Gióng đền Sóc năm nay là Ban tổ chức lễ hội đồng ý để thôn Vệ Linh làm giò hoa tre bằng cây vầu thay cho cây tre như trước. Lý do là bởi cây tre khan hiếm, khó mua, trong khi cây vầu dễ vót hoa, dễ mua, giá thành rẻ.

Để không còn “điểm nóng”


Nói về việc quản lý lễ hội của Hà Nội thời gian qua, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội nhận định, năm 2018, công tác quản lý lễ hội của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực và rõ nét. Nhiều lễ hội được cho là “điểm nóng” đã được kiểm tra nên không để xảy ra tình trạng bạo lực lễ hội. Thành công lớn của việc tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc là nỗ lực để các đơn vị tổ chức tiếp tục phát huy vai trò quản lý trong năm 2019.

Vừa qua, Sở VH-TT Hà Nội ban hành Kế hoạch số 469/KH-SVH&TT về việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019, trong đó khẳng định công tác quản lý và tổ chức tốt lễ hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị.

Theo Sở VH-TT Hà Nội, việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Đặc biệt, Sở VH-TT Hà Nội nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại các lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT Hà Nội sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ VH,TT&DL và các ban, ngành của thành phố thực hiện việc kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại các quận, huyện, thị xã, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh.

Tết Kỷ Hợi đang đến gần, cũng là thời điểm nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trên cả nước. Là địa phương giàu di sản văn hoá, có số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước, Hà Nội gặp không ít áp lực và khó khăn trong việc quản lý. Năm nay, với nỗ lực mới, hy vọng rằng, những “điểm nóng” về lễ hội trên địa bàn Hà Nội sẽ được quản lý triệt để, hướng tới một mùa lễ hội văn minh và trật tự.
 
Theo Hanoimoi.com.vn
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)