Năm cửa ô ngày đó, bây giờ
Có bao nhiêu cửa ô?
“Đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Dền…” là một câu trong bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Còn trong bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao có câu: “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”. Bài hát này được Văn Cao sáng tác trước năm 1954 như một dự báo cho ngày bộ đội trở về giải phóng Thủ đô. Có điều rất lạ, dự đoán của Văn Cao trùng khớp với 5 cánh quân tiến vào tiếp quản Hà Nội đầu tháng 10-1954. Từ ngày 7 đến 9-10-1954, các đơn vị bộ đội đã qua cửa ô Cầu Giấy, Cầu Dền, Yên Phụ, Hàng Đậu và Thụy Khuê vào Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội không phải có 5 cửa ô mà nhiều hơn thế.
Các văn bản địa chí chính thức nói đến cửa ô có “Bắc thành dư địa chí” do Tổng trấn Lê Chất tổ chức biên soạn dưới thời Minh Mạng. Rồi sau đó là các cuốn “Hà Nội địa dư” (Dương Bá Cung, 1851, soạn theo sắc chỉ của vua Tự Đức), “Phương Đình dư địa chí loại” (Nguyễn Văn Siêu và Bùi Ngọc Quỹ, in năm 1900), “Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ” (Đặng Xuân Khanh biên soạn, EFEO 1956) đều xác định Thăng Long - Hà Nội có 21 cửa ô. Mặc dù các văn bản đều nói có 21 cửa ô, nhưng thực tế thống kê tổng hợp từ các nguồn khác nhau cũng như trên các bản đồ, thì chỉ xác định được 18 cửa ô và vị trí của 17 trong số đó trên thực địa.
Trên bản đồ tỉnh, thành Hà Nội năm 1831 có tên “Hoài Đức phủ toàn đồ”, do Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ, được công bố gần đây, từng được Trần Huy Bá vẽ lại và chú giải bằng quốc ngữ năm 1956, thì Hà Nội chỉ có 16 cửa ô. Theo cuốn “Thăng Long cổ tích khảo” (lưu tại Viện Hán Nôm), có thêm hai cửa ô nữa là Trung Liệt (ô Ông Tượng) và Nhân Hòa (ô Hàng Dê). Nhưng, trong bản đồ vẽ năm 1866 thì Hà Nội chỉ còn 15 cửa ô và con số này cũng lặp lại trên bản đồ Hà Nội 1885 do người Pháp lập năm 1902.
Vậy, chính xác Hà Nội có bao nhiêu cửa ô? Câu trả lời là 21. Còn sau này có sách chép 16, 15. Khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế năm 1802, thì các cổng thành không còn lính gác. Các cửa thành bằng gỗ cũng bị tháo dỡ đem vào Huế. Lại thêm vị trí các cửa ô nằm trên đê sông Hồng cũng thay đổi do một số khúc đê được đắp mới.
Về hình thức, các cửa ô cơ bản có hai loại. Loại cửa vòm với lầu gác bên trên và loại chỉ có hai trụ biểu cùng hai cánh cổng gỗ mở vào. Theo bản đồ các năm 1873 và 1885, các cửa ô được minh họa khá chi tiết. Một số bức ký họa hay ảnh chụp đã kịp ghi lại cho ta hình dung được quy mô thực của các cửa ô. Tất nhiên, bằng chứng xác đáng nhất còn lại ngày nay là di tích Ô Quan Chưởng với biển đề chữ Hán “Đông Hà môn”. Cửa ô này được xây năm 1817 trên nền đình Thanh Hà được di dời. Mặc dù là một dạng cổng thành không đầy đủ chức năng, nhưng sự có mặt của cửa ô trong đời sống bình dân đã khiến chúng trở nên thân thuộc.
Cửa ô Hà Nội ngày nay
Kể từ khi vua Gia Long chuyển kinh đô vào Huế, Thăng Long bị hạ cấp xuống Bắc thành và đổi chữ Thăng Long với nghĩa rồng bay thành Thăng Long với nghĩa thịnh vượng, đồng thời xuống chiếu phá thành nhà Lê, xây thành mới, vai trò của các cửa ô không còn tác dụng ngăn chặn quân nổi dậy giả danh dân chúng vào thành. Cửa ô không còn lính canh. Các cánh cửa gỗ cũng bị dỡ đem vào Huế, khiến đại diện quyền lực của cửa ô biến mất, cuộc sống nhộn nhịp quanh cửa ô với hàng quán cũng không còn, chợ búa đìu hiu.
Theo thời gian, lũy đất bị lở, hào nước bảo vệ thành cũng bị dân lấp, lấy đất làm nhà, trồng cây. Đến cuối thế kỷ XIX, cửa ô chỉ còn là tên gọi. Duy nhất một cửa còn sót là cửa ô Quan Chưởng. Năm 1906, chính quyền thực dân Pháp định phá cửa ô này, nhưng may mắn được trường Viễn Đông Bác Cổ can thiệp nên giữ được nguyên vẹn và ô Quan Chưởng trở thành hình tượng của đô thị Kẻ Chợ. Không chỉ hào bị lấp mà tên nhiều cửa ô cũng thay đổi do các vua triều Nguyễn cải cách hành chính, sáp nhập thôn, phường hay phải đổi tên vì trùng với thụy hiệu, niên hiệu của vua. Tuy nhiên, dù chính quyền đổi tên, nhưng với dân chúng họ cứ gọi theo tên nôm, ví dụ như: Ô Phúc Lâm dân gọi là ô Hàng Đậu, ô Thịnh Yên gọi là ô Cầu Dền, ô Thanh Bảo gọi là ô Cầu Giấy… Những tên nôm đó vẫn được dùng cho đến hôm nay.
Cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu xây dựng Hà Nội. Họ lấy bức lũy Đại La xây năm 1749, từ Nhật Tân qua Cầu Giấy, La Thành, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân làm giới hạn của đô thị Hà Nội. Các cửa ô qua dãy lũy đã có một vai trò quan trọng để các nhà quy hoạch xác định hướng giao thông chính và vùng dân cư, đồng thời chúng trở thành nét đặc trưng còn lại của Hà Nội. Trong quá trình xây dựng, chính quyền thực dân Pháp cũng đã phá nhiều đoạn lũy làm cho không gian đô thị không còn bị chia cắt, gián đoạn bởi lũy thành, kết nối trong và ngoài kinh đô xưa làm biến mất quyền lực phong kiến tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Ngày nay, các cửa ô chỉ còn tên gọi và những câu chuyện trong sử sách. Dấu tích của nhiều cửa ô không còn, thay vào đó là đường phố, cầu vượt, nhà cửa.
Theo nhipsonghanoi.com.vn