Những bài học không tốn kinh phí
Nền xưa nếp cũ
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”...
Không ít người từng gắn bó với Hà Nội, trong câu chuyện kể lúc “trà dư, tửu hậu” thường nhắc nhớ về những nếp xưa Hà Nội với một vẻ tự hào. Cái nếp ấy chính là sự văn minh, thanh lịch hiện hữu trong văn hóa ứng xử cũng như sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nội. Là hình ảnh của những người đàn ông phong lưu, lịch lãm, tề chỉnh mỗi khi bước ra khỏi cửa; là các bà nội trợ nền nếp, đảm đang, khăn nhung, áo lụa, khoe tài nữ công gia chánh qua những mâm cỗ thịnh soạn vào các ngày giỗ, Tết; là các cô thiếu nữ duyên dáng, e ấp trong tà áo mỗi khi bước ra phố.... Để có được cốt cách thanh lịch ấy không phải chỉ tập tành trong một sớm một chiều mà thành. Cái phong thái đó phải có sẵn trong nếp nhà, từ trước khi đứa trẻ ra đời, để rồi khi lớn lên trẻ được “học ăn học nói, học gói học mở”, được uốn nắn, bảo ban cách cư xử chuẩn mực, lời ăn tiếng nói, nếp sống thanh lịch của những bậc cao niên...
Trải qua ba đời sống ở Hà Nội, bà Phạm Thị Hồ (phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm) kể rằng: “Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nhắc nhở, ở trong nhà thiếu thốn thì cũng chỉ có mình biết, nhưng ra ngoài mà xử sự hẹp hòi thì sẽ bị thiên hạ chê cười, làng nước đàm tiếu. Bởi vậy, các khoản chi tiêu về giao tế như hiếu, hỷ, hay mọi đóng góp vì cộng đồng, mẹ tôi đều rất hào phóng. Để bù lại, bà cắt xén những khoản chi tiêu trong gia đình, kể cả khoản tiền chợ mỗi ngày. Mẹ tôi còn kể cho tôi nghe rằng ngày bà còn trẻ, trước khi đi ăn giỗ, ăn cưới, bà đều bị bà ngoại tôi ép ăn cơm trước ở nhà, để khi tới nơi, không vì đói mà ăn uống thô tục. Con gái của gia đình lễ giáo là phải... khảnh ăn, thanh cao và đài các”.
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, những gia đình Hà Nội xưa giáo dục con cháu bài bản nghiêm khắc, chi tiết, dạy từng “lời ăn, tiếng nói”, văn hóa ứng xử làm người. Ông viết: “Trước hết là ở lời nói. Người Hà Nội dùng ngôn ngữ chuẩn xác, thanh âm mẫu mực, không quen những từ thô tục, sỗ sàng... Trong cách ăn mặc, họ cũng dạy con cháu hết sức lịch sự. Trang phục, trang sức ưa sự gọn gàng, trang nhã, tề chỉnh, cách tân tinh tế, đủ độ lộng lẫy, kiêu sa... Người xưa ra đường là áo dài chỉnh tề. Khách đến chơi, chủ nhà giữ lễ tôn trọng, lui vào thay đồ tươm tất mới ra tiếp. Con gái Hà Nội thì được cha mẹ dạy bảo “công, dung, ngôn, hạnh”, dịu dàng, ý tứ, từ dáng đứng, bước đi, nụ cười, ánh mắt, thân mật nhưng không sàm sỡ, tế nhị mà không gò bó... Trong mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc “trên kính dưới nhường”... Vào mâm, họ biết trọng già, quý trẻ, nhường món ngon tiếp cho khách, cách ăn cũng từ tốn, thong thả, rượu uống từng ngụm, không dốc cả cốc to, không làm ầm ĩ...”.
Nét thanh, nét lịch phôi pha
Nhưng nếp sống suy cho cùng không phải là bất biến. Xã hội hiện đại ít nhiều đã làm phôi pha nét thanh lịch của người Hà Nội. Ở hầu hết là các gia đình Hà Nội, cha mẹ tất bật với công việc nên không còn thời gian nhiều dành cho việc nuôi dạy con cái. Những hoạt động giản đơn như cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau bàn luận, chia sẻ về một vấn đề nào đó... rồi từ đó gửi gắm những thông điệp về cách ứng xử, nếp sống chuẩn mực... đang dần vắng mặt trong đời sống hiện đại. Bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi cũng không có mặt đông đủ các thành viên và thường được ăn nhanh chóng để mỗi người một việc. Giây phút bên nhau thưa dần, những hoạt động chung trong gia đình ngày càng ít đi đã khiến sự chia sẻ, gắn bó giữa từng thành viên không còn nữa. Không chỉ không có thời gian dạy dỗ, bảo ban con cái, lối sống gấp gáp, ưa hưởng thụ của một xã hội hiện đại cũng khiến bản thân nhiều bậc phụ huynh có cách hành xử “lệch chuẩn” trước sự chứng kiến của con trẻ.
Ra đường bây giờ không khó để bắt gặp hình ảnh phụ huynh chở con nhỏ bằng xe máy nhưng phớt lờ quy định đội mũ bảo hiểm hay thản nhiên vượt đèn đỏ. Không ít người lớn trước mặt con trẻ vẫn vứt rác bừa bãi, chen lấn khi xếp hàng, tiểu bậy nơi công cộng... Gần đây là vụ việc một phụ nữ, là cảnh sát hẳn hoi, gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất trước mặt con gái nhỏ và đã bị cộng đồng lên án, hoặc cách đây không lâu, trên mạng xã hội lan truyền clip người dân chen nhau, để xe, dừng đỗ giữa lòng đường để lấy những chậu hoa trang trí phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trên tuyến phố Kim Mã (quận Ba Đình), hay là chuyện hai phụ nữ tới chung cư thăm người quen, một người dùng mũ bảo hiểm xe máy che camera an ninh để người còn lại tiểu bậy trong thang máy...
Trong môi trường giáo dục, thời gian qua, ở một số địa phương liên tục xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức, tham nhũng, trù dập cấp dưới, giáo viên sử dụng hình phạt tiêu cực với học sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong xã hội...
Chấn hưng nếp cũ
Bà Monisha Dewan, chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Các kết quả nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy, sự phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ ngay ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, việc giáo dục tình cảm, kỹ năng xã hội cho học sinh tại gia đình và nhà trường là một trong những nhiệm vụ thiết yếu và đầy thử thách, góp phần phát triển các mối quan hệ tích cực của trẻ đối với thế giới xung quanh".
Khi một ông bố vô tư hút thuốc lá nơi công cộng, bạ chỗ nào cũng khạc nhổ mà chẳng để ý đến xung quanh, giữa đường phố đông đúc cũng hạ kính xuống để phi ra đường một bọc rác... thì ắt hẳn những đứa con sẽ hình thành thói quen coi thường môi trường, cộng đồng, làm tất cả những gì mình thích... Trong môi trường giáo dục, khi thầy cô cư xử thái quá, bạo lực và áp đặt với học sinh, đề ra nguyên tắc quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt sẽ dẫn đến sự đối đầu từ phía học trò. Thầy cô sử dụng các hình phạt, lời lẽ chưa chuẩn mực cũng khiến học sinh không nể phục, dẫn đến mất niềm tin. Đặc biệt, thầy cô có những hành vi phản giáo dục mà không bị nhà trường, ngành Giáo dục xử lý sẽ rất dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực từ xã hội...
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Để trẻ em lớn lên trở thành người hữu ích cho xã hội, có hành động đẹp, biết tôn trọng lẽ phải, sống nghĩa tình, phải bắt đầu từ những hành vi ứng xử có văn hóa của người lớn trong gia đình và ngoài cộng đồng. Chỉ có những hành vi đẹp, lối ứng xử văn hóa, nền nếp của người lớn mới đủ sức thuyết phục, lan tỏa, cảm hóa tâm hồn chưa có nhiều trải nghiệm của người trẻ. Đó là những bài học không tốn kinh phí, có thể dạy ở bất cứ đâu, hiệu quả rất cao và góp phần không nhỏ trong việc phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội. Và có như thế nếp xưa Hà Nội mới không ngừng được giữ gìn và bồi đắp.
Theo nhipsonghanoi