Nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô
Phát huy giá trị các di sản văn hóa
Đoàn kiểm tra của Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có đợt khảo sát về kết quả triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Trong đó, quận Hoàn Kiếm là nơi mà đoàn lựa chọn để khảo sát thực tế tình hình hoạt động của các thiết chế văn hóa như: Khu di tích lịch sử đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm), Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) và Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12). Với 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến (có 86 di tích được xếp hạng và gắn biển, trong đó có 2 di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt), Hoàn Kiếm là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, Quận ủy đã ban hành Chương trình số 05-CTr/QU, ngày 6-8-2021 về “Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện” và cụ thể hóa thành 2 kế hoạch, 9 đề án để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. “Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đưa vào kế hoạch công tác hằng năm để tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị”, đồng chí Đinh Hồng Phong thông tin.
Trong khi đó, là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, thị xã Sơn Tây hiện có 244 di tích với 80 di tích đã xếp hạng. Theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nguyễn Quang Hán, nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền sâu rộng nội dung của các chỉ thị, nghị quyết, kết luận bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhờ đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.
Không chỉ ở Hoàn Kiếm và Sơn Tây, thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn Thủ đô đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Với cách làm mới theo hướng sát thực tiễn và hướng về cơ sở, việc phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa có nhiều chuyển biến rõ nét, chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Đây cũng là giải pháp quan trọng phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Bên cạnh ghi nhận kết quả đạt được tại quận Hoàn Kiếm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Tuyên giáo Trung ương) Hà Dũng Hải cho rằng, địa phương cần đổi mới phương thức cũng như nội dung tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Với những người dân trong khu phố cổ, cần tập trung tuyên truyền để họ hiểu bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố cổ nhằm phục vụ phát triển du lịch, gìn giữ văn hóa truyền thống.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho hay, quận sẽ rà soát lại hạ tầng phục vụ công nghiệp văn hóa; mở ra các điểm thu hút đầu tư phát triển như tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tập trung nguồn lực cho bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể khu phố cổ, phố cũ…
Còn Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán thông tin, đơn vị sẽ tiếp tục lồng ghép chặt chẽ, có hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người với các cuộc vận động, phong trào, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp thị xã đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.
Về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, thành phố sẽ chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn trong hệ thống chính trị, ở từng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Đồng thời, tận dụng tối đa các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế.
Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có: 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 65% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”; 75% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”...
(Theo Đình Hiệp/hanoimoi.com.vn)
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1030660/nguon-luc-quan-trong-phat-trien-thu-do