Bảo vệ cấu trúc không gian làng cổ
Nguyên nhân của việc 60 hộ dân làng cổ
Đường Lâm nổi giận làm đơn đòi trả lại di sản, theo ông Phạm Hùng Sơn-
Trưởng Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm xuất phát từ mâu thuẫn này
sinh đã có từ những năm 2008-2009. Do mật độ dân số gia tăng dẫn đến
việc cần có một không gian sống rộng hơn nên nhu cầu xây thêm tầng hay
cải tạo lại khu vực nhà cổ gia tăng. Người dân muốn xây nhà lại phải
thông qua rất nhiều thủ tục tuy nhiên vẫn không thể xây vì vi phạm luật
di tích.
Trước sự mâu thuẫn này, theo các nhà
khoa học, hiện rất cần những hành động, quy hoạch cụ thể từ các ban
ngành để có giải pháp giải quyết mâu thuẫn đó. Theo Phó hiệu trưởng
Trường ĐH Xây dựng-PGS Phạm Hùng Cường để thực hiện công tác quy hoạch
bảo tồn và phát huy giá trị di tích các làng cổ Đường Lâm cần sự phối
hợp thực hiện chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng, có sự tham gia của
cộng đồng, điều chỉnh các xu hướng biến đổi không phù hợp… Phải thuyết
phục được người dân giữ nguyên trạng và tiến hành giãn dân.
Hiện đã có ý kiến cho phép xây dựng nhà 2
tầng trong khu vực thôn Mông Phụ, xây nhà 3 tầng trong khu vực 2, chỉ
bảo tồn các ngôi nhà cổ như là một giải pháp, cơ chế đặc thù. Đánh giá
về đề xuất này, PGS Phạm Hùng Cường cho rằng đây là điều hết sức lo
ngại. Vì, nếu cho phép đồng nghĩa chúng ta đã bỏ đi một giá trị quý giá
nhất của làng cổ Đường Lâm đó là cấu trúc không gian của cả ngôi làng
còn nguyên vẹn với 5 quần thể: thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam
Lâm, Cam Thịnh chứ không phải chỉ vì vài chục ngôi nhà cổ, của một số di
tích đình chùa.
Riêng vẫn đề giãn dân cũng đang gặp
nhiều khó khăn từ chính các cấp quản lý. Ông Phạm Hùng Sơn, cho biết,
Ban quản lý Di tích đã thỏa thuận với Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội
được khu giãn dân, vấn đề bức xúc về nhà ở của người dân sẽ được giải
quyết trong nay mai. Nhưng, nếu phải đóng 100 triệu đồng mới được ở khu
dãn giân thì sẽ không có ai chịu di dời, phải có cơ chế đặc thù hỗ trợ
người dân tái định cư.
Để người dân hưởng lợi từ di sản
Việc trả lại danh hiệu làng cổ vừa qua
là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nhà quản lý và cần phải nhanh chóng
tìm sự gắn kết giữa di sản với cộng đồng, giải quyết xung đột giữa bảo
tồn và phát triển. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn
hóa Việt Nam- việc bảo tồn di sản văn hoá nói chung hay những di sản có
cấu trúc phức tạp như là phố cổ, làng cổ... thì xung đột với nhu cầu
phát triển là tất yếu và trên thế giới cũng gặp phải nhưng có điều, họ
nhanh phát hiện, cùng với đó, cộng đồng phải chung tay để tìm nối thoát.
Và lối thoát duy nhất mà theo kinh nghiệm, đó là biến tiềm năng di sản
thành các sản phẩm du lịch. Điều này đã được chứng thực ở Hội An (Quảng
Nam), Phước Tích (Huế).... Đặc biệt, để phát huy tối đa nguồn lực xã hội
của cộng đồng chúng ta phải quán triệt quan điểm cơ bản là tự nguyện,
đồng thuận, tự do, bình đặng và cùng có lợi.
“Cần phải có đề án chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp, gắn với phát triển các mô hình du lịch, dịch vụ ở
Đường Lâm để tạo ra các sản phẩm du lịch nhằm đem lại lợi ích kinh tế
cho cộng đồng, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di tích của người dân. Đặc
biệt cần tìm thấy sự chia sẻ quyền lợi công bằng bằng giữa người dân và
ban quản lý di tích”- ông Bài nhấn mạnh.
Được biết, năm 2012, làng cổ Đường Lâm
có khoảng 120.000 khách du lịch. Với giá vé 20.000 đồng cho người lớn,
10.000 đồng cho trẻ em, năm 2012, BQL thu về được khoảng 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Quyết định 43 UBND TP. Hà Nội, số tiền này được giữ lại
để thực hiện công tác phục vụ như in vé, tờ rơi, quảng bá du lịch, an
ninh… chứ không về được đến tay người dân. Ban quản lý chỉ có thể hỗ trợ
tập huấn cách bảo tồn nhà cổ, đi thăm quan để học hỏi làm du lịch…
Ông Vũ Chính Đông, Chánh văn phòng Hiệp
hội du lịch TP. Hà Nội- cho rằng, chúng ta phải nghe người dân và trong
việc bán vé vào làng cần phải có sự công khai, minh bạch, công bố rõ cho
người dân biết số tiền bán vé là bao nhiêu, chi phí để trả lương, các
khoản khác... Và các điểm là điểm tham quan thì nhất thiết phải được
hưởng phần trăm nhất định từ giá vé đó...
Ông Phạm Hùng Sơn cho hay, sắp tới UBND
thị xã Sơn Tây, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm sẽ phối hợp với
các Sở, ban, ngành tập trung đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu từ nông
nghiệp sang dịch vụ du lịch. “Ban quản lý di tích sẽ tham mưu cho thành
phố để thay đổi Quyết định 43, có thể giữ lại 40% và đưa 60% tiền thu
phí cho người dân Đường Lâm, kiến nghị tăng mức tiền thu phí để hỗ trợ
cuộc sống người dân”- ông Sơn nói.