Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 19/06/2013 08:37
Thành phố Hà Nội: 15 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 15/11/1997 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Thành phố Hà Nội: 15 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 15/11/1997 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về nâng cao chất lượng tăng cường sự lãnh đạo quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội đã phản ánh hoạt động báo chí xuất bản là hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô với những thuận lợi và khó khăn, thách thức.

Trong 15 năm qua, nhìn toàn cảnh Báo chí - Xuất bản người trong cuộc dễ nhận thấy Báo chí Thủ đô phát triển tốt về số lượng và chất lượng. Công tác xuất bản cũng được quan tâm, đầu tư trọng điểm, có bước đột phá đã tạo ra được những ấn phẩm tốt được bạn đọc tiếp nhận và đánh giá có sự phát triển. Mốc đánh giá là Lễ ra mắt Tủ sách dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó phải kể đến gần 100 đầu sách gồm nhiều lĩnh vực trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Thành phố đầu tư kinh phí chuẩn bị cho kỉ niệm Đại lễ Thăng Long - Hà Nội do Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện.

Các ấn phẩm thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến thực sự là kho tư liệu quý về Thủ đô ngàn năm tuổi.                                                                    Ảnh: Văn Chiến

Tuy vậy, đánh giá đầy đủ trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 25-CT/TU của Thường vụ Thành ủy, Nhà xuất bản Hà Nội nhận thấy: Công tác xuất bản của Thành phố Hà Nội tuy đã được nâng cao chất lượng về nhiều mặt, số lượng ấn phẩm xuất bản, số bản in, trang in mỗi năm đều tăng thêm, đóng góp một phần cho sự nghiệp văn hóa giáo dục Thủ đô nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng tinh thần, văn hóa của người dân Thủ đô; Công tác xuất bản Thủ đô chưa được quản lý tập trung, còn thiếu sự quan tâm đầu tư đủ lực để đảm nhận nhiệm vụ phục vụ công tác chính trị - tư tưởng - văn hóa của Thành phố.

Thành phố chỉ có một Nhà xuất bản, nhưng trên địa bàn Thủ đô có 44 cơ quan nhà xuất bản của bộ ngành và chi nhánh nhà xuất bản các địa phương tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong một môi trường ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi cho các đơn vị thực hiện đúng Luật như Nhà xuất bản Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy xem các sản phẩm của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tại lễ Ra mắt, ngày 2/10/2010.                   Ảnh: VC

Thực trạng công tác xuất bản nhiều năm qua, theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông còn rất nhiều bất cập, công tác quản lý giữa bộ ngành, địa phương còn chưa thống nhất, có lúc chồng chéo, bỏ ngỏ ở nhiều khâu trong hoạt động xuất bản dẫn tới tình trạng sách kém chất lượng, sách in lậu, sách vi phạm bản quyền tràn lan không kiểm soát được. Sách hay, sách có giá trị giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức ngày càng ít, thiếu vắng các tác phẩm có giá trị trong các quầy sách, nhà sách, hiệu sách của Nhà nước cũng như của tư nhân.

Nhà xuất bản Hà Nội cũng phải trải qua những bước thăng trầm như ngành xuất bản Việt Nam. Tuy vậy, với truyền thống của một ngành hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Thủ đô, các thế hệ cán bộ - biên tập viên Nhà xuất bản đã có những đóng góp đáng kể trong hoạt động xây dựng văn hóa người Thủ đô thanh lịch - văn minh. Trong 35 năm qua, bằng sự miệt mài vượt lên tất cả, cán bộ - biên tập viên Nhà xuất bản đã xây dựng được thương hiệu của một nhà xuất bản tổng hợp, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và trụ vững trên thị trường xuất bản - phát hành vốn có những biến động khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó tránh và đặc biệt là còn chưa đánh giá đúng giá trị nghề nghiệp với nền văn hóa của xã hội, đất nước của một số ít người do nhầm lẫn khái niệm về xuất bản.

Gian trưng bày của Nhà xuất bản Hà Nội tham dự Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam năm 2012 tại Hà Nội, dịp kỷ niệm 60 năm Ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam. Ảnh: Văn Chiến

Nếu được đầu tư mọi mặt tốt hơn, Nhà xuất bản sẽ xây dựng đề án phát triển bền vững, đáp ứng được sự phát triển chung của ngành và yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ một cách vững chắc. Hoạt động xuất bản trong mô hình Công ty TNHH cũng có thuận lợi, nhưng để một nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô phát triển đúng vị trí, vai trò phục vụ công tác trên mặt trận chính trị - tư tưởng văn hóa của Đảng rất cần sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo cao hơn, nhận thức đúng đắn hơn.

Cụ thể, để quản lý tốt công tác xuất bản thực hiện theo đúng Luật Xuất bản, trong các cơ quan đơn vị sở ngành Thành phố; cơ quan chỉ đạo lãnh đạo, quản lý cần có những Chỉ thị cụ thể, được triển khai trong toàn hệ thống chính trị và có chế tài thực hiện, Thành phố cần thực hiện triệt để Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BộTTTT-BTC, ngày 10/01/2011 của liên Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Tài chính về thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt Thông tư này là thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về công tác xuất bản tại Thủ đô, vừa quản lý được chất lượng ấn phẩm (có qua biên tập xuất bản) vừa quản lý tài chính được đúng Luật Ngân sách.

- Thành phố cần có quĩ hỗ trợ xuất bản để hàng năm đặt hàng với các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhà văn, trại sáng tác để có những bản thảo tốt ứng dụng có hiệu quả vào cuộc sống xã hội của Thủ đô.

- Chỉ thị của Thành ủy về nâng cao chất lượng, tăng cường công tác báo chí - xuất bản cần được triển khai sâu rộng đến từng cấp ngành (không phải chỉ trong hệ thống Đảng) và cần phổ biến đến các cấp, ngành thuộc Thành phố các văn bản kèm theo như: Luật Xuất bản, Báo chí và các Thông tư, Chỉ thị khác, như Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao toàn diện công tác xuất bản. Tránh tình trạng văn bản, chỉ thị hay nhưng không đi vào cuộc sống, các cơ quan đơn vị không thực hiện và không có chế tài xử lý; Để chỉ thị hay, có nhiều điểm quan trọng cho phát triển ngành xuất bản như Chỉ thị 42 rơi vào lãng quên thật là một điều đáng tiếc cho ngành xuất bản của chúng ta...

- Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho hoạt động xuất bản (nên đề xuất cơ chế đặc thù cho hoạt động xuất bản Hà Nội). Cụ thể, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, phải được bổ sung cho đủ vốn điều lệ theo Luật Doanh nghiệp vì thiếu vốn không thể tổ chức được các bản thảo tốt có giá trị, rất khó khăn trong đào tạo nhân lực làm công tác xuất bản; đào tạo một biên tập viên thành nghề trong giai đoạn hiện nay là rất công phu, tốn kém và mất nhiều thời gian. Đặc biệt không có vốn lưu động để hoạt động kinh doanh xuất bản vốn rất đặc thù do quá trình xuất bản 1 cuốn sách rất dài, đầu ra, phát hành khó khăn, tạo ra muôn vàn khó khăn cho hoạt động xuất bản và cuộc sống của những người làm nhiệm vụ công tác xuất bản.

(Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu mô hình đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật công tác xuất bản của TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng là hai thành phố có những nét tương đồng với Thủ đô về công tác xuất bản).

Đặc biệt lưu ý và đề xuất Thành phố quan tâm đầu tư, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý xuất bản - báo chí và đội ngũ cán bộ - biên tập viên làm công tác này sao cho đủ mạnh về cả lượng và chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài theo định hướng phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Hy vọng với tầm nhìn chiến lược về văn hóa, giáo dục của các cấp lãnh đạo, với Luật Xuất bản vừa được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 sẽ là nguồn sinh khí mới thổi tới, tác động cho ngành Xuất bản Thủ đô phát triển đúng vị thế và trách nhiệm đáng có.

Hoàng Sơn
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)