Thứ sáu, 21/06/2013 09:18
Từng khâu rựa nữ quyền
Đọc xong “Giấc mơ của đất” (tập bút ký - phóng sự mới nhất của Lâm Chí Công), tôi thầm tiếc: Giá mà tác giả chọn một trong những tít phóng sự gây nhớ mãi của mình, ví như “Từng khâu rựa nữ quyền” để đặt tên cho tập sách.

Bởi một trong những yếu tố
làm nên “thương hiệu” phóng sự Lâm Chí Công trong lòng bạn đọc là cách
đặt tít, chứ không chỉ bởi cái tình với quê hương…
Sau “Tháng 7 ở Khe Sanh” (NXB Thuận Hoá - 2005), mới đây, Lâm Chí Công -
phóng viên Báo Lao Động - lại trình làng tập bút ký - phóng sự “Giấc mơ
của đất” (NXB Hội Nhà văn - 2013). Dù đọc rất kỹ 27 bút ký - phóng sự
ấy trên từng trang báo trong nhiều năm nay, nhưng hôm rồi gấp lại trang
cuối cùng, tôi vẫn giật mình tự hỏi: Đất Quảng Trị quê anh bé như bàn
tay, lại còn “chán ơi là chán” xét về đặc trưng vùng miền, không hiểu
Lâm Chí Công “moi” đâu ra nhiều chuyện lạ, thú vị và trớ trêu đến thế?
Lạ nữa là cái tình anh dành cho quê hương Quảng Trị, đặc biệt là vùng
Khe Sanh - Hướng Hoá. Dù là kể chuyện lạ, gương điển hình hay những bất
cập, mặt trái gây kéo lùi sự tiến bộ xã hội, chỗ nào, ở đâu cũng thấy
cái tôi tác giả đau đáu, trăn trở, thậm chí là “xông lên” lo giùm, giải
quyết giùm cả việc thiên hạ theo kiểu “tôi cho rằng...”, “theo tôi...”,
“tôi nghĩ...”... Nhưng đó không phải là biểu hiện của sự “dạy dỗ”, như
ai đó từng nói, mà đó là cái tình của người viết.
Phải yêu quê hương xứ sở mình đến mức không thể đo lường, người ta mới
nôn nóng mong sự thay đổi, cái mới, điều tích cực phải đến ngay như
vậy...
Lâm Chí Công là một trong số không nhiều nhà báo viết phóng sự hiện nay
xác lập được cho mình một giọng điệu riêng (đã đạt đến trình che bút
danh, nhưng bạn đọc lâu năm vẫn có thể nhận ra tác giả là ai sau khi đọc
tít, chapeau và lướt qua bài). Đó là kiểu đặt tít chơi chữ rất gợi, gây
tò mò như: “Từng khâu rựa nữ quyền”, “Rủ nhau đi học đếm tiền”, “Trùm
mền trốn... lũ ống”, “Nam Ninh kilomet một ngàn”, “Đi bộ tới thiên
đường”... Là luôn cố ý “chường” cái tôi của mình ngay từ chapeau và “để”
cho nhân vật, từ lãnh đạo cho tới nông dân trăn trở, lý sự đủ thứ về
cuộc sống.
Với phóng sự, Lâm Chí Công không phải là một “phù thuỷ” về chữ nghĩa,
xây dựng nhân vật hay giữ cho thể loại này luôn đi giữa lằn ranh văn học
và báo chí như mặc định của lý thuyết... Nhưng Lâm Chí Công luôn khiến
bạn đọc phải há hốc mồm rồi nhắc mãi, bởi lối kể chuyện lớp lang, ngôn
từ sắc lẹm đầy tính chiến đấu và các chi tiết độc đáo luôn được cài đặt
có chủ đích.
“Là nhà báo thì phải nói sự thật cho mọi người cùng biết” - câu nói nổi
tiếng của Vũ Trọng Phụng - đã trở thành kim chỉ nam của nhà báo Lâm Chí
Công kể từ khi vào nghề báo cho đến giờ. Tuy nhiên với phóng sự, hình
như không phải lúc nào anh cũng nói được sự thật, bởi như anh thú nhận:
“Tôi nhận ra trong sự nặng nhọc, khổ ải của lao động nghề báo có cả sự
chiến đấu, chịu đựng, chờ đợi, vì không phải bao giờ và ở đâu chân lý và
sự thật cũng được nhận thức, đối xử như nhau”.
Trên hết, chính sự luôn trăn trở, băn khoăn về “sự thật” đã làm nên một
tác giả phóng sự Lâm Chí Công luôn hừng hực lửa nghề, đầy trách nhiệm và
tự trọng trong từng con chữ. Yêu nghề và có trách nhiệm với những gì
mình viết ra, nhất là với phóng sự là điều tưởng như hiển nhiên, nhưng
không phải ai cũng làm được, giữ được...
Khởi động “Cuộc thi báo chí JICA 2013”
Hôm nay (21.6), nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng VN, Văn
phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN đã chính thức khởi
động “Cuộc thi báo chí JICA 2013”. Đây cũng là một hoạt động trong khuôn
khổ kỷ niệm 40 năm VN và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo đó, các các nhà báo VN hiện làm việc tại các cơ quan
báo chí của VN đều có thể tham dự cuộc thi này. Bài dự thi phải là những
tác phẩm được đăng trên các báo từ ngày 13.10.2012 đến ngày 31.8.2013,
với các đề tài liên quan đến các dự án ODA của Nhật Bản tại VN, các câu
chuyện mang tính nhân văn về những người có liên quan đến JICA như nhân
viên văn phòng, chuyên gia, tình nguyện viên... (thông tin về giải có
tại tại: http://www.jica.go.jp/vietnam/english/offce/topics/
mediaAwar2013.html. Hạn cuối nhận bài dự thi: Hết ngày 31.8.2013. Nhà
báo đoạt giải sẽ được mời thăm quan Nhật Bản.
Cũng nhân Ngày Báo chí Cách mạng VN, nguyên Trưởng đại diện
JICA tại VN Tsuno Motonori đã gửi lời chào các nhà báo VN khi kết thúc
nhiệm kỳ làm việc tại VN và tân Trưởng đại diện JICA tại VN Mori Mutsuya
đã gửi lời chúc mừng các nhà báo VN.
L.Q.V
|
(Theo laodong.com.vn)
|