“Hương quê” - Câu chuyện về tình yêu và tình quê hương
Thúy
và Lan, đôi bạn thân thiết từ thuở ấu thơ đã phải chia tay vì nghịch
cảnh của thời thế trước khi họ kịp nói lời hẹn ước. Từ giã thành phố
Vinh đang hồi sinh từ đống hoang tàn đổ nát, Lan theo gia đình di cư vào
Nam với một tương lai vô định. Học xong ở trường “Nữ sinh áo tím”, Lan
vào làm y tá ở Quân y viện Cộng hòa. Ở đây, Lan được tận mắt chứng kiến
những đau thương của chiến tranh. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với một người
đồng hương, Lan và người chị ruột lao vào thương trường, làm quen với
những “đô la xanh”, “đô la đỏ”, với những món hàng được tuồn ra từ PX
(căng tin của quân đội Mỹ). Cũng như không ít những người Sài Gòn khác,
Lan đã di tản sang Pháp trước lúc chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Ngược
chiều với Lan, Thúy đã tìm đường ra Hà Nội và cuối cùng, trở thành cán
bộ địa chất. Trong thời gian học lớp kế toán, Thúy đã yêu Hạnh nhưng rốt
cuộc, cũng chia tay. Sau khi du học ở Liên Xô trở về, Thúy được điều
động đi B, công tác ở Ban Kinh tài R và sau đó, hoạt động bí mật ở Sài
Gòn. Trong một lần tình cờ tới nhà hàng La Pagode, Thúy gặp Lan nhưng
anh không dám lên tiếng. Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai người.
Ở
Pháp, Lan làm y tá ở bệnh viện tư và có nhiều cơ hội tiếp xúc với những
người Việt di tản sang Pháp, càng thấu hiểu thêm cảnh ngộ của những
người thiếu may mắn. Trở thành con nuôi của một Việt kiều sống lâu năm ở
Pháp, Lan chuyển về sống ở một làng quê vùng Lorraine và ở đây, Lan bắt
đầu viết những “bức thư không gửi” cho Thúy.
Còn Thúy trở về miền Bắc sau khi đất nước thống nhất, trở thành “nhân chứng” bất đắc dĩ cho mọi đổi thay của thời cuộc.
Hòa
mình trong không khí phấn khởi chung, Thúy và các đồng nghiệp đã sớm
nhận thức được sức đột phá giải phóng sản xuất và tiềm năng con người
của sự nghiệp “đổi mới” nhưng đồng thời, những mặt tiêu cực của nó.
Sau
một cuộc nói chuyện điện thoại ngắn ngủi và sau nhiều suy nghĩ, Thúy đã
tìm cách về công tác dài hạn ở Vinh nơi chôn rau cắt rốn với hy vọng sẽ
gặp lại Lan, nơi họ đã chia tay. Nhưng nhiều điều bất ngờ đã xảy ra...
Nguyễn
Đức Giáp, tác giả của tập truyện ngắn “Về miền thùy dương cát trắng” ra
đời cách đây nhiều năm, trong tác phẩm mới này đã bằng kinh nghiệm
sống, miêu tả một cách sâu sắc và chân thực cuộc sống của Sài Gòn xưa
cũng như muôn sắc mầu cuộc sống đất nước hiện nay.
(Theo baotintuc.vn)