Tăng cường hợp tác KH&CN Việt Nam – Nhật Bản
Thống kê của Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ KH&CN cho thấy, từ năm 2000 đến
nay, đã có hơn 42 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học theo Nghị định
thư giữa Việt Nam và Nhật Bản được triển khai.
Những dự án điển hình cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong
thời gian qua có thể kể đến như phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc-
một trong những dự án trọng điểm quy mô lớn đang được tích cực triển
khai; Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được xây dựng tại Khu Công nghệ
cao Hòa Lạc cũng đang được thực hiện. Ngoài ra, một số dự án khác như,
thành lập đại học quốc tế Việt – Nhật, xây dựng thành phố sinh thái tại
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang được thúc đẩy.
Một số quan hệ hợp tác khác như: hợp tác
giữa Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam và Viện nghiên cứu hóa – lý
(Nhật Bản) trong lĩnh vực công nghệ sinh học; giữa Viện Hàn lâm
KH&CN Việt Nam với Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật trong lĩnh vực
công nghệ vũ trụ; giữa Viện Địa lý với Trung tâm Khoa học và Công nghệ
biển Nhật về địa chấn học; hợp tác giữa Viện Khoa học Vật liệu VN với
Viện Khoa học Vật liệu Nhật Bản; giữa Viện chiến lược và Chính sách
KH&CN Việt Nam và Viện Chính sách KH&CN Quốc gia Nhật Bản về
nghiên cứu chính sách KH&CN...cũng đạt được những bước tiến vượt
bậc.
 |
Ký thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo quản nông, hải sản bằng công nghệ hiện đại(Ảnh:P.H) |
Hơn thế nữa, Nhật Bản và Việt Nam còn
hợp tác chặt chẽ trong những lĩnh vực như: năng lượng nguyên tử vì mục
đích hòa bình; sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn -đo lường-chất lượng, đặc
biệt là công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu.
Phát biểu tại Hội thảo “Hợp tác khoa học
và công nghệ Việt Nam-Nhật Bản: thành tựu và triển vọng” do Bộ
KH&CN tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nêu rõ, kể
từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009, quan hệ hợp
tác giữa hai nước không ngừng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu
trên nhiều lĩnh vực.
Cùng với sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai nước, hợp tác trong
lĩnh vực KH&CN giữa hai nước cũng phát triển tốt đẹp, ngày càng đa
dạng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Cụ thể, nhiều tổ chức nghiên cứu và phát triển của hai nước đã có những
quan hệ hợp tác tốt, nhiều chương trình/dự án về KH&CN giữa hai bên
đã và đang được triển khai hiệu quả nhằm giải quyết những vấn đề chung
của hai nước.
Về phía Nhật Bản, Ông Hatoyama Yukio,
nguyên Thủ tướng nội các Nhật Bản, Chủ tịch Viện nghiên cứu khối cộng
đồng Đông Á cũng nhận định, KH&CN là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu
trong bối cảnh hai quốc gia đang tăng cường mối quan hệ đối tác chiến
lược.
Ông Hatoyama Yukio hy vọng quan hệ hợp tác về KH&CN giữa hai nước sẽ
được tăng cường trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời gian tới.
Tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020 là xây
dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập quốc
tế về KH&CN, tăng cường hợp tác với các nước phát triển KH&CN,
đặc biệt với Nhật Bản là một định hướng ưu tiên của Việt Nam.
 |
Khánh thành phòng thí nghiệm công bảo quản nông sản (hợp tác với Nhật) tại Hà Nội. Ảnh: P.H) |
“Chúng ta đang có những điều kiện hết
sức thuận lợi cần được khai thác để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác này,
trong đó, một yếu tố quan trọng là Việt Nam đã có một đội ngũ cán bộ
KH&CN được đào tạo bài bản tại Nhật Bản, nhiều người trong số đó
đang làm việc và giữ những trọng trách tại các Viện nghiên cứu, trường
đại học hay các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như tại Việt Nam.
Đây chính là tiền đề tốt cho việc tăng
cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
giữa hai nước, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Nhật vào
Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN Việt Nam và sức cạnh
tranh của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo lợi ích chung của cả hai nước.
Các hướng công nghệ dự kiến tập trung
hợp tác trong thời gian tới bao gồm: công nghệ sinh học, công nghệ vật
liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, công nghệ điện
tử, tin học, viễn thông, năng lượng nguyên tử và năng lượng mới, công
nghệ môi trường…trong đó đặc biệt chú trọng hợp tác về đào tạo nhân lực
trong các lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng cần
có sự quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy hợp tác KH&CN Việt Nam - Nhật
Bản trong thời gian tới cho tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai
nước và thúc đẩy hợp tác có trọng tâm cho từng giai đoạn. Bên cạnh việc
thúc đẩy hợp tác song phương trong các khuôn khổ hợp tác KH&CN đã
được thiết lập, Việt Nam và Nhật Bản cần gia tăng sự tham gia vào các cơ
chế hợp tác KH&CN đa phương đã và mới được hình thành.
Đồng tình với nhận định của Bộ trưởng
Nguyễn Quân, ông Hatoyama Yukio bày tỏ hy vọng trong bối cảnh quan hệ
hợp tác giữa hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, với sự quan tâm
và ủng hộ của hai Chính phủ, sự nỗ lực của các nhà khoa học và công nghệ
của hai bên, hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản trong
thời gian tới sẽ ngày càng phát triển và tương xứng với nhiệm vụ và vai
trò của mình trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
giữa hai nước.
(Theo baodatviet.vn)