 |
Người dân sống trên các lồng bè nuôi cá
được bố trí ăn nghỉ tại Trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Cát Bà –
Cát Hải – Hải Phòng) |
Thiệt hại lớn về người và của
Bắt đầu từ tối 23/6, bão số 2 sau khi đi
vào địa phận thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình sau đó tiếp tục suy
yếu thành một vùng áp thấp và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp
thấp nên ở Vịnh Bắc Bộ, sáng 24/6 còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Biển động. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa,
có nơi mưa to đến rất to và dông.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng
chống lụt bão Trung ương, cơn bão số 2 đi qua đã làm gần 300m đê kè ở
Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoài
ra, còn làm trên 8.000 ha lúa, 550 ha hoa màu và 385 ha nuôi trồng thủy
sản ở Nghệ An bị ngập. Tại Nam Định có 550 ao nuôi trồng thủy sản, 3 tỷ
con ngao giống và một số giống thủy sản khác bị thiệt hại.
Thống kê cụ thể của Văn phòng Ban chỉ
đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đến trưa ngày 24/6 cho thấy: Tại
thành phố Hải Phòng có 50m kè cầu cảng khu vực bến Béo, đảo Cát Bà; 40m
kè khu du lịch Đồ Sơn bị sạt lở; đê kè Cát Hải bị sóng biển tràn qua gây
sạt, hư hỏng nhiều vị trí. Hải Phòng cũng có 2.352 ha thủy sản và 44 ha
hoa màu bị thiệt hại.
Tại tỉnh Quảng Ninh, thân đê Hà Nam
thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên bị sạt lở khoảng 50m. Nước dâng do bão và
triều cường đã làm tràn một số đoạn đê địa phương. Ban Chỉ huy
PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương
tiện, vật tư xử lý các sự cố nêu trên.
Tại tỉnh Nam Định, đã bị sập dốc bê tông
tại K27+100 đê biển Hải Hậu; 20m kè biển khu du lịch Quất Lâm bị sạt
lở; Kè 16 đê tả Đáy huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở 2 vị trí. 450 ao nuôi
trồng thủy sản, 100 lều trông ao nuôi tôm và 3 tỷ con ngao giống bị
thiệt hại.
Mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong
ngày 22/6 đến trưa ngày 23/6 gây lũ quét tại suối Nậm Kiên, xã Nậm Càn,
huyện Kỳ Sơn cuốn mất tích 2 người vào 5h ngày 23/6. Về nông nghiệp,
8.080 ha lúa, 550 ha hoa màu và 385 ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh bị
ngập.
Mưa lớn cũng gây ngập các tuyến đường
chính trung tâm thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), chỗ ngập sâu nhất
khoảng 60 cm gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Về nông
nghiệp, 992,5 ha lúa và 331 ha hoa màu; thủy sản: 82 ha bị ngập.
Tại khu vực đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng
Ngãi), vào 4h 30 ngày 23/6, trong lúc đang tham gia thu mua hải sản tại
vùng biển cách đảo Lý Sơn gần 10 hải lý về phía Nam, tàu cá QNg 96132 HS
của ông Lê Đại, 60 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, gặp
sóng to gió lớn đã bất ngờ gẫy trục lái và bị sóng biển đánh chìm. Thiệt
hại tài sản ước tính vào khoảng 100 triệu, rất may không có thiệt hại
về người.
 |
Các lực lượng quân và dân huyện Cô Tô (Quảng Ninh)
gia cố phần cầu tàu bị sóng làm sạt lở |
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Mặc dù bão số 2 đã suy yếu và tan dần từ
sáng 24/6, nhưng theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn
Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở khu vực nam
đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị tiếp tục có mưa
vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 – 120mm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên
hiện nay khu vực thành phố Hà Nội từ chiều tối ngày 22 đến giữa trưa
24/6 đã có mưa vừa đến mưa to và dự báo còn tiếp tục kéo dài ít nhất
sang ngày 25/6, gây nguy cơ ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội. Với
dự báo đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố nội thành
Hà Nội từ 0,1 m - 0,2 m; các điểm ngập sâu đã được UBND thành phố đặc
biệt lưu ý là: Lê Trọng Tấn, Giải Phóng – Pháp Vân, ngã ba Trương Định –
Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khuyến, Định Công, Huỳnh Thúc Kháng, Trường
Chinh – Tôn Thất Tùng, Giải Phóng, Giáp Bát, Thái Hà, Thái Thịnh, Chùa
Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát, Tôn Đức Thắng - Văn
Miếu, Nguyễn Du - Quang Trung, Ngã 5 Bà Triệu, Liên Trì - Nguyễn Gia
Thiều, Thợ Nhuộm, Lĩnh Nam,… Cho đến giữa trưa ngày 24/6, tại các điểm
này vẫn có sự túc trực của nhân viên cấp thoát nước thành phố cùng các
trang thiết bị đi kèm, sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đến chiều tối 24/6, ghi nhận của phóng viên cho thấy đã không
có điểm ngập đáng kể nào xảy ra làm ảnh hưởng đến lưu thông cũng như
sinh hoạt của người dân.
Theo thông báo mới nhất của Văn phòng
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương phát đi trưa ngày 24/6, hiện
các tỉnh, thành phố đã và đang tiếp tục triển khai công tác thống kê
thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất của
nhân dân. Để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra, Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát – Trưởng Ban Chỉ đạo
phòng, chống lụt, bão Trung ương – cho biết, Bộ đang tiếp tục theo dõi
và sẽ có yêu cầu các Tổng Cục thủy lợi, thuỷ sản, Cục Trồng trọt để kiểm
tra, nắm tình hình, phối hợp các địa phương hỗ trợ nhân dân khắc phục
hậu quả cơn bão, khôi phục sản xuất. Đặc biệt phải khắc phục ngay tình
trạng sạt lở của đê kè để đối phó với cơn bão tiếp theo.
Hải Phòng:
Nằm trong tâm bão, Hải Phòng có nhiều thiệt hại nhất sau cơn bão
số 2, tuy nhiên qua trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Vũ Văn Trà – Phó
Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thông tin khả quan là ngành Giáo dục
không chịu ảnh hưởng nhiều. Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Chánh Văn phòng Sở
GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết mặc dù cơn bão số 2 gây ra những
thiệt hại đáng kể về đê điều ở thị xã Quảng Yên nhưng không gây ngập đối
với các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Hiện Sở GD&ĐT chưa có thống kê
chính thức nhưng nắm bắt sơ bộ cho thấy không có thiệt hại nào liên
quan đến ngành.
Thanh Hóa:
Là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây mưa
lớn nhưng Thanh Hoá lại không có những thiệt hại nào đáng kể. Tuy vậy,
bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết đề phòng các diễn
biến mưa lũ sau bão nên lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu các ban ngành,
địa phương trong tỉnh đề phòng lũ lụt, nhất là đối với các huyện miền
núi, để bảo đảm tính mạng cũng như tài sản người dân.
Hà Tĩnh:
Ông Lê Đình Quế - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết
tính đến chiều 24/6, Sở chưa nhận được thông tin nào về thiệt hại liên
quan đến ngành. Tuy vậy, Sở vẫn tiếp tục theo dõi và có những chỉ đạo
khẩn trương cho các cơ sở giáo dục không chủ quan, đề phòng các diễn
biến xảy ra, nhất là ở một số huyện miền núi đang có nước lũ lên cao do
mưa lớn kéo dài.
Nghệ An:
Chiều ngày 24/6, ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh
Nghệ An cho biết vừa đi kiểm tra ở địa phương về, điều đáng mừng là chưa
có thiệt hại nào được ghi nhận liên quan đến ngành do ảnh hưởng của
bão. Cũng theo ông Ngọ, khi bão số 3 bắt đầu tác động vào Nghệ An từ
sáng 23/6 cũng là ngày thi đầu tiên tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh. Các
phương án bảo đảm an toàn đã nhanh chóng được đưa ra, tuy nhiên theo dõi
các diễn biến cho thấy bão chỉ gây mưa trên địa bàn nên kỳ thi vẫn được
tiếp tục và kết thúc tốt đẹp, an toàn vào sáng 24/6. Tuy vậy, điều đáng
buồn là tỉnh đã xảy ra thiệt hại về người do ảnh hưởng từ cơn bão khi ở
huyện Kỳ Anh, chị Lô Thị Huế (sinh năm 1973) và con là Hoàng Gia Phúc
(sinh năm 2010, là một học sinh trên địa bàn) bị lũ cuốn mất tích.
|
(Theo giaoducthoidai.vn)