Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 26/06/2013 10:18
Báo giấy bây giờ...
Từ lâu, tôi có thói quen sáng nào cũng phải mua một tờ báo. Và cũng chỉ mua mỗi tờ báo ấy mà thôi. Hình như tôi đã nghiện nó. Nhiều hôm, trong lúc uống cà phê, có khi tôi chỉ lướt mắt qua chừng dăm phút là không còn gì để đọc nữa. Có đồng nghiệp bảo tôi: "Anh đọc như thể để lấy lệ vậy. Tôi thấy anh không đọc mà chỉ…coi báo thôi". Tôi cười cười: "Không đọc thì thấy nhớ nó. Nhưng gặp nó rồi thì …chán nó".

Đồng nghiệp của tôi nói không sai. Bởi vì những tin tức đáng chú ý (kể cả một số bài đáng chú ý nữa), cũng như bao nhiêu người, tôi đã đọc trên báo mạng từ tối hoặc đêm hôm trước. Hay nói một cách khác: Báo giấy càng ngày càng không thể cập nhật như báo mạng. Ấy là lợi thế nhanh, nhạy của báo mạng. Chưa kể báo mạng còn có những lợi thế khác mà báo giấy không có: Có giao diện đẹp, ảnh đẹp; có thể đọc được những bài viết mà báo giấy rất khó đăng; có thể đọc được những comments phản hồi ngay tắp lự; có thể chọn những tin tức, những bài viết chỉ đơn giản bằng cách di và bấm "chuột" ở bất cứ thời điểm nào và bất kỳ đâu.

Trước sự phát triển ồ ạt của báo mạng, báo giấy ngày càng vắng người mua

(ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Một người dân doanh nghiệp, là người quen của tôi, còn nói: "Bây giờ, nếu một ai đó có máy tính, lại hòa mạng, thì chẳng phải đi đâu xa, cứ ở trong nhà cũng có đầy đủ báo trong nước và ngoài nước để đọc. Trong cái thế giới phẳng này, Internet quả là một thư viện khổng lồ đầy tiện lợi".

Ở thời buổi công nghệ cạnh tranh đầy khốc liệt này, rõ ràng, báo giấy đang đánh mất dần vị trí vốn có của mình. Số lượng báo giấy ngày càng tụt thê thảm. Tháng này khác. Tháng sau khác. Năm nay khác. Năm sau khác. Dăm năm nữa sẽ hoàn toàn khác. Không ít người đã cảnh báo ngày cáo chung của báo giấy trên toàn thế giới.

Tất nhiên, ở Việt Nam, có thể chưa đáng báo động đến mức như thế. Bởi vì, cái gì ở ta cũng tiến và lui chậm hơn ở các nước hiện đại. Bởi vì lượng độc giả ở ta, đa số là người có tuổi, vẫn ưa đọc báo giấy.

Riêng ở Hà Nội cũng có tới cả chục tờ báo, tạp chí mà tên của chúng có liên quan đến Hà Nội hoặc Thủ đô. Có tờ báo có tira hàng vạn. Có tờ báo có tira hàng nghìn. Hãn hữu có tờ báo, tạp chí chỉ có tira hàng trăm.

Nhớ có một lần, vì có một cái tin trên tờ báo N., lại phải có báo ngay buổi sáng hôm ấy, tôi đã phải đích thân xuống nhà in nhờ vả. Tôi nói với nhân viên nhà in: "Tôi đang có việc. Tôi cần ngay vào trưa hôm nay. Chị vui lòng giúp cho. Nếu cần gì, tôi cũng đáp ứng ngay. Còn nếu ra muộn, thì cái tin của tôi chẳng còn giá trị gì nữa". Nhân viên nhà in nói: "Vậy thì anh đợi. Chúng tôi sẽ in ngay. Còn nếu không có anh, chúng tôi cứ túc tắc và đợi bao giờ có kẽ hở về thời gian, mới bấm máy…Anh biết tại sao không? Vì báo này có số lượng rất ít, in chẳng bõ bèn gì. Ngay cả những người ở tòa soạn ấy cũng đâu có sốt ruột bằng anh".

Nhân đây, cũng xin được mở rộng thêm: Đôi khi, làm phóng viên một tờ báo địa phương còn có cái khổ khác. Nếu anh đến một địa phương khác để đưa tin và viết bài, có người sẽ bảo anh: "Này, thế tờ báo của anh là tờ báo gì nhỉ? Anh giải thích mãi, nói mãi mà tôi vẫn chưa hình dung ra nó. Từ khi còn trẻ cho đến khi đã trên 50 tuổi, tôi chưa hề biết mặt mũi nó thế nào, nhất là trên sạp báo. Theo tôi thì tờ báo của anh hầu như chưa bao giờ ra khỏi địa phương của anh thì phải? Thôi, anh cứ hỏi, cứ khai thác đi…Dù sao thì anh cũng là người từ nơi khác đến. Nhưng nếu bài viết của anh đăng được trên một tờ báo Trung ương nào thì sẽ tốt hơn và có lý hơn đấy".

Một người làm công việc phát hành ở một tòa soạn báo cho biết: "Việc bán báo bây giờ gặp nhiều khó khăn lắm. Trước đây nhiều năm, ngay từ 4 - 5h hàng ngày, dân phát hành đợi trước cửa nhà in cứ đông nghìn nghịt và vui như hội. Còn bây giờ, vắng như chùa Bà Đanh. Có tờ báo mang tiếng là nhật báo, mà cứ 2 ngày, độc giả mới nhận được liền một lúc 2 tờ, cũng chẳng thấy ai kêu ca gì. Có tờ báo được bao cấp kinh phí đến tận tổ trưởng dân phố, vậy mà khi nhân viên đưa báo đến nhà, người có suất báo tiêu chuẩn nói nửa đùa nửa thật: "Hay là anh không đưa báo đến nữa. Lâu lắm rồi, tôi có đọc điếc gì đâu. Chỉ vì nể anh mà tôi không nói ra đấy thôi. Hay là thế này vậy, tiền đặt báo đã được bao cấp, chúng ta cùng nhau "cưa đôi". Làm thế vừa lợi cho tôi, vừa lợi và đỡ mệt cho anh". Tôi còn biết một số tờ báo "nhỏ" muốn tăng tira bằng cách nhờ một vài tờ báo "lớn" mua giùm mỗi kỳ vài trăm số. Nhưng đến khi một vài tờ báo "lớn" đề nghị hai bên cùng gửi cho nhau vài trăm số ở dạng trao đổi, thì một số tờ báo "nhỏ" lập tức…"lờ lớ lơ".

Người này còn nói thêm: "Hiện ở Hà Nội, có một vài quầy bán báo còn bầy trò cho thuê báo đọc hàng ngày. Chẳng hạn tờ báo có giá 3 - 4 nghìn đồng, người thuê báo để đọc chỉ mất một nghìn đồng. Đối tượng này đọc từ sáng đến chiều đem báo trả lại. Còn người bán báo thì chỉ việc thu báo lại để trả lại cho những đơn vị đã ký gửi báo. Cho nên bây giờ, cũng ít có tòa soạn nào đem báo đi ký gửi lắm".

Thời tôi còn trẻ (vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước), có khi mua được bất kỳ một tờ báo giấy nào, đã mừng. Nhiều khi còn phải xếp hàng từ sáng sớm mới mong mua được một tờ báo như ý muốn. Nay thì tình hình đã hoàn toàn khác.

Than ôi, thời oanh liệt của báo giấy, nay còn đâu! Xin "mượn" một câu thơ trong bài thơ "Nhớ rừng" nổi tiếng của Thế Lữ để kết thúc bài viết này



(Theo vnca.cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)