Các tỉnh tham dự, gồm: Hà Nội, Ninh
Bình, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Ninh Thuận, Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh và Đồng
Tháp. Theo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với
đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay quy mô giáo dục và mạng lưới các
cơ sở giáo dục phổ thông từng bước được củng cố và phát triển, đáp ứng
nhu cầu học tập của học sinh cả nước.
Tuy vậy, công tác quy hoạch phát triển
mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông còn chậm và chưa sát với thực tiễn;
cơ cấu loại hình trường và mô hình tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo
dục phổ thông được đa dạng hoá nhưng các loại hình trường chưa có sự
phát triển cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền.
Riêng về đổi mới chương trình, sách giáo
khoa, đoàn giám sát đã có đánh giá khá cụ thể, trong đó đánh giá việc tổ
chức biên soạn chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn chưa
có cơ chế bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học;
việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình sách
giáo khoa còn thiếu đồng bộ, thống nhất.
Đặc biệt, hiện nay nội dung chương trình
giáo dục phổ thông còn nặng, quá tải, thiên về trang bị kiến thức mà
chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách học
sinh; chương trình chưa thể hiện đầy đủ và rõ nét mức độ hiện đại, cập
nhật cần thiết, tính tích hợp, phân hoá trong xây dựng còn yếu…
Từ kết quả giám sát này, Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội Ban hành Nghị quyết về giáo dục phổ
thông; Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa thực hiện sau
2015; đưa dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh
của Quốc hội khoá XIII nhằm thể chế hoá nội dung liên quan đến nhà giáo.
Đối với Chính phủ và các bộ ngành, Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo
dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học; có cơ
chế, chính sách thiết thực để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản
lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi mới cơ bản cơ chế,
chính sách đầu tư và tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn
xã hội để phát triển giáo dục; đổi mới cơ chế, chính sách trong quản lý
và phát triển các trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú,
trường phổ thông công lập chất lượng cao, trường có yếu tố nước ngoài
nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho
đất nước...