Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 08/07/2013 08:59
Đợt thi thứ 2: Gian lận sẽ không thể “lọt lưới”
Đợt 1 của kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 đã kết thúc với con số 111 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có 1 trường hợp thi hộ (tại hội đồng thi Học viện An ninh nhân dân), còn lại chủ yếu mang điện thoại di động vào phòng thi. Sau đó, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy lại phát hiện thêm trường hợp thi hộ thứ 2.

Con số thí sinh vi phạm tuy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số thí sinh dự thi, nhưng lại là con số khiến nhiều người quan ngại khi ngày mai (ngày 9-7) đợt thi thứ 2, đợt thi có nhiều môn “học thuộc” sẽ chính thức bắt đầu. Báo QĐND Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT. Ảnh: Phan Chính

Giám thị nghiêm túc sẽ hạn chế tiêu cực

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về công tác thanh tra trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa diễn ra?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Đợt 1 vừa qua nói chung các nơi vào cuộc tốt, nhiều địa phương thành lập các đoàn thanh tra và Bộ GD-ĐT cũng thành lập các đoàn thanh tra lưu động, không báo trước địa điểm thanh tra để đến tất cả các vùng, kịp thời nhắc nhở và xử lý những vấn đề phát sinh. Qua thanh tra đã phát hiện một số vấn đề tương đối cụ thể, chúng tôi đã kịp thời chấn chỉnh. Theo nhận định cá nhân tôi, trách nhiệm của các giám thị trong đợt thi vừa qua cao hơn nhưng không vì thế mà chủ quan trong đợt thi thứ 2 này.

PV: Kết thúc đợt thi đầu tiên đã phát hiện 2 trường hợp thi hộ. Đã lâu rồi mới thấy xuất hiện hiện tượng này trong kỳ thi. Để chuẩn bị cho đợt thi thứ 2, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo và lưu ý gì cho các trường?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Trên cơ sở đợt 1, thanh tra Bộ đã có văn bản yêu cầu các đoàn thanh tra thực hiện đúng theo quy chế, đặc biệt lưu ý những lỗi mà đợt 1 đã xảy ra như mang điện thoại di động vào phòng thi. Do đó, yêu cầu giám thị phòng thi phải hoàn thành chức trách của mình, đó là không phải chỉ đến lúc thi mới nhắc nhở thí sinh, việc lưu ý đó phải thực hiện từ khâu chuẩn bị thi.

Việc thi hộ tuy không nhiều nhưng đã phát sinh trong đợt 1 nên chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm và kiểm soát hiện tượng đó bằng nhiều cách, trong đó cách đối chiếu ảnh theo đúng quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy quy định tại Điều 23, 24 sẽ là bước phát hiện ban đầu.

Ngoài lưu ý này, đợt 2 chúng tôi quan tâm thêm có một số môn xã hội có thể xảy ra khả năng gian lận cao để tập trung cao độ hơn trong giám sát. Kinh nghiệm cho thấy nếu giám thị làm nghiêm túc sẽ hạn chế tiêu cực rất nhiều. Mỗi khâu thi đều có thể phát sinh sự việc, do đó dù là “phút 89” cũng không thể lơ là.

“Lọt lưới” chưa phải đã an toàn

PV: Những trường hợp phát hiện gian lận, thi hộ sẽ có chế tài xử lý ra sao để đảm bảo đủ sức răn đe, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Đối với cán bộ tuyển sinh sẽ bị buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật nếu có một trong các hành vi sai phạm sau đây: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong sổ điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển (kể cả những hành vi sửa chữa học bạ, điểm thi tốt nghiệp trung học để đưa học sinh vào diện tuyển thẳng hoặc diện trúng tuyển).

Những cán bộ, sinh viên, học sinh các trường kể cả trường trung học, tuy không tham gia công tác tuyển sinh nhưng nếu có các hành động tiêu cực như: Thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, gây rối làm mất trất tự tại khu vực thi sẽ bị buộc thôi việc (nếu là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước), đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên).

Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả lớn đối với những thí sinh có hành vi nhờ người khác thi hộ, làm bài hộ dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, chúng tôi có chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Đó là xử phạt người thi hộ từ 4 đến 6 triệu đồng.

PV: Ông đánh giá công tác giám sát thi ra sao khi có trường để thí sinh thi đến môn cuối cùng mới phát hiện ra thi hộ?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Việc thi hộ thường rất tinh vi, hiện nay công tác giám sát mới chủ yếu dùng đến biện pháp đối chiếu qua danh sách ảnh ở từng phòng thi và qua thẻ dự thi của thí sinh. Thực chất đây mới chỉ là bước phát hiện ban đầu, nếu có nghi ngờ, chúng tôi sẽ phải dùng đến các hoạt động nghiệp vụ đa dạng từ phía công an để xác minh.

Việc để thí sinh thi đến môn thứ 3 mới phát hiện là một điều rất đáng tiếc. Có thể đã lâu không xảy ra hiện tượng thi hộ nên một số giám thị “mất cảnh giác” trong việc đối chiếu ảnh. Lần này Bộ GD-ĐT đã lưu ý rất kỹ và áp dụng biện pháp cụ thể hơn trong đối chiếu ảnh. Thời gian đối chiếu ảnh để thí sinh vào phòng thi diễn ra rất nhanh nên có thể chưa kịp phát hiện nhưng sau khi thí sinh bước vào làm bài, phải để thẻ dự thi có dán ảnh lên bàn để các giám thị “soi” lại theo đúng quy chế đã đề ra.

Qua sự việc lần này, một lần nữa nhắc nhở giám thị làm đúng trách nhiệm của mình. Khi phát hiện thí sinh có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ dùng các biện pháp xác minh nhưng trước mắt vẫn để thí sinh đó tiếp tục làm bài để đảm bảo quyền lợi cho họ khi chưa có bằng chứng cụ thể. Đối với những hành vi gian lận như thi hộ, kể cả sau khi thi, lúc chấm bài mà phát hiện thi hộ chúng tôi vẫn xử lý theo đúng quy chế. Do đó, những thí sinh thi hộ không phải đã “an toàn” khi “lọt lưới” ở phòng thi.

PV: Cách nào để tránh những trường hợp “tình ngay, lý gian” khi thí sinh vô tình mang điện thoại vào phòng thi?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Việc nhắc nhở của giám thị chỉ là một phần, thí sinh nên tập trung cao độ cho kỳ thi. Ngày thi cả thí sinh và người nhà cần rà soát thật kỹ những vật dụng được phép mang vào để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như vừa rồi nhiều thí sinh do vô tình mang điện thoại vào phòng thi mà bị đình chỉ, bỏ lỡ cả kỳ thi.

PV: Xin cảm ơn ông!


(Theo qdnd.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)