Tháng 8/2010, điện thiếu trầm trọng,
ngành điện xin lỗi công khai về tình trạng mất điện ảnh hưởng đến sản
xuất kinh doanh. Ngay sau đó, xuất hiện một "lá thư" của Tập đoàn điện
lực Việt Nam (EVN) gửi Thủ tướng Chính phủ phàn nàn chuyện thiếu điện có
một nguyên nhân lớn từ sự đầu tư tràn lan của ngành thép.
EVN cho rằng, sản xuất thép làm cho nhu
cầu điện rất lớn, việc đầu tư ồ ạt đã khiến cho lưới điện ở nhiều địa
phương bị phá nát. Điển hình nhất là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, phải điều
chỉnh bổ sung qui hoạch điện tới 7 lần do có nhiều dự án thép .
Theo EVN, đến 30/8/2009, Việt Nam có 65
dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên. Mặc dù
các nhà máy thép mới chỉ sử dụng chưa tới 50% công suất, nhưng hàng năm
tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Ngành điện đã phải đầu tư khoảng
35.500 tỷ đồng cho nguồn, trạm, đường dây dẫn điện. Phải bỏ vốn lớn như
thế nhưng giá điện bán cho thép lại rẻ mạt.
Với phân tích trên, EVN chốt ý rằng,
thép chính là nguyên nhân làm tăng khối lượng đầu tư xây dựng của ngành
điện, là một thủ phạm làm ảnh hưởng tới việc cấp điện. Sau đó, ngành
điện đã bóng gió về việc xây dựng biểu giá bán điện riêng cho ngành
thép. Thậm chí, yêu cầu các DN thép phải tự lo đầu tư nhà máy điện để
đáp ứng sản xuất.
Thép phân trần, số liệu mà EVN đưa ra
lấy từ công văn của Bộ Công thương gửi Chính phủ về đầu tư trong ngành
thép. Có nhiều dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Cả nước lúc đó chỉ có 27
đơn vị sản xuất thép, trong đó có19 đơn vị sản xuất phôi, thì làm sao
tiêu thụ lượng điện lớn như vậy. Không thể nói ngành thép xài điện hoang
phí.
Đề xuất của EVN về việc chủ đầu tư thép
phải tự làm điện cũng khiến các DN thép bất bình, coi đó là một kiểu
kiến nghị của nhà độc quyền. Nếu chủ đầu tư nào làm thép cũng đủ sức tự
lo điện cho mình thì có lẽ không cần EVN tồn tại nữa.
Đến 6/2011, cuộc chiến có thêm sự tham
gia của Bộ Tài chính với văn bản đề xuất Chính phủ đánh thuế xuất khẩu
thép 3% vì cho rằng, thép lãi lớn nhờ giá điện thấp. Căn cứ vào giá điện
tính đủ để EVN không lỗ là 1.777 đ/KWh, nhưng khi đó, giá bán điện cho
thép chỉ là 1.242 đ/KWh. Nghĩa là các DN thép đang được mua giá điện rẻ,
lợi khoảng 535đồng/kWh.
Thép lại phản pháo, giá điện chỉ chiếm
5,14% giá phôi, 0,77% giá thép cán xây dựng, 0,62% giá thép ống hàn,
0,65% giá thép mạ kim loại và 0,91% giá thép cán nguội. Tỷ lệ thấp như
vậy nên lãi trong sản xuất và xuất khẩu thép không hoàn toàn do giá điện
thấp mang lại.
Nếu so sánh mức thuế xuất khẩu thép 3%
do Bộ Tài chính đề nghị với mức tăng giá điện, khi EVN tính đủ giá điện
là 1.770 VNĐ/kWh thì phần tiền tăng lên nhờ đánh thuế thép đã vượt xa so
với mức bù giá do EVN đề nghị, với khoản chênh lên tới 114.000 đồng đến
609.000 đồng/tấn.
Cuối cùng, thép không bị đánh thuế xuất
khẩu. Nhưng EVN chẳng chịu yên, sang 2012, EVN cho biết, tiêu thụ điện
của hai ngành sản xuất sắt thép và xi măng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Các
nhà máy thép trong quý 1/2012 đã tiêu hao 1,264 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng
5,53% điện thương phẩm. Nếu mức tiêu thụ điện như vậy được duy trì trong
3 quý tới, cả năm ngành thép có thể tiêu thụ tới hơn 5 tỷ kWh.
Hiệp hội Thép cho rằng, con số này không
chính xác. Quý I/ 2012 ngành thép gặp khó khăn nhiều nhà máy đã phải
ngừng, giãn sản xuất, sản lượng thép đạt thấp, làm sao có thể sử dụng
sản lượng điện lớn như thế.
Tố nhau vòng quanh
Bước sang 2013, EVN ra yêu cầu phải tiết
giảm nhu cầu, tập trung vào các đơn vị sử dụng nhiều điện như sản xuất
sắt thép, xi măng ... do thiếu điện vào từ đầu tháng 3. Lúc này nhiều DN
thép đã đắp chiếu, hoặc hoạt động cầm chừng nên tự bản thân các nhà máy
cũng đã tiết giảm, vậy nhưng không ít các DN vẫn lo lắng nếu đang hoạt
động mà bị cắt điện đột ngột thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Đỉnh điểm căng thẳng bùng lên khi có sự
vào cuộc của Bộ Công thương với Dự thảo cơ cấu giá bán lẻ điện, theo đó,
giá điện cho các ngành sản xuất dự kiến sẽ tăng, trong đó ngành thép và
xi măng sẽ bị áp giá điện riêng, cao hơn từ 2 - 16%.
Nhiều DN thép bức xúc, việc đưa ra Dự
thảo giá điện phân biệt đối xử với lý do tiêu thụ điện năng là không thể
chấp nhận được. Đây là sự phân biệt đối xử, không công bằng trong kinh
tế thị trường.
Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO)
cho rằng, nếu đúng như đề xuất sẽ làm tăng chi phí sản xuất của TISCO
mỗi tháng khoảng 2,4 tỷ đồng và tăng chi phí trên mỗi tấn thép cán
khoảng 53.000 đồng, trong khi DN đang rất khó khăn.
Cuộc chiến đến giờ nay vẫn chưa đến hồi
kết bởi dù ngày có hiệu lực được nêu ra trong Dự thảo là 1/7/2013 nhưng
tới tận hôm nay vẫn im lìm bất động, vẫn còn trong diện "đang lấy ý kiến
đóng góp" tại trang chủ của Bộ Công thương.
Các ý kiến cho rằng, giả sử giá điện
dành cho thép, xi măng có tăng đúng như mong muốn của EVN, cho dù hầu
hết các DN thép, xi măng không hoạt động, tiêu thụ điện 2 ngành sản xuất
này giảm đi 1 nửa so với hiện tại thì chắc chắn điện vẫn thiếu.
Vấn đề là quy hoạch điện từ trước đến
nay lập ra nhưng luôn bị vỡ, chưa bao giờ hòan thành, nhiều dự án điện
chậm tiến độ cả năm trời, tổn thất diện năng lớn... vẫn là những nguyên
nhân quan trọng khiến cho ngành điện luôn không hoàn thành nhiệm vụ.
Thép, xi măng bị áp giá riêng mà điện vẫn thiếu thì EVN lại phải tìm một
lý do gì khác, hay một ngành sản xuất nào đó để đổ trách nhiệm thiếu
điện chứ đâu phải do EVN.