Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 17/07/2013 09:06
Ðọc Những chân trời cuộn sóng
Lịch sử nhân loại những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, diễn ra theo hai xu hướng trái ngược: Một là thế giới "phẳng" đi - mỗi công dân, mỗi đất nước đều đứng trên một bình diện về ước nguyện bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; "phẳng" về mặt thông tin do in-tơ-nét mang lại. Hai là sự cách biệt ngày càng lớn, ngày càng tàn nhẫn, tinh vi và nhiều khi là vô lối, trắng trợn hơn giữa một thiểu số nước mạnh, kẻ giàu và phía bên kia là đông đảo nhân loại chịu sự đè nén, áp bức và bóc lột.
Hai sự kiện lớn trong thời kỳ này là sự sụp đổ của CNXH ở Ðông Âu và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nó cho thấy mỗi hình thái kinh tế - chính trị đã bộc lộ những nhược điểm lớn nhất, mỗi sự phát triển đã tới hạn, buộc phải có những thay đổi cho phù hợp. Nhưng con đường sáng cho sự phát triển của nhân loại vẫn chưa thật sự mở ra.

 Mỗi dân tộc đều phải gồng mình lên vượt qua khủng hoảng và tìm lối đi riêng của mình.

 Hồ Quang Lợi là một nhà bình luận quốc tế nổi tiếng khi anh còn ở báo Quân đội Nhân dân. Về làm Tổng Biên tập báo Hà Nội mới và hiện là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, anh vẫn bám sát các vấn đề thời cuộc và ngày càng đi sâu vào bình luận quốc tế như một sở trường, một chuyên môn hẹp, bên cạnh mở rộng ngòi bút về các đề tài khác theo yêu cầu của công việc và cảm xúc trong cuộc sống ngày càng rộng mở hơn.

 Cuốn sách thứ tám, cuốn sách mới nhất của anh "Những chân trời cuộn sóng" - (NXB Hà Nội - 2013) dày hơn 500 trang khổ 14,5x20,5 cm đã thể hiện một sự quan sát đầy đủ và sắc bén những biến động chính yếu trên khắp thế giới trong vòng 20 năm qua, tức là thời kỳ bản lề của hai thế kỷ, bản lề của những biến đổi lớn.

 Ðọc tập sách này, tôi có ba cảm nhận:

 Một là, bên cạnh sự chính xác về tư liệu, khám phá bản chất của sự kiện thì cuốn sách được viết bằng một trái tim yêu đời, yêu người và niềm tin mãnh liệt ở những điều tốt đẹp. Chính điều này đã làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm. Bình luận quốc tế báo chí ở nước ta có một hiện tượng khá nổi bật trong nhiều năm là phê phán lấy được, phàm những gì thuộc về đế quốc tư bản là phủ định sạch trơn. Hồ Quang Lợi là người không xa rời lợi ích dân tộc và do lập trường dân tộc chân chính mà thấu hiểu, chia sẻ với các dân tộc để có cái nhìn khách quan hơn. Trong một khung cảnh đen tối, nếu một tác phẩm văn học, một tác phẩm báo chí thêm một điểm đen thì khung cảnh đó càng trở nên đen tối. Nếu rọi vào đó một điểm sáng, người ta sẽ nhận rõ hơn sự phi lý của bóng đêm để nắm tay nhau vươn về ánh sáng. "Pa-ri những điều không lạ", "Những chặng đường nước Mỹ", "Nước Nga xác quyết tương lai",... và chan chứa trong các bài khác là niềm tin, sự phấn khởi, xúc động về những tình cảm cao thượng, những tìm tòi sáng tạo của con người, nhỏ thì để chia sẻ, lớn thì để giải cứu dân tộc... Dù là câu chuyện ở nước nào thì cũng đem lại niềm tin và sức mạnh cho chúng ta.

 Hai là, những tác phẩm báo chí của Hồ Quang Lợi có tính văn học cao. Nó không chỉ biểu hiện ở một số hình ảnh, một số đoạn văn trữ tình ngoại đề mà chủ yếu ở con người. Bài viết về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở Mỹ là một thí dụ. Chính con người và văn hóa - trực tiếp là văn hóa ứng xử,  không phải là chính khách với những nguyên tắc chính trị cứng nhắc, mới làm cho con người và các quốc gia thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau, tiến tới giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, kể cả những vấn đề tưởng chừng như không vượt qua được.

 Ba là, Hồ Quang Lợi có một phong cách ngôn ngữ đặc biệt. Nó thể hiện sự sáng rõ, mạch lạc của tư duy; nhưng nhiều khi anh cũng lắt léo, lắt léo như một thủ pháp để đối phương bị dẫn dắt theo mình. Trên đoạn đường lắt léo đó, nhất định đối phương phải mệt mỏi, phải đánh mất cái mạnh của mình. Làm bình luận, trong đó có bình luận quốc tế, đều có tính luận chiến; không chỉ với người tranh luận trực tiếp mà cả với sự phản biện của bạn đọc, nên bài viết của Hồ Quang Lợi, ngôn ngữ của Hồ Quang Lợi được bày biện như một chiến dịch, một trận đánh. Trong chữ của anh có tiếng vang của âm thanh, có sự sắc nhọn của sự dùi mài. Mỗi chữ, mỗi ý đều được phân công, phối hợp ăn ý với nhau.

 Phải chăng ba điều khác biệt ấy, tạo nên ấn tượng Hồ Quang Lợi trong làng báo Việt Nam hiện đại?



(Theo nhandan.org.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)