Soạn văn bản kiểu... "trên giời"
Sở dĩ báo giới phải mổ xẻ, bình luận "nát nước" bởi đa phần đều cho rằng, đây là một thông tư rất thiếu thực tế. Theo nhiều ý kiến, các đối tượng được ưu tiên "cộng điểm" nói trên nếu còn sống đến hôm nay thì cũng đã ở tuổi trên dưới 80, vậy thì việc đặt vấn đề thi đại học đối với họ có là chuyện…trên mây? PGS.TS Văn Như Cương, trong một ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên của mình (đã được đăng tải trên vietnam.net) thậm chí còn đặt nghi ngờ: "Các cơ quan nhà nước cần xem lại có phải lỗi đánh máy không hay là quy định như vậy?".
 |
Quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc cộng điểm cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi họ tham gia thi... đại học hiện bị công luận "chê" là một quyết định xa rời thực tế. Trong ảnh: Cuộc hội ngộ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Câu trả lời là: Không có "lỗi đánh máy" nào cả. Ngày 11/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga đã có văn bản trả lời báo chí. Theo vị quan chức này giải thích, vì chúng ta đang triển khai xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời nên qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng không giới hạn tuổi của thí sinh. Chính vì lẽ ấy, việc ưu tiên cộng điểm cho các đối tượng thí sinh nói trên là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn "dù biết rằng đối tượng bổ sung có thể rất ít". Tất nhiên, cách giải thích trên của ông Bùi Văn Ga không làm dư luận thỏa mãn, bởi vấn đề đặt ra ở đây không phải là sự ưu tiên ấy có "đáng" không, mà là có "thực tế" không? Thử hỏi, hiện ở Việt Nam, mỗi năm có được mấy người ở tuổi trên dưới 80 tham gia kỳ thi đại học? Và thi xong rồi thì họ làm gì? Ở tuổi ấy, liệu có ai nhận họ về công tác không? Dư luận nhận xét văn bản trên thiếu thực tế cũng là từ những ý nghĩ đó.
Thật ra, đây không phải lần hiếm hoi các "quan Bộ" ra văn bản thiếu thực tiễn, kiểu trên mây trên gió như vậy. Xin điểm lại một số văn bản từng bị dư luận "ném đá tơi bời" trong vòng dăm năm trở lại đây:
Đầu tiên phải kể đến quy định của Bộ Y tế về việc người có vòng ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái xe máy trên 50 cc. Ngay sau khi văn bản này được ban hành, dư luận đã ồn lên, cho rằng quy định vậy là gây khó dễ cho hoạt động của người dân và thiếu tính khả thi. Một độc giả trên Báo Tuổi trẻ thậm chí còn nói thẳng: "Sức khỏe con người đâu chỉ liên quan lồng ngực mà còn những yếu tố khác như tập thể dục, ăn uống điều độ... Với lại từ trước tới nay tôi chỉ nghe tai nạn xe cộ do buồn ngủ, say xỉn, chưa hề nghe người... ngực lép gây tai nạn". Do không được dư luận chấp nhận và thiếu tính khả thi, văn bản "cấm ngực lép" của Bộ Y tế sau đó đã bị hủy bỏ.
Tiếp đến là Thông tư của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc thịt gia súc, gia cầm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được phép bày bán trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Thông tư này ngay lập tức bị công luận đánh giá là "viển vông", là "chẳng làm nên tích sự gì". Trên Báo Dân trí, ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có phân tích xác đáng, cho rằng yêu cầu trên là không tưởng bởi cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý không thể tự kiểm tra thời gian tiêu thụ thịt trong vòng 8 tiếng mà phụ thuộc hoàn toàn vào lời khai báo của tiểu thương. Mặt khác, theo ông Xuân, việc xử phạt cũng sẽ rất mập mờ, khó thực thi. Trước những phản hồi giàu tính thuyết phục của công luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký quyết định ngưng hiệu lực thi hành thông tư "chưa sát với thực tiễn" nói trên và yêu cầu xem xét trách nhiệm của các cán bộ tham mưu.
Một trong những quy định có "tuổi thọ" ngắn nhất là quy định "Không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - Châu Âu" của Bộ Xây dựng. Ban hành ngày 23/5/2013, ngay lập tức quy định trên bị giới chuyên môn chê là "khiên cưỡng", "áp đặt", là "không hợp lệ" (vì trong các văn bản quy phạm pháp luật không có điều khoản nào cấm việc thiết kế kiến trúc theo hướng tiếp thu phong cách kiến trúc cổ), đến độ, chỉ hơn 20 ngày sau, Bộ Xây dựng đã phải ra một văn bản thu lại quyết định trên. Lý do đưa ra kể cũng tức cười: "Trong quá trình in ấn có sự sai sót".
Một quy định tưởng là không ảnh hưởng gì tới quốc kế dân sinh song lại bị báo giới "soi" nhiều và có không ít lời ra tiếng vào là quy định về việc linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không được để ô cửa có lắp kính trên quan tài. Các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định này sẽ bị phê bình hoặc xử phạt hành chính. Trong những lý do mà cơ quan chức năng đưa ra có lý do: "Việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ" và "Việc lắp kính này nếu không khéo có thể gây đổ vỡ rơi xuống mặt người đã mất". Nghe thì có vẻ tính toán chi li, chu đáo, song thử hỏi, liệu có ai trong các cán bộ thực thi công vụ đủ "dũng cảm" để xuất hiện trong một đám tang và lập biên bản xử phạt gia đình người quá cố về việc "cố tình dùng lắp kính trên quan tài" như vậy không? Đến việc xe tang qua đường, CSGT còn không dám phạt vi phạm đèn xanh đèn đỏ nữa là. Ấy là chưa kể, theo ý kiến của TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản qui phạm pháp luật Bộ Tư pháp (đã đăng trên Báo Tuổi trẻ) thì nên tôn trọng quyết định của người dân vì nó liên quan đến tình cảm, đến yếu tố tâm linh, và trong điều kiện hiện nay, việc "đảm bảo vệ sinh, ngừa khả năng kính vỡ rơi vào mặt người quá cố" hoàn toàn có thể khắc phục được.
Ngoài ra là không ít quy định "giời ơi đất hỡi" khác, được công bố rồi "teo" dần, đi vào quên lãng. Điều đáng nói là với những quy định rất thiếu thực tế - điều mà hầu như ai cũng dễ dàng nhìn thấy - song rốt cuộc thất bại đến đâu thì cũng "hòa cả làng", chẳng thấy ai bị kiểm điểm, kỷ luật cả

(Theo vnca.cand.com.vn)