Thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19: Khẳng định bản lĩnh nhà báo
Sẵn sàng vào tâm dịch
Nói đến tinh thần "sẵn sàng vào tâm dịch", đương nhiên không thể không nói đến các đồng nghiệp của Báo Quân đội nhân dân. Chúng tôi được biết, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có nhiều nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung phong vào tâm dịch để tác nghiệp. Ngay trong dịp 21-6 cũng có một nhóm phóng viên của Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp ở tâm dịch Bắc Giang. Tại TP Hồ Chí Minh những ngày này, các phóng viên của báo cũng hằng ngày đối mặt với nguy cơ lây nhiễm để gửi về tòa soạn những tin, bài thời sự nóng hổi. Các phóng viên mặc áo lính thực sự đã phát huy tốt phẩm chất "nhà báo chiến sĩ".
Để chiến thắng dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội thì việc kịp thời thông tin, tuyên truyền của báo chí là vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh mạng xã hội phát triển nhanh chóng, không ít người lợi dụng để đưa tin sai sự thật về các ổ dịch, những ca nhiễm mới... gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Ý thức được điều này, nhiều phóng viên, nhà báo của những cơ quan báo chí khác nhau đã không một phút ngần ngại khi được giao nhiệm vụ, nhiều người với trách nhiệm nghề nghiệp đã chủ động đề xuất với lãnh đạo để được dấn thân vào tâm dịch, nhằm đưa đến độc giả những thông tin, hình ảnh chân thực nhất. Phóng viên Nguyễn Phong Sơn của Báo Công an nhân dân là một người như vậy, anh đã có mặt ở nhiều điểm dịch lớn như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... Trong đó, ấn tượng nhất với Nguyễn Phong Sơn là chuyến đi Vân Đồn (Quảng Ninh) để đưa tin đón 30 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 2-2020. “Thật hạnh phúc khi tôi được chứng kiến những công dân Việt Nam được trở về từ Vũ Hán, cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc vỡ òa xuất hiện trên gương mặt đồng bào khi trở về quê hương”-nhà báo Nguyễn Phong Sơn chia sẻ.
|
Phóng viên Báo Quân khu 9 tác nghiệp trong khu cách ly. Ảnh: TUẤN HUY.
|
Trách nhiệm trong mỗi bài viết
Với phóng viên Lê Danh Lam của Thông tấn xã Việt Nam cũng không ngoại lệ. Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, anh nhận được quyết định của cơ quan về thường trú tại tỉnh này. Cơ quan cho một tuần để chuẩn bị nhưng Lê Danh Lam quyết định về Bắc Giang sớm hơn dự định ban đầu để cùng đồng nghiệp lao vào tâm dịch giữa cái nắng tháng 5 gay gắt cùng bộ đồ bảo hộ kín mít trên người. Nhà báo Lê Danh Lam bày tỏ: “Càng trong tâm dịch, tôi càng cảm nhận được tình người thắm đượm. Hình ảnh những chiến sĩ quân đội, công an phục vụ trong khu cách ly, giúp dân thu hoạch nông sản; các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân; nhiều cá nhân và tập thể trên cả nước liên tục gửi đồ vào vùng dịch ủng hộ người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch... khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Đây là nguồn động viên, đồng thời như một mệnh lệnh giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn, nỗ lực hơn, có trách nhiệm hơn trong từng tác phẩm báo chí để góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung”.
Ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và hiểu rằng nếu bản thân không may mắc Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến công việc và nhiều người khác, chủ động phòng dịch cho mình cũng là đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch của cả nước nên cũng như các đồng nghiệp, nhà báo Nguyễn Phong Sơn và Lê Danh Lam luôn đề cao ý thức phòng dịch. Mỗi khi đi tác nghiệp, các anh đều chuẩn bị bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay y tế và nước sát khuẩn, tuân thủ nghiêm khuyến cáo "5K". Khi đi công tác vùng dịch trở về địa phương, các anh luôn chủ động khai báo y tế và cách ly đúng quy định...
Một ngày không xa, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và tất cả các địa phương trên cả nước sẽ chiến thắng "giặc" Covid-19, mọi hoạt động của xã hội sẽ trở lại bình thường. Để có được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các lực lượng trên tuyến đầu và người dân cả nước cần có sự vào cuộc của những nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí. Vượt qua mọi vất vả, hiểm nguy, kịp thời thông tin, tuyên truyền góp phần đẩy lùi dịch bệnh phần nào khẳng định bản lĩnh, phẩm chất nhà báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
(Theo Qdnd.vn)