Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 10/12/2014 05:24
Vài nét về làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử

Thăng Long – Hà Nội với nghìn năm lịch sử tồn tại và phát triển từ khi vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô và tiến hành thiên đô từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội), đặt tên Kinh đô mới là Thăng Long. Và từ đó trở đi, Thăng Long – Hà Nội được coi là chốn “địa linh nhân kiệt” và “chốn hội tụ của bốn phương đất nước”. Với vị trí địa lý và điều kiện thiên nhiên đặc biệt, có nền văn hoá lâu đời, có nhiều làng nghề sản xuất thủ công truyền thống, Hà Nội xưa được biết đến với gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mộc mỹ nghệ Vân Hà, đúc đồng Ngũ Xã, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ… Sau khi được mở rộng địa giới hành chính bao gồm cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc Hoà Bình, nơi đây được mệnh danh là đất trăm nghề.

 
Lịch sử đã ghi lại: trong các giá trị kinh tế, văn hoá của vùng đất này thì các nghề, các làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội đã biểu lộ rõ nét bản sắc văn hoá, ý nghĩa nhân văn và tài năng sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi sở tại và các địa phương thuộc tứ trấn (Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Đông). Các làng nghề truyền thống ra đời xuất phát từ nhu cầu cần việc làm lúc nông nhàn của người dân ở nông thôn để làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu tại chỗ (tự cấp tự túc) và sau đó là nhu cầu xã hội (sản phẩm hàng hoá). Thăng Long hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để các vương triều định đô và xây dựng kinh thành vì được xây dựng trên quy mô lớn, với rất nhiều công trình lớn đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghề cao và đông đảo. Cư dân phố phường của đất Kẻ Chợ không chỉ là dân sở tại mà còn từ khắp nơi trong nước đến buôn bán, sinh cơ lập nghiệp. Vua chúa, quan lại và các nhà quyền quý, giàu có luôn luôn có nhu cầu sử dụng vật phẩm hàng hoá cao cấp, đặc sắc và tinh xảo. Những người thợ thủ công tay nghề cao do đó được phát huy. Hơn nữa, kinh thành lại là đầu mối chính trung chuyển hàng hoá đi các nơi trong nước và ra nước ngoài.
 
Do điều kiện địa lý và vị trí chính trị là trung tâm đầu não quốc gia, kinh đô Thăng Long – Hà Nội trở thành nơi làm ăn, sinh sống của nhiều tầng lớp dân cư, có sức hút mạnh mẽ đối với những người thợ thủ công mọi miền đất nước, nhất là các địa phương quanh kinh thành. Được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau nên nghề thủ công mỹ nghệ Thăng Long – Hà Nội rất phong phú và đa dạng. Nhắc đến nghề truyền thống Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến tầm tang canh cửi, đến gốm sứ, mây tre đan, sơn ta và sơn mài, thêu, giấy dó, tranh dân gian, đúc đồng, nón, rèn…
 
Sự phát triển của các nghề thủ công truyền thống của Thăng Long – Hà Nội đã hình thành và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử, xuất phát từ các nguồn chủ yếu sau đây:
 
- Các nghề tại chỗ sẵn có trong các làng mạc, thôn xóm tại mảnh đất Hà Nội kể từ trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra định đô tại Đại La và đặt tên là Thăng Long (năm 1010): nghề dệt lĩnh ở làng Trích Sài bên bờ sông Thiên Phù, nơi có những bãi dâu bạt ngàn; nghề kim hoàn ở làng Định Công có từ thế kỷ thứ VI (sau CN)….
 
- Các nghề vốn có ở các nơi khác trong nước được du nhập vào Thăng Long – Hà Nội cùng với việc di dân do những sự kiện và biến cố lịch sử các thời. Kéo theo nó là những người thợ thủ công về Thăng Long – Hà Nội sống và làm việc đã dem theo nghề nghiệp từ các làng nghề chuyên nơi quê gốc: làng nghề đúc đồng mang tên Ngũ Xã, nghề gốm sứ Bát Tràng xuất hiện từ cuối thời Trần (thế kỷ XIV), nghề kim hoàn ở phố Hàng Bạc….
 
- Nghề do thợ thủ công các nơi trong nước, nhất là thuộc tứ trấn quanh kinh thành kéo về Thăng Long – Hà Nội làm ăn, đã đem theo kỹ nghệ sản xuất các loại sản phẩm vốn rất đặc sắc của quê mình. Họ sản xuất và bán buôn, bán lẻ ngay tại cửa hiệu ở mặt phố nghề. Đây là các nghề thường chưa có hoặc sản phẩm đặc sắc hơn so với thợ thủ công gốc Thăng Long – Hà Nội làm ra, cũng tạo nên sự phong phú, đa dạng về ngành nghề trên đát kinh thành.
 
- Các nghề mới và nghề ngoại lai (du nhập từ nước ngoài) cũng tồn tại, phát triển và dân dần trở thành nghề thủ công của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và của nước ta nói chung. Đó là nghề ren, đăng ten được du nhập từ Pháp sang. Ngoài ra, một số nghề do Trung Quốc truyền sang bằng nhiều con đường: hoặc là sứ giả Việt Nam học được kỹ thuật sản xuất trên đường công cán tại Trung Quốc, hoặc là do người Minh (Minh Hương) sang Việt Nam định cư và làm ăn, buôn bán đã đem đến đất Thăng Long – Hà Nội nghề dệt the, gấm, vóc…
 
Các nghề khéo của trăm miền, những thợ thủ công tài hoa có nhiều kinh nghiệm từ nhiều địa phương tụ hội về Hà Nội cùng đua sức, đua tài chế tác được nhiều sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng trong vùng và cả nước, tạo nên một diện mạo mới của Hà Nội và vùng đất này đã được coi là đất trăm nghề và người nơi đây được nổi danh khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ.
 
Các cuộc di dân từ nhiều địa phương vào đất kinh kỳ đã hình thành các làng nghề rồi đến phố nghề của đất Thăng Long làm cho Hà Nội trở thành nơi đông đặc nhiều làng nghề nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Từ làng nghề đến phố nghề là một quá trình găn bó của người thợ thủ công với nghề truyền thống nơi quê nhà – làng nghề với nơi mới lập nghiệp - phố nghề. Đó là quá trình từ làng nghề mà hình thành phố nghề, từ làng quê đưa vào thành thị những nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, hình thành những cơ sở sản xuất và buôn bán loại hàng hóa đặc sắc này, tô đẹp và làm phong phú đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của phố phường và từ phố nghề này thêm hưng thịnh càng thúc đẩy sự phát triển sản phẩm mới, mẫu mã mới, thêm sức sống cho làng nghề, làm cho làng nghề thêm phong phú… Đây chính là những đặc điểm đặc sắc, độc đáo trong quá trình phát triển của làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội.
 
Nói đến làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội phải nói đến phố nghề chuyên – 36 phố phường. Trên đất Thăng Long, các phường nghề, phố nghề chuyên xuất hiện và phát triển ngày càng sầm uất. Đó là các phố chuyên doanh một hoặc một số sản phẩm hàng hoá có liên quan tạo nên nét đặc sắc của mỗi phố. 36 phố phường Hà Nội xưa tập trung chủ yếu ở khu vực phố cổ và phố cũ hiện nay. Nhiều phố nghề chuyên doanh vẫn tồn tại và phát triển mạnh như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Tre, Thuốc Bắc, Hàng Mã… Nhưng cũng có không ít phố chỉ còn tên gọi cũ, hàng hoá buôn bán đã thay đổi, thậm chí không còn nữa như phố Hàng Bột (phố Tôn Đức Thăng), phố Hàng Trống không còn tranh Hàng Trống nữa, phố Hàng Thêu cũng không còn chuyên bán đồ thêu, phố Hàng Buồm từ lâu đã trở thành đa ngành hàng…
 
Để có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về sự hình thành và phát triển của làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội, bạn đọc có thể tham khảo và tìm đọc cuốn sách“Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội trên đường phát triển” do Vũ Quốc Tuấn chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010. Cuốn sách là sản phẩm trí tuệ của nhóm tác giả là những chuyên gia nghiên cứu về làng nghề, chuyên gia kinh tế có điều kiện nghiên cứu khoa học trong nhiều năm và tiếp cận các chủ trương, chính sách kinh tế vĩ mô, do đó đã khái quát được những thành tựu, giá trị cơ bản của làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội và đặc biệt các tác giả đưa ra những giải pháp có ý nghĩa thiết thực vừa cơ bản vừa cấp bách đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề Hà Nội hiện nay.
 
Qua cuốn sách, đông đảo bạn đọc sẽ thấy được đầy đủ quá trình phát triển làng nghề, phố nghề trong lịch sử, những giá trị to lớn của làng nghề, phố nghề trong đời sống thường ngày cũng như trong công cuộc phát triển Thủ đô, với ý nghĩa làng nghề, phố nghề là một di sản vô cùng quý báu, nơi gìn giữ và lưu truyền các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa và sức sáng tạo tuyệt vời của đội ngũ nghệ nhân và thợi giỏi, qua đó thấy rõ những thành tích quan trọng của các làng nghề và nghệ nhân tiêu biểu, hiểu rõ thêm về quá trình sáng tạo nghệ thuật của họ đã làm nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng. 
 
 
Minh Thy
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)