Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 17/12/2014 10:05
Công tác điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội

Năm 2004, với vai trò là một nhà xuất bản duy nhất của Thủ đô, Nhà xuất bản Hà Nội đã xây dựng Dự án đầu tư “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Dự án đã được Chính phủ chấp thuận, Ủy ban nhân dân Thành phố thẩm định, phê duyệt và giao Nhà xuất bản Hà Nội làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện.


Công tác điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội là một trong hai hạng mục trọng tâm của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Dự án được thực hiện trong 5 năm (2005 - 2010) với các kết quả đạt được rất khả quan.
 
Điều tra sưu tầm tư liệu trong nước
 
Công tác điều tra, sưu tầm tư liệu có vai trò quan trọng với chất lượng Dự án. Từ trước đến nay, hoạt động điều tra, sưu tầm tư liệu đã được một số cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện như các viện nghiên cứu, các thư viện, các sở ban ngành… Tuy nhiên, về cơ bản đó chủ yếu là những cuộc điều tra, sưu tầm theo chương trình riêng của từng đơn vị, còn tản mạn, chưa có hệ thống. Công tác điều tra, sưu tầm trong khuôn khổ Dự án được tiến hành một cách toàn diện, hệ thống. Phạm vi điều tra, sưu tầm tư liệu bao gồm toàn bộ văn hóa - văn hiến Thăng Long - Hà Nội được hình thành trong giới hạn hành chính của Hà Nội truyền thống (trước thời điểm mở rộng ngày 01/8/2008). Triển khai theo cả chiều sâu đến chiều rộng của phạm vi điều tra, sưu tầm tư liệu giúp cho kho tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội không chỉ có tính hệ thống, toàn diện mà còn là nền tảng vững chắc, là bệ phóng cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.
 
Để thực hiện tốt công tác điều tra, sưu tầm một cách khoa học và có hiệu quả, đơn vị chủ đầu tư đã “chọn mặt gửi vàng” các đơn vị thực hiện.
 
Đề án điều tra sưu tầm tư liệu trong nước do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, PGS.TS. Vũ Văn Quân làm chủ nhiệm đề án.
 
Việc tổ chức khảo sát, điều tra, sưu tầm tư liệu được tiến hành tại các thư viện, trung tâm lưu trữ Trung ương và Hà Nội và điều tra thực địa tại 14 quận huyện trong toàn thành phố. Lực lượng tham gia gồm đông đảo các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, thực tập sinh và sinh viên của các Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
 
Kết quả công việc là trên 40.000 trang tư liệu về địa bạ, hương ước, thần tích, văn bia, tư liệu chữ phương Tây… Khối tư liệu đó được xử lý tổng hợp, hệ thống hóa, biên dịch phục vụ cho các công việc:
 
- Xây dựng hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội (gồm hồ sơ tư liệu chung và hồ sơ tư liệu các quận huyện).
 
- Tổ chức biên soạn các bộ sách tư liệu về Thăng Long - Hà Nội.
 
- Lập kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
 
Điều tra, sưu tầm tư liệu nước ngoài
 
Xác định công tác điều tra, sưu tầm tư liệu về văn hiến Thăng Long – Hà Nội ở nước ngoài là việc làm cấp thiết. Chủ đầu tư Dự án đã có kế hoạch triển khai một cách cụ thể và đồng bộ với sưu tầm tư liệu trong nước. Vậy nên việc tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu nước ngoài đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức khả quan.
 
Nhận nhiệm vụ của Dự án, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã khảo sát, điều tra sưu tầm được gần 9.000 trang tư liệu của các Công ty Đông Ấn Anh và Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Địa điểm thực hiện tại Thư viện Quốc gia Anh và Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hà Lan. Trong 63 năm đóng thương điếm kinh doanh ở kinh đô Kẻ Chợ và Đàng Ngoài (1637 - 1700), người Hà Lan đã để lại khoảng 10.000 trang viết tay. Trong khi đó, với 25 năm buôn bán ở Kẻ Chợ và Đàng Ngoài (1672 - 1697) thương điếm Anh cũng để lại 1.005 trang viết tay... Từ nguồn tư liệu đồ sộ này, Nhà xuất bản Hà Nội cùng PGS.TS, Hoàng Anh Tuấn đã tổ chức biên dịch, biên soạn cuốn sách “Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII”.
 
Triển khai việc điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến, hai nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo và Nguyễn Bá Dũng đã tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu Trung Quốc liên quan đến Việt Nam gồm 1.935 trang Minh thực lục và 1.134 trang Thanh thực lục (thời Cao Tông và Nhân Tông). Trên cơ sở những tư liệu sưu tầm được, Nhà xuất bản Hà Nội cùng các tác giả biên dịch, biên soạn hai cuốn sách: “Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII” và “Thanh thực lục - Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX”.
 
Có thể nói đây là khối tư liệu hết sức giá trị, lần đầu tiên được khai thác với khối lượng lớn ở nước ta. Từ khối tư liệu điều tra, sưu tầm quý giá này sẽ góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa, văn hiến Thăng Long - Hà Nội cho hôm nay và mai sau.
 
 
Phạm Quốc Tuấn
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)